Khổ vì quy hoạch treo: Khốn đốn trên mảnh đất ở đang sở hữu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quy hoạch treo cả chục năm khiến hàng ngàn người dân tại Kon Tum không thể xây dựng, vay vốn. Thậm chí có nhiều khu vực người dân phải tự làm đường, kéo đường dây điện về để sử dụng.

Quy hoạch "treo" dân

Đã hơn 15 năm nay, hàng chục hộ dân ở tổ dân phố 10, P.Duy Tân (TP.Kon Tum, Kon Tum) khốn đốn vì quy hoạch khu dân cư ngay trên mảnh đất gia đình họ đang sở hữu. Mặc dù họ sinh sống ổn định hàng chục năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Cũng bởi vậy, họ không thể sang nhượng đất, không được thế chấp đất đai, nhà cửa để vay tiền ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế.

Bà Lê Thị Trâm (42 tuổi, trú tại đường quy hoạch số 2, tổ dân phố 10) cho biết năm 1990 gia đình bà mua mảnh đất từ người dân địa phương. Sau khi mua đất, gia đình bà đã xây nhà để sinh sống, làm việc. Năm 2008, khu vực nhà bà được đưa vào quy hoạch khu dân cư, công viên và cây xanh. Cũng bắt đầu từ đây, cuộc sống gia đình bà Trâm bị "treo" cùng quy hoạch.

Trục đường Văn Cao - Trần Đăng Ninh có hàng chục ha đất nằm trong quy hoạch

Trục đường Văn Cao - Trần Đăng Ninh có hàng chục ha đất nằm trong quy hoạch

Gia đình bà Trâm đã nhiều lần đến cơ quan chức năng đăng ký làm GCNQSDĐ nhưng không được chấp nhận. Lý do đưa ra là khu vực này thuộc "quy hoạch" nên chưa thể cấp GCNQSDĐ.

"Người dân sống ở vùng này chẳng có quyền lợi gì hết, điện không, cái gì cũng không. Đến cả tuyến đường bê tông người dân cũng phải tự bỏ tiền ra làm. Quy hoạch treo quá lâu khiến người dân chúng tôi rất bức xúc. Mong địa phương xóa bỏ quy hoạch để người dân làm sổ đỏ, vay vốn hoặc chia đất đai cho con cái", bà Trâm bức xúc.

Ngoài quy hoạch khu dân cư, trên trục đường số 2 này còn có một phần diện tích nằm trong quy hoạch công viên cây xanh. Bà Châu Thị Phúc (69 tuổi, trú tổ dân phố 10) cho hay nhiều năm qua vì quy hoạch treo nên khu vực này không được đầu tư đường điện, người dân phải tự kéo đường dây điện về sử dụng.

Theo Công ty Điện lực TP.Kon Tum, năm 2014 ngành điện đã đầu tư xây dựng khoảng 400 m đường dây hạ thế đi dọc theo đường quy hoạch số 2 để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân tại đây. Các năm qua, đơn vị đã lập phương án đầu tư xây dựng đường dây trung hạ thế và trạm biến áp để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của bà con khu vực này. Tuy nhiên, UBND TP.Kon Tum chưa phê duyệt vì đây là khu vực thuộc quy hoạch công viên cây xanh.

Người dân tại đường số 2 phải tự làm đường, kéo đường dây điện về sử dụng
Người dân tại đường số 2 phải tự làm đường, kéo đường dây điện về sử dụng

Không thể vay vốn

Dọc theo trục đường Trần Đăng Ninh - Văn Cao (P.Trường Chinh, TP.Kon Tum) có hàng chục ha đất nằm trong quy hoạch đất công viên cây xanh, đất quy hoạch giao thông, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, khu làng nghề.

Theo nhiều người dân tại khu vực này, các đồ án quy hoạch được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt từ năm 2004 đến nay nhưng chưa có đồ án quy hoạch nào được triển khai thực hiện. Người dân còn cho biết hầu hết các khu đất nằm trong quy hoạch là đất của cha ông họ đã khai phá, sản xuất, làm ăn, làm nhà ở ổn định, lâu dài từ trước đến nay. Việc quy hoạch treo đã làm khổ người dân trong thời gian dài.

