(GLO)- Chiều 14-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro. Các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro.
Toàn cảnh buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro. Ảnh: L.H |
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Cao Nguyên-Bí thư Huyện ủy Kông Chro đã báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội của huyện từ đầu năm đến nay. Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, toàn huyện đã gieo trồng được 36.900 ha cây trồng các loại, đạt 93% kế hoạch; bà con nông dân đã thu hoạch được 7.230,7 ha cây trồng các loại. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài đã làm thiệt hại 2.724,4 ha cây trồng các loại, thiệt hại ước tính trên 30 tỷ đồng. Huyện đã hỗ trợ 2,7 tỷ đồng để giúp người dân bị thiệt hại do hạn hán khôi phục sản xuất. Về chăn nuôi, trên địa bàn hiện có 52.065 con gia súc. Nhìn chung đàn gia súc phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Về đầu tư xây dựng cơ bản, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 là 119,11 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 98 công trình. Tổng khối lượng thi công công trình đạt 72% kế hoạch, giải ngân đạt 67% kế hoạch vốn. Giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt 256,36 tỷ đồng, giá trị vận tải đạt 53,98 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 339,13 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 15,31 tỷ đồng, chi ngân sách 218,8 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến tháng 9 đạt 444,379 tỷ đồng, đã giải ngân được 85,86 tỷ đồng, đạt 84,7%.
Trên lĩnh vực xã hội cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm học 2016-2017, toàn huyện có 12.265 học sinh với 543 lớp. Công tác khám-chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm, từ đầu năm đến nay đã khám-chữa bệnh cho 20.621 lượt người. Kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 5.624 hộ nghèo, chiếm 53,83% (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 94,45%) và 671 hộ cận nghèo… Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng địa phương đã phát hiện và xử lý 6 vụ khai thác khoáng sản trái phép, 65 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Kông Chro cũng kiến nghị, đề xuất tỉnh hỗ trợ địa phương giải quyết các vấn đề gồm: nâng cấp và xây dựng 3 cây cầu: An Trung, Yang Trung và Đak Pơ Kơ; di dời 43 hộ dân tộc Dao di cư tự do tại xã Chư Krey; di dời 60 hộ dân thuộc vùng ảnh hưởng sạt lở đá tại làng Brang (xã Đak Pling); việc chi trả kinh phí dịch vụ môi trường rừng cần thiết phải thông qua UBND huyện để quản lý, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng; bố trí kinh phí đầu tư vào khu di tích nền nhà, hồ nước, kho tiền ông Nhạc cũng như một số hạng mục khu di tích Tây Sơn Thượng đạo; vấn đề quản lý và bảo vệ rừng; điều chỉnh Quyết định số 53/2008/QĐ-UBND ngày 4-2-2008 của UBND tỉnh về giải quyết cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho một số hộ có đất sản xuất ổn định trước 2008…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang ghi nhận và đánh giá cao các kết quả, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Kông Chro đạt được từ đầu năm đến nay. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Kông Chro phải chú trọng hơn nữa công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và đảng viên, coi đây là vấn đề hạt nhân, cốt lõi. Là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, chính quyền huyện phải nghiên cứu, tìm tòi các loại cây trồng có khả năng đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao để cải thiện đời sống người dân. Về tương lai, địa phương phải quy hoạch cụm công nghiệp để chờ cơ hội đầu tư bởi xu hướng tương lai phát triển công nghiệp sẽ là tất yếu. Về quản lý bảo vệ rừng phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những nơi đất rừng bị canh tác xâm lấn phải trồng lại rừng để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, hướng tới ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác xóa đói giảm nghèo phải được triển khai quyết liệt, đặc biệt là xóa nghèo trong đối tượng hộ nghèo người dân tộc thiểu số. Công tác cho vay vốn hộ nghèo phải được thực hiện triệt để, nếu hộ nghèo không biết sử dụng vốn thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ họ sử dụng vốn hiệu quả, làm cơ sở, động lực để thoát nghèo. Ngoài ra, địa phương phải tạo mối liên kết với các doanh nghiệp trong việc thu hút đầu tư, sản xuất nông nghiệp gắn liền với tiêu thụ sản phẩm…
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng đưa ra một chỉ tiêu huyện phấn đấu thực hiện được trong thời gian đến: Mỗi năm phải giảm 7% tỷ lệ hộ nghèo trở lên và phải có ít nhất 1 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2018, 497 hộ gia đình chính sách còn thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn huyện phải thoát nghèo; trong năm 2017, tất cả các hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở phải được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, tất cả hộ nghèo phải được tiếp cận vay vốn và địa phương có trách nhiệm hỗ trợ người dân sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo, đến năm 2017, huyện phải phối hợp với Nhà máy Đường An Khê phát triển được ít nhất 200 ha cánh đồng mẫu lớn trong đối tượng người dân tộc thiểu số, không để cho cánh đồng mẫu lớn chỉ là “cánh đồng của người giàu”. Ngoài ra, phải phát triển được 20 ha cây chanh dây trong đối tượng người dân tộc thiểu số. Tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn phải được kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm…
Lê Hòa