Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam vừa khai mạc sáng 8-8 tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), các vị Đại sứ, đại diện Đại sứ quán, hơn 100 đại biểu quốc tế thuộc 30 tổ chức khác nhau của gần 25 quốc gia ở 5 châu lục…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA nhấn mạnh: Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam lần thứ 2 là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị mà còn đối với tất cả những ai đang hành động vì hòa bình, ngăn chặn chiến tranh.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, nhiều vết thương chiến tranh Việt Nam đã được hàn gắn cho cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ và nhiều nước khác, nhưng nỗi đau da cam thật dai dẳng. Mỗi ngày qua đi, lại có thêm nhiều nạn nhân qua đời; ốm đau bệnh tật, nghèo đói, tuyệt vọng và khốn khó tăng lên, không chỉ với người bị phơi nhiễm trực tiếp mà với cả những đứa trẻ vô tội sau chiến tranh. Không chỉ với các nạn nhân Việt Nam mà còn có hàng triệu nạn nhân nhiều nước khác. “Do việc giải quyết vấn đề da cam ngày nay gắn liền với nguyện vọng của toàn thế giới được sống trong môi trường lành mạnh; không chỉ phải là vấn đề công lý mà còn là vấn đề nhân đạo, vấn đề hòa giải và phát triển quan hệ có nhiều lợi ích thiết thực giữa các dân tộc có liên quan đến quá khứ chiến tranh. Vì vậy, nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được nhiều nước trên hành tinh quan tâm và nỗi đau này đã thành nỗi đau chung của toàn nhân loại”- Ông Rinh nhấn mạnh.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, bà rất xúc động trước sự có mặt của các nạn nhân chất độc da cam thuộc nhiều quốc gia, nạn nhân các cuộc chiến tranh hóa học, của vũ khí nguyên tử, các nhà khoa học, các luật gia… Quả thực đây là một hội nghị của những “tấm lòng vàng”, vì tất cả đến đây để chia sẻ sự quan tâm sâu sắc của mình với số phận và tương lai của các nạn nhân chất độc da cam.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Trong những năm qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có nhiều nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam cũng nhưng giải quyết vấn đề da cam ở Việt Nam. Nhưng chiến tranh không chỉ dừng lại ở vấn đề da cam mà còn rất nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Chính vì lẽ đó Việt Nam đánh giá cao và rất cần sự giúp đỡ của các bạn bè quốc tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu quốc tế đã có những phát biểu quan tâm sâu sắc đến vấn đề da cam. Đại sứ Venezuela Jorge Rondon Uzcategui cho biết, kể từ ngày thành lập, Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam đã có mối liên hệ thường xuyên với Làng Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội); đồng thời phát triển mối quan hệ hợp tác với VAVA…
Đại sứ Jorge Rondon Uzcategui khẳng định, người dân Venezuela cùng thêm tiếng nói của mình với hàng triệu người đang yêu cầu công lý cho những trang đen tối của lịch sử nhân loại. Công lý để trừng phạt các công ty hóa chất của Mỹ sản xuất chất độc chết người. Công lý để xoa dịu, dù chỉ là về mặt vật chất, hoàn cảnh khó khăn của các nạn nhân.
Ông Hamish Angus McGregor Chitts, đại diện Mạng lưới Công lý chất da cam và đoàn kết Việt Nam- Australia (AOJ- AVSN) cho biết, tuy mới ra mắt hồi đầu tháng 6 vừa qua, nhưng tổ chức này đang tập hợp những nhà hoạt động xã hội vì hòa bình và công lý đã tham gia tích cực trong phong trào chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam ở Australia. “Tất cả những thành viên chúng tôi đều nhận thức rõ về tấn thảm kịch của chiến tranh vẫn chưa kết thúc, đó là chất da cam đang tàn phá môi trường và con người Việt Nam. Mặc dù nhóm chúng tôi vẫn còn mới mẻ, nhưng chúng tôi đã được tập hợp từ các cuộc đấu tranh trước đây ở Australia về vấn đề này”.
Hội nghị cũng được nghe các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam và các nạn nhân đến từ Mỹ, Australia… chia sẻ những hiểu biết, cảm thông, những hành động cần thiết để có thể vượt qua nỗi đau và có niềm tin vào tương lai của mình.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (8 đến 9-8).
Theo VOV