Huyện Tu Mơ Rông kiến nghị giải pháp để người dân thực sự hưởng lợi từ trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Huyện Tu Mơ Rông (KonTum) cho rằng, chủ trương trồng rừng là đúng đắn nhằm nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ trồng rừng hiện nay là quá thấp, chỉ đủ mua cây giống, phân bón nên khi cây chết, bà con không có kinh phí tái đầu tư, dẫn đến chưa mặn mà. Để khuyến khích, cần nâng mức hỗ trợ trồng rừng. Khi đó, rừng trồng sẽ được chăm sóc, phát triển tốt, dân được hưởng quả ngọt từ thành quả họ bỏ ra.
Rừng trồng bị chết
Tu Mơ Rông là huyện nghèo của tỉnh Kon Tum với đa số là người đồng bào dân tộc, đời sống còn nhiều khó khăn. Đây là vùng đất có diện tích đất lâm nghiệp và rừng lớn, thuận lợi cho phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Trong những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã đẩy mạnh trồng rừng tập trung, bao gồm 2 loại: chủ rừng trồng và rừng trồng của các hộ gia đình. Đối với rừng do hộ gia đình trồng, huyện khuyến khích người dân tham gia vì xác định rừng ngoài mang lại lợi ích về môi trường thì nếu phát triển đúng cách, trồng đúng loại cây, người dân sẽ hưởng lợi nhiều mặt. Thực tế là người dân tham gia trồng rừng sẽ được hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng thông qua cây giống, phân bón. Đến khi thành rừng, người dân sẽ được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng trên diện tích này cùng với sản phẩm từ rừng trồng.
 
Chăm sóc, phun thuốc diệt mối trên khu vực rừng trồng xã Đắk Hà.
Chăm sóc, phun thuốc diệt mối trên khu vực rừng trồng xã Đắk Hà.
Trong 2 năm 2021 và 2022, huyện Tu Mơ Rông đã vận động người dân trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, năm 2021, có 250 hộ dân và 7 cộng đồng trên 11 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông đăng ký trồng rừng tập trung với diện tích 249ha. Khi dân đăng ký trồng rừng, huyện Tu Mơ Rông đã cử các xã tổ chức rà soát và hướng dẫn thủ tục, đồng thời cử cán bộ ở các xã hướng dẫn kỹ thuật trồng, tổ chức theo dõi sát sao nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất có thể. Thời gian đầu, rừng trồng phát triển bình thường, tuy nhiên qua đầu năm 2022 đã xảy ra tình trạng cây giống bị chết.
 
Học sinh ở huyện Tu Mơ Rông chăm sóc rừng trồng chống sạt lở ở trường.
Học sinh ở huyện Tu Mơ Rông chăm sóc rừng trồng chống sạt lở ở trường.
Tại xã Đắk Hà, có 26 hộ dân thôn Tu Mơ Rông, xã Đắk Hà trồng hơn 33ha rừng sơn tra tại tiểu khu 266. Những ngày này, chúng tôi đến tiểu khu 266 và chứng kiến cảnh cán bộ xã Đắk Hà cùng dân xuống những khu vực trồng rừng để hướng dẫn bà con chăm sóc diện tích rừng sống còn lại. 
Ông Nguyễn Văn Tiến - cán bộ Tài chính Kế toán xã Đắk Hà, phụ trách thôn Tu Mơ Rông cho biết, trên diện tích 26 hộ dân thôn Tu Mơ Rông trồng rừng này, ông thường xuyên băng đồi kiểm tra và bắt đầu phát hiện cây sơn tra bị chết dần. Ông cũng đã hướng dẫn dân các biện pháp chăm sóc nhưng các cây sơn tra vẫn tiếp tục chết. Sự việc được ông báo lên xã.
 
Trồng rừng ở huyện Tu Mơ Rông
Trồng rừng ở huyện Tu Mơ Rông.
Ông A Hréc (thôn Tu Mơ Rông) cho biết, bản thân ông trồng 3.000m2 rừng trên diện tích rẫy cũ. Khi trồng, nhà nước cấp phát cây giống, thậm chí xã còn đến tận nơi hỗ trợ gia đình trồng. Sau này thấy cây sơn tra bị chết, gia đình cũng buồn. Do gia đình còn khó khăn nên ông mong được nhà nước hỗ trợ cây giống trồng dặm để sau này thành rừng thì gia đình sẽ được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng và thu hoạch quả sơn tra bán.  
 
Người dân trồng rừng
Người dân trồng rừng.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, đối với diện tích rừng trồng của các hộ gia đình, huyện quan tâm từ khâu chọn cây trồng rừng, hướng dẫn thủ tục đến giám sát diện tích rừng trồng này với mong muốn làm sao rừng trồng phát triển tốt, nâng độ che phủ rừng, qua đó giúp dân hưởng lợi bền vững từ rừng. 2 loại cây giống được chọn là sơn tra và thông vì loại cây này một phần phù hợp với thổ nhưỡng, còn sơn tra là cây đa mục tiêu, có giá trị cao. Thực tế quả của cây sơn tra trên địa bàn được khách hàng ở các tỉnh, thành phố ưa chuộng, đặt mua rất nhiều, có lúc “cháy” hàng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện, ngoài sơn tra và thông, tới đây, huyện vận động nhân dân liên kết triển khai trồng loại cây màng tang (tiêu rừng). Đây là cây tự nhiên đa mục tiêu có giá trị cao. Nếu không trồng và khoanh nuôi tái sinh thì loại cây này sẽ bị tận diệt, trong khi nhiều hợp tác xã và các công ty đã đặt nhà máy và cam kết bao tiêu cho dân, nên không lo tắc đầu ra. 
“Việc cây trồng rừng bị chết ở một số nơi là điều không mong muốn vì nhiều lý do như bị gia súc phá hoại; người dân dùng thuốc diệt cỏ; bị mối ăn; thời tiết khắc nghiệt, không có nước tưới… Từ lúc phát hiện cây trồng rừng bị chết, địa phương đã hướng dẫn bà con thay đổi cách chăm sóc để khống chế tỷ lệ cây chết, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cây giống. Phía Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã đồng hành, hỗ trợ huyện 1 triệu cây thông. Khi mùa mưa đến, huyện sẽ cấp phát trồng dặm trên diện tích chết. Các cây giống trồng rừng khác như sơn tra thì hiện huyện vẫn chưa có nguồn để hỗ trợ cho dân. Vì thế, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi hỗ trợ”, ông Mạnh nói.
Để dân thực sự gắn bó với trồng rừng 
Tại huyện Tu Mơ Rông, ngoài rừng trồng tập trung năm 2021 do các hộ gia đình trồng nói trên, cũng có diện tích rừng trồng khác của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông cho biết, năm 2021, ban đã hợp đồng thuê nhà thầu trồng 50,4ha rừng thông tại xã Đắk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông với đơn giá 67 triệu đồng/ ha rừng trồng được nghiệm thu thành rừng. Thông thường, sau 4 năm trồng, ngành chức năng sẽ nghiệm thu, nếu đạt tiêu chí thì công bố thành rừng. Trong đó, năm đầu tiên, ban thanh toán cho đơn vị được thuê 30 triệu đồng và sẽ thanh toán chi phí chăm sóc cho các năm tiếp theo. Đến khi hết chu kì kiến thiết và nghiệm thu thành rừng thì ban sẽ thanh toán toàn bộ cho đơn vị thi công.
Ông Trung cũng thừa nhận, đối với diện tích rừng trồng này, quá trình trồng cũng xuất hiện tình trạng cây giống bị chết. Ban đã yêu cầu đơn vị thi công trồng dặm. Hiện diện tích này đã phát triển tốt.  Đánh giá về việc rừng trồng của ban phát triển tốt, ông Trung nói: “Trồng rừng trải qua thời gian dài, tốn nhiều công như tiền mua cây giống, phân bón, nhân công chăm sóc, phát dọn thực bì, cuốc hố, bón phân. Đến khi trồng lên thì trải qua thời gian dài để chăm sóc. Do đó, khi mức hộ hỗ trợ trồng rừng cao thì người ta có đủ điều kiện chăm sóc rừng trồng”. 
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm, mức hỗ trợ hiện nay đối với các hộ gia đình trồng rừng chỉ tối ta 10 triệu đồng/ha. Trong khi đó, đối với cây sơn tra, mật độ trồng của 1ha là 1.660 cây. Đối chiếu với đơn giá cây giống thì tiền hỗ trợ này chỉ đủ mua cây giống, phân bón. Nếu trồng lên mà chết thì dân sẽ không biết lấy gì để trồng dặm. Quá trình chăm sóc phải kéo dài nhiều năm. Trong thời gian đó, bà con phải tốn công chăm sóc, công phát dọn thực bì, làm công tác phòng cháy chữa cháy. Cũng chính vì mức hỗ trợ trồng rừng thấp, nên khi xảy ra rừng chết, nhiều hộ nản chí, không muốn trồng rừng.
“Trước mắt, để giúp dân trồng dặm, huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cây giống. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp để giải quyết vấn đề trước mắt. Vấn đề cốt lõi để giúp dân thực sự gắn bó với trồng rừng là nâng mức hỗ trợ trồng rừng vì mức hỗ trợ như hiện nay là quá thấp. Khi nâng mức hỗ trợ, người dân sẽ mặn mà trồng rừng, họ sẽ chuyên tâm chăm sóc. Vì lẽ đó, UBND huyện đã báo cáo thực trạng, cũng như những tồn tại, qua đó kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với cấp thẩm quyền nâng mức hỗ trợ trồng rừng cho người dân. Hiện người dân đang mong muốn kiến nghị sẽ được lắng nghe. Khi đó, bà con sẽ có đủ nguồn lực để chuyên tâm trồng rừng, giúp họ thực sự hưởng lợi từ những cánh rừng xanh tươi”, ông Mạnh nói thêm.
Theo SÔNG HƯƠNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.