Huyền thoại về chiếc xe tăng 377

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Du khách đi trên đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14), đến trung tâm huyện lỵ Đak Tô (tỉnh Kon Tum) sẽ gặp cụm tượng đài kỷ niệm Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh (ngày 24-4-1972). Dưới chân tượng đài có chiếc xe tăng T59 mang phiên hiệu 377, dáng hiên ngang như đang lao vào trận tuyến. Điều đặc biệt là chiếc xe và ê kíp 4 chiến sĩ Giải phóng quân đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 9-1-2009.

 

Chiếc xe tăng 377 này có câu chuyện liên quan đến nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Nhiều người nhầm tưởng nhà thơ đã lấy cảm hứng từ chiếc xe tăng này để viết bài thơ nổi tiếng nói trên. Thực ra, bài thơ được Hữu Thỉnh lấy cảm hứng từ đội hình 88 xe tăng T54 lần đầu tiên xông trận trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971 mà tác giả là chiến sĩ có mặt trong đội hình ấy. Sau khi được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc, bài thơ trở nên nổi tiếng đến giờ.

 Xe tăng 377 được trưng bày tại cụm tượng đài kỷ niệm Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh (huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum). Ảnh: T.V.S
Xe tăng 377 được trưng bày tại cụm tượng đài kỷ niệm Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh (huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum). Ảnh: T.V.S



Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: Mãi đến năm 1974, theo bước đường hành quân của đơn vị, ông mới đến chiến trường Đak Tô-Tân Cảnh, nơi xe 377 bị bắn cháy trước đấy 2 năm (vào ngày 24-4-1972). Nhìn vào lòng xe thấy còn nguyên nhúm tro thiêu xác các chiến sĩ của ê kíp xe, ông bèn gom gói lại đem chôn nơi nghĩa trang Đak Tô 2. Trong lúc gom tro, phát hiện một gói cơm nắm các chiến sĩ chưa kịp ăn bị cháy đen vón cục, nhà thơ cẩn trọng bỏ vào ba lô mang theo bên mình. Khi chiến tranh kết thúc, về Hà Nội, ông giao cho Bảo tàng truyền thống Binh chủng Tăng-Thiết giáp. Ngày nay, nắm cơm này vẫn được trưng bày ở đó. Từ “duyên nợ” ấy, mỗi dịp đến Kon Tum, nhà thơ Hữu Thỉnh luôn đến thăm xe, khiến nhiều người nhầm tưởng như đã nói.

Lịch sử oai hùng và cả bi hùng của chiếc xe tăng 377 sơ lược như sau: Ngày 15-11-1971, Tiểu đoàn 297 Tăng-Thiết giáp đang trú quân ở bờ Bắc sông Bến Hải. Sau trận tham chiến Đường 9-Nam Lào, Tiểu đoàn được lệnh tiến vào chiến trường Tây Nguyên. Sau hơn 2 tháng hành quân, đầu năm 1972 thì tới ngã ba Đông Dương. Đây là tiểu đoàn tăng duy nhất và đầu tiên có mặt tại chiến trường Tây Nguyên khi ấy. Ngày 2-4-1972, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên mở màn. Đêm 23-4-1972, từ ngầm sông Pô Kô Hạ, Đại đội 7 gồm 9 xe tăng cùng Trung đoàn 66 bộ binh xuất kích. 1 giờ sáng hôm ấy (tức ngày 24-4), xe 377 dẫn đầu tấn công cứ điểm E42 (Tân Cảnh) mở màn trận đánh. Xe 377 tiến thẳng vào sở chỉ huy bắn chết tại chỗ viên đại tá cố vấn Mỹ và Đại tá Lê Đức Đạt-Trung đoàn trưởng, bắt sống Đại tá Vi Văn Bình.

Thiếu úy-Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển ngồi trên xe 377 dẫn đầu đội hình tiếp tục tấn công về phía Sân bay dã chiến Phượng Hoàng. Địch cho xuất kích 10 chiếc tăng M41 chia 2 mũi bao vây. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, cho đến lúc xe 377 áp sát hàng rào sân bay thì bị pháo chống tăng bắn cháy sau khi một mình tiêu diệt 7 chiếc M41. Cả ê kíp 4 chiến sĩ bị cháy theo xe. Đúng 11 giờ 30 phút trưa hôm ấy, cờ chiến thắng bay trên cứ điểm 42.

Sách “Lữ đoàn xe tăng 273” do Cục Chính trị Quân đoàn 3 ấn hành có viết (lược trích): “Tập thể xe của đồng chí Nguyễn Nhân Triển đã nêu một kỷ lục về hiệu suất chiến đấu cao (…). Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu” (Sau này Tiểu đoàn 297 phát triển thành Lữ đoàn 273 trong đội hình Binh đoàn Tây Nguyên, tức Quân đoàn 3).

Xe tăng 377 bị “bỏ quên” tại chỗ, bởi cuộc chiến còn tiếp diễn đến 3 năm sau nữa và kết thúc vào ngày 30-4-1975. Sau khi chiến tranh kết thúc, mọi người tập trung vào công cuộc ổn định xã hội, xe 377 lại tiếp tục bị… bỏ quên! Sau 5 năm “dãi dầm mưa nắng” như thế, đến năm 1977, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Tô được lệnh kéo xe về để nơi bãi đất trống giữa thị trấn. Đến năm 1995, xe 377 mới được sơn phết lại, đưa ra đặt ở cụm tượng đài chiến thắng như bây giờ. Và bây giờ, tên của 4 anh hùng liệt sĩ được khắc trên bia đặt nơi bệ xe 377 gồm: Nguyễn Nhân Triển-Trung đội trưởng, Hoàng Văn Ái-pháo thủ, Trần Quang Vịnh-lái xe và Nguyễn Đắc Lượng-pháo thủ.

Đến nay, xe tăng 377 vẫn đứng đó, uy nghiêm dưới chân tượng đài chiến thắng, như trầm tư hồi nhớ thuở kiêu hùng, khiến khách du lịch nào ngang qua cũng phải dừng lại chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm.

TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm