Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: “Chìa khóa” phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuỗi sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 22-6 đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp. Đây là dịp để kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng mối quan hệ nhằm hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp phát triển.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được coi là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới. Với mục tiêu đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Tỉnh Gia Lai cũng đã có kế hoạch với những nội dung cụ thể để triển khai thực hiện đề án này. Chuỗi sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2023 là một trong số đó.

Chuỗi sự kiện gồm 2 hoạt động chính: Hội thảo chuyên sâu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Diễn đàn đối thoại về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Gia Lai đã phần nào giải đáp và tháo gỡ những vướng mắc trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay.

Sau khi chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bà Nguyễn Hương Quỳnh-Giám đốc điều hành của Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP-cho rằng: Gia Lai là vùng đất giàu nguồn lực phát triển. Các doanh nhiệp chính là tế bào thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh đi lên. Muốn thành công, các mô hình khởi nghiệp ở địa phương cần lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, định vị đúng thị trường, ra mắt đúng thời điểm; đặc biệt, phải thể hiện được sự khác biệt và tính độc đáo của sản phẩm...

“Gia Lai có nguồn lực mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi, trồng trọt và năng lượng tái tạo. Nhưng vấn đề con người vẫn là yếu tố then chốt trong sự nghiệp đổi mới sáng tạo”-bà Quỳnh khẳng định.

Chuyên gia Nguyễn Hương Quỳnh-Giám đốc điều hành của Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Mai Ka

Chuyên gia Nguyễn Hương Quỳnh-Giám đốc điều hành của Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Mai Ka

Còn theo chuyên gia Nguyễn Thị Thu-Trưởng làng Nông nghiệp Techfest quốc gia, sáng lập hệ sinh thái nông nghiệp bền vững Mevi, làm sao tìm kiếm, phát hiện được những nhân tố, ý tưởng khởi nghiệp đặc sắc để ươm tạo, hỗ trợ là điều hết sức quan trọng. Bà Thu cho hay: “Xây dựng và phát triển nguồn lực và mạng lưới cố vấn tại địa phương là điều tiên quyết để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành “chìa khóa” phát triển kinh tế-xã hội”.

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh Đoàn Anh Tuấn-Chủ cơ sở sản xuất cà phê D&S (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Gia Lai khá thuận lợi cho nhiều cây, con phát triển. Tôi đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ nông sản chủ lực của địa phương với những cách làm mới để phát huy tiềm năng sẵn có và góp phần quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất cho cá nhân và cộng đồng. Dù gặp không ít khó khăn nhưng sau thời gian kiên trì học hỏi, lắng nghe và nhận được sự hỗ trợ từ các ngành, địa phương, sản phẩm khởi nghiệp của tôi đang phát triển rất tốt”.

Anh Đoàn Anh Tuấn (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sản phẩm cà phê mang thương hiệu D&S. Ảnh: Mai Ka

Anh Đoàn Anh Tuấn (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sản phẩm cà phê mang thương hiệu D&S. Ảnh: Mai Ka

Tham dự diễn đàn đối thoại về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, anh Lê Quang Hải (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) cho biết: “Với vai trò là “đầu tàu” của thanh niên địa phương, từ lâu, tôi đã có ý tưởng xây dựng một vườn ươm công nghệ cao để bảo tồn và phát triển cây hoa hồi-một giống cây rừng. Tuy nhiên, tôi gặp khó về nguồn giống, kỹ thuật và vốn đầu tư. Sau khi tham gia chuỗi sự kiện này và nhận được sự tư vấn, phúc đáp của các chuyên gia, tôi đã tháo gỡ được vướng mắc; đồng thời hiểu rằng mình phải tạo ra được sản phẩm mới, khác biệt để thu hút thị trường”.

Anh Hải cho rằng, ngoài cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, các chuyên gia cũng đã truyền cảm hứng, động lực cho những người trẻ đam mê khởi nghiệp.

Bạn trẻ Lê Quang Hải (thứ 2 bên phải qua, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) trao đổi về ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp tại diễn đàn đối thoại về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Mai Ka

Bạn trẻ Lê Quang Hải (thứ 2 bên phải qua, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) trao đổi về ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp tại diễn đàn đối thoại về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Mai Ka

Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-khẳng định: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Gia Lai đang ở giai đoạn hình thành và phát triển. Với mục đích tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động và hiệu quả với sự tham gia, kết nối thường xuyên của các thành tố, Gia Lai đã có nhiều hoạt động để từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

“Chuỗi sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Gia Lai năm 2023 đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc giao lưu, liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phong trào và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Chuỗi sự kiện cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các hoạt động hỗ trợ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương và các khuyến nghị chính sách; những kinh nghiệm của chuyên gia về vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Qua đó, đưa ra các giải pháp hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Gia Lai”-ông Cường nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.