Bao quanh bốn bề là núi cao và những cánh rừng già thăm thẳm, vì thế xã Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai) đã trở thành thung lũng “chết” đối với các loại sóng vô tuyến thông thường. Nhưng kể từ khi trạm thu phát sóng truyền hình “đặt chân” đến nơi đây, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Luôn túc trực trạm phát sóng 12 giờ/ngày, vợ chồng “nhà đài” Phạm Tồn Nhơn đã đem đến cho người dân nơi đây những luồng sinh khí mới.
Đường vào Kon Pne thật sự gian nan với tất cả những ai đặt chân đến đây. Vào mùa mưa, từ thị trấn Kbang vào Kon Pne khoảng 90 km nhưng phải trầy trật gần một ngày mới tới nơi. Có người đặt vè: “Chưa đi chưa biết Kon Pne/ Đi rồi mới sợ banh xe dọc đường”.
Anh Phạm Tồn Nhơn túc trực tại trạm thu phát sóng truyền hình. Ảnh: L.K |
Vợ chồng anh Nhơn có mặt ở Kon Pne đã được 4 năm. Lúc mới vào thấy cảnh hiu hắt và thiếu thốn nơi đây vợ chồng anh tưởng chừng không trụ được nhưng chính vùng đất nghèo và con người chất phát nơi đây anh tình nguyện ở lại thêm một thời gian nữa. Anh Nhơn cho biết: “Năm 2007, trước khi cưới nhau, vợ chồng tui đã viết đơn xin tình nguyện vào xã Kon Pne trực trạm thu phát sóng truyền hình.
Trước đây, trạm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, sau chuyển về tỉnh và giờ là huyện quản lý. Bình thường mỗi ngày phát sóng 12 giờ đồng hồ, do có một máy phát công suất 150W nên tầng số hai kênh VTV1 và VTV3 phải luân phiên nhau trong ngày. Ban đầu, từ một vài hộ xem tivi qua sóng của trạm, đến nay con số đã gần 100/336 hộ”.
Anh Nhơn tự hào, mỗi năm anh đã làm lợi cho cơ quan hàng chục triệu đồng nhờ công tác bảo quản, bảo trì máy phát tốt và nhận được nhiều lời khen ngợi. Những lỗi kỹ thuật lặt vặt đều được anh nhanh chóng khắc phục, có khi “bệnh” của máy nặng quá, không có linh kiện thay thế đành phải mang xuống tận Khánh Hòa để sửa chữa. Anh Nhơn kể: “Đến giờ phát chương trình mà mình chưa phát sóng thì bà con trong làng đến tận trạm yêu cầu phát sóng cho họ xem ngay. Họ có biết lỗi kỹ thuật gì đâu, cứ yêu cầu phát cho bằng được, nếu không kịp phát sóng kịp thời thì họ xì xồ dữ lắm”.
Vườn rau cải thiện bữa ăn của hai vợ chồng “nhà đài”. Ảnh: L.K |
Ngày thường, trạm phát 12 giờ đồng hồ, ca ba kéo dài đến 23 giờ đêm. Riêng, các dịp lễ, Tết hay các kỳ họp Quốc hội… thì trạm phải phát cả ngày, vợ chồng “nhà đài” phải thay phiên nhau trực. Vợ chồng anh phải gửi đứa con nhỏ lại cho nhà ngoại ở thị trấn chăm sóc. Anh Nhơn ngậm ngùi: “Năm ngoái, con bị đau phải đi cấp cứu ở bệnh viện nhưng chỉ có một mình vợ tui ra được với cháu thôi, tui phải ở lại trực, chỉ biết tin con qua điện thoại, thấy thương vợ thương con đứt ruột. Đến nay, đã hơn 10 năm trong nghề nhưng chúng tôi vẫn chưa được xét vào biên chế nhà nước. Lương tháng của vợ chồng chỉ vỏn vẹn có 4 triệu đồng, ngoài ra không có một chế độ gì khác”.
Đây là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từ giáo viên đến cán bộ xã đều có hỗ trợ tiền thu hút nhưng với vợ chồng “nhà đài” này thì không có gì.
Chị Nguyễn Thị Nghĩa- vợ anh Nhơn tâm sự: Để cải thiện bữa ăn, chúng tôi trồng thêm rau xanh, bán cà phê.
Lê Kiến