Khi U60 "vượt vũ môn"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều thí sinh U60 tại Gia Lai vẫn tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 để bổ sung bằng cấp theo quy định cũng như nhằm hiện thực những ước vọng còn dang dở của mình.

 Mặc dù đã tuổi 55 nhưng ông Ksor Thum vẫn cố gắng đi thi để lấy bằng được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hà Phương
Mặc dù đã tuổi 55 nhưng ông Ksor Thum vẫn cố gắng đi thi để lấy bằng được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hà Phương

Những ngày qua, nhiều người không khỏi bất ngờ và thán phục khi thấy một số thí sinh lớn tuổi tham gia tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Bỏ qua mặc cảm về tuổi tác, họ bình tĩnh, tự tin bước vào phòng thi cùng các thí sinh đáng tuổi con, em mình. Tại điểm thi Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh), thí sinh Ksor Thum (SN 1967, làng O Pết, xã Ia Pết, huyện Ia Grai) hòa cùng với các nhóm thí sinh khác vào điểm thi. Ai cũng nghĩ ông là giáo viên hay cán bộ coi thi rồi không khỏi bất ngờ khi thấy ông cũng ngồi vào bàn, làm thủ tục như bao thí sinh khác.

Ông Thum hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Ia Pết). Ông tham gia thi tốt nghiệp lần này là để bổ sung đầy đủ bằng cấp theo quy định của Nhà nước. “Trước đây cuộc sống khó khăn, không có điều kiện học hành nên chưa hoàn thành được chương trình phổ thông. Với tôi, thi đạt được kết quả tốt để có bằng tốt nghiệp THPT là điều tuyệt vời nhất. Trong 2 ngày thi, tôi cũng chuẩn bị kiến thức và tâm lý thật tốt với hi vọng có được kết quả như mong muốn”-ông Thum bày tỏ.

Do điều kiện đường xá xa xôi, thời tiết bất lợi, hơn nữa ông Thum cũng lớn tuổi nên không thể học kiến thức trực tiếp như các em học sinh phổ thông. Tuy nhiên, ngoài công việc hàng ngày, cứ đến thứ bảy và chủ nhật, ông lại tranh thủ đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Chư Păh để học. Chia sẻ về kết quả làm bài, ông Thum thổ lộ: “Tôi làm bài cũng tạm ổn. So với những năm trước, kiến thức các môn học bây giờ khó hơn, tuổi đã lớn nên khả năng tiếp thu chậm hơn những học sinh khác. Chọn thi tổ hợp Khoa học Xã hội, tôi hi vọng những kiến thức mà mình tích lũy được trong thời gian vừa qua sẽ giúp ích phần nào. Nếu không đậu, sang năm tôi vẫn tiếp tục tham gia dự thi”.

Cũng tại điểm thi này, chị Đinh Thị Phương (SN 1972, làng Tơ Vơn 1, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) tâm sự: "Đây là lần đầu tiên tôi đi thi tốt nghiệp THPT, mục đích để bổ sung đầy đủ bằng cấp theo quy định của Nhà nước. Đợt thi này, bản thân tôi cũng cố gắng hết mức với các môn thi, làm bài được khoảng 50-55%. Vì mình cũng có tuổi rồi nên đây là thử thách hết sức khó khăn. Khi đăng ký vào học ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, tôi cũng ngại lắm vì mình lớn tuổi rồi nhưng không học thì làm sao có được tấm bằng”.

 Chị Đinh Thị Phương tại điểm thi Trường THCS thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh. Ảnh: Hà Phương
Tại điểm thi Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) ghi nhận sự tham gia dự thi của nhiều thí sinh lớn tuổi. Ảnh: Hà Phương



Được gia đình động viên nên chị Phương quyết tâm đăng ký ôn luyện. Với suy nghĩ học không bao giờ là muộn, chị Phương đã mua sách tham khảo, đọc tài liệu, rảnh lúc nào học lúc đó. “Với tôi, môn Toán là khó nhất, nhiều lần phải thức trắng đêm để làm bài. Khi thi xong môn Toán, tôi thấy cũng rất khả quan với kết quả đạt được khoảng 55%”-chị Phương bộc bạch.

Đối với những thí sinh tự do, tham gia dự thi tốt nghiệp THPT ngoài mục đích lấy bằng tốt nghiệp để bổ sung hồ sơ làm việc thì đây còn là dịp để nêu cao tinh thần học tập, quyết tâm không lùi bước trước những khó khăn, thử thách. Chị Rơ Châm H’Mler (SN 1978)-điểm thi Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi đi thi tốt nghiệp, tuổi đã lớn nên việc ôn thi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng làm bài thật tốt dù đề thi hơi khó, nhất là môn Toán”.

Nói về cảm xúc khi đăng ký dự thi, chị H’Mler cho biết, bản thân rất hồi hộp, lo lắng và sợ làm bài không được. Tuy nhiên, chị cảm thấy nhiều hơn cả là sự hạnh phúc. Chị chia sẻ: Cảm giác bước vào điểm thi, được gọi tên vào phòng, ngồi vào bàn, nhận đề và làm bài là một trải nghiệm rất đáng nhớ. Hi vọng mình có được bằng tốt nghiệp để bổ sung vào hồ sơ, sau này có thể làm thêm nhiều việc giúp ích cho xã hội, trở thành tấm gương cho các lớp trẻ không ngừng nỗ lực trong học tập cũng như cuộc sống…”-chị H’Mler tâm sự.

 

HÀ PHƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.