Khí hậu, thổ nhưỡng của Gia Lai cũng như các tỉnh Tây nguyên từ lâu được đánh giá là rất phù hợp với nhiều loại cây trồng.
Trong khi hàng trăm ngàn nông dân Gia Lai cũng như Tây nguyên đang chịu hậu quả nặng nề bởi các loại nông sản như hồ tiêu, cà phê rớt giá mạnh hoặc chết hàng loạt, thì nhiều loại cây trái mới như chanh dây, chuối... đang hình thành nên những vùng chuyên canh có giá trị.
|
Nông dân thu hoạch chanh dây ẢNH: TRẦN HIẾU |
Đất vàng cho nông nghiệp
Khí hậu, thổ nhưỡng của Gia Lai cũng như các tỉnh Tây nguyên từ lâu được đánh giá là rất phù hợp với nhiều loại cây trồng. Song những năm gần đây, nông nghiệp Tây nguyên cũng gặp đại nạn. Hồ tiêu chết, nhiễm bệnh hàng loạt, rớt giá thảm hại. Giá cà phê đi xuống. Hạn hán... khiến nhiều nông dân khu vực này lâm cảnh khốn khó, nợ nần.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước VN đã tổ chức hội nghị tại Gia Lai nhằm cùng với tỉnh bàn cách tháo gỡ khó khăn cho nông dân vay vốn trồng hồ tiêu. Theo báo cáo, dư nợ ngành tiêu tại khu vực Tây nguyên lên đến hơn 12.100 tỉ đồng, trong đó thiệt hại chủ yếu ở hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông. Riêng Gia Lai, dư nợ cho vay của 14 chi nhánh tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn đối với hồ tiêu đạt hơn 3.724 tỉ đồng qua 18.888 khách hàng; dư nợ thiệt hại 2.653 tỉ đồng, nợ xấu 451 tỉ đồng. Diện tích hồ tiêu bị chết gần 6.500 ha. |
Trước tình hình trên, ngành chức năng đã tích cực đồng hành cùng người dân tìm thêm những hướng đi mới như kêu gọi đầu tư các dự án liên quan đến nông nghiệp, cùng nông dân hướng đến những loại cây trồng khác để giải bài toán bí bách trong nông nghiệp.
Tại Gia Lai, vài năm qua đã hình thành một vùng chuyên canh chanh dây với sản lượng, thu nhập khá ổn định cho nông dân. Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: “Chúng tôi đang có tổ hợp nhà máy chế biến rau củ quả tại H.Mang Yang (Gia Lai) với công suất khi hoàn thành là 30.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng. Từ tháng 11.2018 đến nay, chúng tôi đã mua hơn 8.000 tấn chanh dây để chế biến, xuất đi thị trường châu Âu. Chúng tôi có hướng đầu tư để phát triển diện tích các loại rau củ quả lên 3.000 ha và hướng đến 10.000 ha nguyên liệu mới đủ công suất cho nhà máy”.
Với khoảng 700 - 900 ha chanh dây, nhiều nông dân Gia Lai đã có thu nhập ổn định. Theo tính toán, mỗi héc ta chanh dây đầu tư khoảng 70 - 100 triệu đồng/năm, sau 5 tháng trồng là bắt đầu có thu và thu liên tục trong khoảng 2 năm. Hiện năng suất bình quân khoảng 50 tấn/ha. Với mức giá sàn cam kết của Công ty Đồng Giao là 6.000 đồng/kg, nông dân đã thu lợi và ổn định từ loại cây này. Ông Đinh Văn Hòa, một nông dân ở H.Mang Yang, nói: “Gia đình tôi đầu tư 2 ha chanh dây để bán cho công ty. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khá tốt so với nhiều loại cây khác như cà phê, hồ tiêu, trong khi công chăm sóc, kỹ thuật cũng không quá khó khăn”.
Nhiều nông dân khác ở Gia Lai thời gian gần đây cũng chuyển hướng mạnh sang các loại cây ăn quả như mãng cầu, quýt, cam..., bước đầu đã cung cấp cho thị trường tại chỗ cũng như các tỉnh miền Bắc, miền Trung.
Thêm cơ hội cho nông dân
Việc nhà máy của Công ty Đồng Giao đầu tư ở Gia Lai là thêm cơ hội để tỉnh này phát triển một vùng nguyên liệu rộng lớn. Hiện có 60 tổ hợp tác tại các huyện như Mang Yang, Đăk Pơ, Đăk Đoa, Chư Pưh và Chư Prông phối hợp với nhà máy triển khai mở rộng một số diện tích cây trái và thu mua nguyên liệu. Ông Đinh Gia Nghĩa nói: “Chúng tôi đang trồng khảo nghiệm dứa, chuối nhằm mở rộng diện tích lớn. Bắp ngọt cũng cần. Rồi còn các loại cây trái khác như bơ, xoài... Chúng tôi cần sự hợp tác của nông dân và cam kết lâu dài với họ. Dĩ nhiên, nông dân cũng cần thủy chung với chúng tôi khi ký hợp đồng, cam kết để làm ăn lâu dài, hiệu quả. Hiện mỗi ngày chúng tôi mua 300 tấn quả và 150 tấn dịch chanh dây (tương đương 250 - 300 tấn quả). Thời gian tới, nhu cầu các loại cây trái, rau củ quả khác cũng rất lớn”.
|
Nhà máy chế biến rau củ quả tại Gia Lai |
Nhiều chuyên gia về nông nghiệp cũng tư vấn Tây nguyên nên đa dạng hóa các loại cây trồng để giảm thiểu rủi ro khi giá thấp, mất mùa... Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường thực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nói: “Người dân cũng đã trồng các loại cây khác như đinh lăng, sachi, chuối... để đa dạng hóa sản phẩm từ vườn nhà. Chứ như hồ tiêu, đang cung vượt cầu thì đợi lúc giá cả ổn định lại sẽ rất khó”.
Về phía chính quyền, trước tình trạng giá nông sản xuống thấp, một số cây trồng vượt quy hoạch, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ nông dân, qua đó phát huy tốt tiềm năng đồng đất, khí hậu giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Trần Hiếu/Thanhnien