Khai thác gỗ trái phép ở Gia Lai: Bao giờ chấm dứt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
432 là tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã được cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện từ đầu năm đến nay; trong đó tình trạng vận chuyển mua bán lâm sản trái phép chiếm 368 vụ, vi phạm về khai thác trái phép gỗ và lâm sản 31 vụ.
Đến thời điểm này, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý 385 vụ, tịch thu hơn 513 m3 gỗ tròn và hơn 460 m3 gỗ xẻ các loại. Con số thống kê trên đã phản ánh thực trạng xâm hại tài nguyên rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang diễn ra hết sức phức tạp; nổi cộm là địa bàn các huyện: Chư Prông, Ia Grai, Krông Pa và một số vùng rừng giáp ranh với các tỉnh: Kon Tum, Đak Lak, Phú Yên.
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng viện dẫn vụ việc cách đây vài tháng, cơ quan chức năng bắt xe ô tô vận chuyển trái phép với khối lượng 20 m3 gỗ đủ tiến hành xử lý hình sự tại địa bàn huyện Chư Prông, song đến nay vụ việc này vẫn chưa được xử lý. Giải thích sự chậm xử lý vụ việc này, lãnh đạo Công an tỉnh cho rằng cơ quan Kiểm lâm chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Công an quá chậm. Vì vậy, công tác điều tra, thu thập chứng cứ liên quan để hoàn tất hồ sơ đưa ra xử lý gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến vụ việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh đặt câu hỏi: Xe ô tô chở gỗ trái phép sao biết được khối lượng gỗ trên xe là bao nhiêu. Thế nhưng, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, tiến hành đo kiểm và kết luận khối lượng gỗ trên xe là 20 m3 thì lập tức có 5 người đến nhận là chủ của số gỗ. Việc tự giác nhận là chủ số gỗ trái phép bị bắt giữ đồng nghĩa với việc 20 m3 gỗ được chia nhỏ dưới mức xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Từ thực tế giữ rừng, xử lý các vụ xâm hại trái phép tài nguyên rừng hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng khẳng định công tác quản lý bảo vệ rừng chưa tốt. Hệ quả của sự không tốt trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó ít nhiều có liên quan đến bộ máy quản lý rừng, nếu không xử lý nghiêm sẽ gây mất lòng tin trong nhân dân. 
Chế tài xử lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn bất cập cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế hiệu quả công tác giữ rừng. Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Trần Xuân Hiệp phân tích: Rừng cũng là tài sản công. Thế nhưng, tài sản công ở các lĩnh vực khác bị xâm hại mức 2 triệu đồng thì người xâm hại bị xử lý hình sự; còn xâm hại gỗ rừng trái phép ở mức 20 m3 trở lên mới bị xử lý là bất cập. Hơn nữa, rừng đã có chủ quản lý, bảo vệ. Thế nhưng khi gỗ rừng bị xâm hại trái phép, lực lượng giữ rừng, trong đó có kiểm lâm chẳng những không bị xử lý trách nhiệm ở vai trò là người giữ tài sản công được giao, mà còn được hưởng phần trăm trích lại từ số tiền bán đấu giá số gỗ trái phép tịch thu được. Quy trình bán đấu giá gỗ lại ưu tiên cho người phát hiện gỗ khai thác, vận chuyển trái phép. Mà người phát hiện là nhân dân hay lâm tặc lại rất khó xác định. Chính những kẽ hở trong quy định pháp lý hiện hành đã dẫn tới sự thông đồng hợp thức hóa gỗ bất hợp pháp thành gỗ… hợp pháp.
Trên cơ sở thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trên, mới đây UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp giữ rừng tận gốc. Nổi bật là xúc tiến thành lập thêm 3 chốt kiểm soát lâm sản. Kiểm tra các doanh nghiệp chế biến gỗ vừa và nhỏ và điều tra, xử lý khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Lập chuyên án điều tra, xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng theo hướng tuyệt đối giữ bí mật kế hoạch truy quét. Đặc biệt là nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi một số quy định, chế tài xử lý, xử phạt trên lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng.
Quang Văn

Có thể bạn quan tâm