Gia đình ông A Thao sinh sống ở thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam 2 (P.Trường Chinh) qua nhiều thế hệ. Ông A Thao đang sở hữu mảnh đất canh tác gắn với nhà ở tương đối rộng. Vừa qua ông muốn bán miếng đất khoảng 150 m2 để lo cho con cái ăn học, số tiền còn lại dùng để đầu tư làm vườn, thế nhưng chẳng ai muốn mua một lô đất đang vướng phải quy hoạch.

Tương tự, ông Phạm Văn Lực (54 tuổi, trú thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam 2) cho biết gia đình ông chuyển đến đây mua đất, xây nhà và ổn định cuộc sống từ năm 1997. Nhiều năm sau này, khi cần vốn để chăn nuôi, phát triển kinh tế, ông Lực đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn và bị từ chối. Lý do được đưa ra là phần đất của gia đình ông nằm trong quy hoạch. Thậm chí gia đình ông Lực muốn sửa lại chuồng trại để chăn nuôi heo cũng bị ngăn cản vì 2 chữ "quy hoạch".

"Quy hoạch nằm đấy gần 20 năm trời nhưng không đơn vị nào triển khai. Chính quyền địa phương nên điều chỉnh quy hoạch để người dân bớt khổ", ông Lực nói.

Ông Trần Minh Đông, Bí thư Đảng ủy P.Trường Chinh, cho biết trên địa bàn phường có hàng chục vị trí quy hoạch. Qua các ý kiến phản ánh của người dân, phường đã triển khai công tác khảo sát thực địa các điểm quy hoạch theo 3 đồ án quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó, phường đã có báo cáo và có văn bản đề nghị UBND TP.Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum xem xét điều chỉnh các đồ án quy hoạch ở 17 vị trí.

"Phường có diện tích 500 ha mà trong đồ án quy hoạch có đến 4 công viên cây xanh. Có khu vực địa phương đã cấp đất ở cho người dân từ lâu nhưng đến nay lại quy hoạch thành bãi đỗ xe. Khi vướng vào quy hoạch, người dân không thể chuyển mục đích sử dụng đất, muốn xây nhà cũng không được, nếu bán thì giá rẻ, ông Đông cho biết thêm.

Nguồn lực hạn chế

Ông Trịnh Công Sơn, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Kon Tum, cho biết việc lập các đồ án quy hoạch là rất cần thiết, làm định hướng đầu tư phát triển đô thị đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương còn nhiều khó khăn nên việc triển khai thực hiện đầu tư theo quy hoạch chưa được đồng bộ và kéo dài, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Hiện UBND TP.Kon Tum đang tổ chức lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040. Dự kiến sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung này được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt, UBND TP.Kon Tum sẽ triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000). Trong quá trình lập đồ án quy hoạch phân khu sẽ nghiên cứu, phân tích đánh giá, xem xét điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn cho phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển không gian đô thị của TP.Kon Tum.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, xác nhận những quy hoạch treo này tồn tại lâu năm nhưng không được thực hiện đã làm khổ người dân. Để xảy ra tình trạng quy hoạch treo, trách nhiệm chính thuộc về chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Tuy nhiên đây là vấn đề lịch sử để lại, không chỉ riêng Kon Tum mà hầu như cả nước cũng đang diễn ra. Ngoài ra, nguồn lực địa phương còn nhiều hạn chế cũng khiến cho quy hoạch kéo dài.

Theo ông Tuấn, vừa qua tỉnh đã giao TP.Kon Tum tổ chức lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Đối với những quy hoạch treo, ảnh hưởng đến người dân thì sẽ loại ra. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung sẽ khắc phục được những quy hoạch treo trước đây. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, chính quyền đại phương đã lấy ý kiến của người dân. Người dân sẽ tham gia đóng góp ý kiến về quy hoạch.

Cũng theo ông Tuấn, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung tại TP.Kon Tum đã thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đã trình Bộ Xây dựng tham gia ý kiến để tỉnh phê duyệt. Hiện Bộ Xây dựng đã có ý kiến, tỉnh Kon Tum đang hoàn chỉnh lại rồi ký ban hành.

"Từ trước đến nay chưa có quy định rõ ràng về hiệu lực quy hoạch. Về lâu dài cũng nên có văn bản quy phạm quy định hiệu lực quy hoạch. Ví dụ như anh đưa quy hoạch đó ra, xây dựng những gì trong bao nhiêu năm, nếu không làm thì coi như quy hoạch đó hết hiệu lực", ông Tuấn nói.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.