Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, cả nước có hơn 7.400 hướng dẫn viên (HDV) nội địa; trên 9.900 HDV quốc tế. Số lượng này chỉ đáp ứng được lần lượt 15% và 40% nhu cầu thực tế. Mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 sinh viên du lịch ra trường (60% là hệ đại học); nhưng chỉ 5% của hệ đại học, 30% hệ cao đẳng, trung cấp ra trường làm việc gắn với ngành học. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp vào làm cho các doanh nghiệp (DN) đều phải đào tạo lại.
Du khách mua sắm tại chợ Bến Thành |
Tạp nham…
Ông Trần Ngọc Lương-Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh, cho biết kỳ vọng của DN là tuyển nhân sự vào làm việc được ngay. Nhưng thông thường các DN kinh doanh du lịch, trong đó có các khách sạn, phải mất từ 6 đến 12 tháng để đào tạo lại các học viên, sinh viên mới ra trường. Sau đó họ mới thực sự có năng lực đáp ứng được nhu cầu công việc.
Tiến sĩ Phạm Hồng Long, công tác tại Khoa Du lịch học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng điều quan trọng mà ngành du lịch Việt Nam phải thừa nhận là số lượng nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch nói chung và HDV du lịch nói riêng tuy đông đảo nhưng chất lượng còn kém, đặc biệt về trình độ ngoại ngữ. Đây là một bài toán khó đối với du lịch Việt Nam trong thời hội nhập.
Tiến sĩ Phạm Hồng Long nêu rõ, một bộ phận HDV du lịch Việt Nam còn yếu kém, một phần trách nhiệm thuộc về công tác giáo dục đào tạo; cũng như các tiêu chuẩn cấp thẻ hành nghề nới rộng, tạo cơ hội cho những lao động không qua đào tạo chính quy về du lịch làm việc. Chỉ cần trải qua một khóa đào tạo ngắn hạn theo những quy định hiện hành, đạt yêu cầu là bất kể người lao động có học chuyên ngành HDV du lịch trước đó hay không đều có thể được cấp bằng HDV du lịch. Để có thẻ nghiệp vụ hướng dẫn, trở thành HDV du lịch càng là việc khá dễ dàng nếu các sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, dù với bất cứ ngành nghề nào. Tình trạng này dẫn đến số lượng HDV du lịch này tăng liên tục qua các năm, thậm chí hiện nay đang có xu hướng bão hòa, đại trà về số lượng, nhưng thiếu và yếu về chất lượng.
Thời gian qua nhiều du khách phản ánh không ít những chuyến du lịch “hành xác” mà nhân vật chịu trách nhiệm chính là HDV. Một du khách xin được phép giấu tên kể: “Ông bà mình dạy: Chửi cha không bằng pha tiếng. Vậy mà đợt đi thăm Tây Bắc vừa qua, chị đã phải kềm nén hết mức để khỏi cự cãi với HDV du lịch khi anh ta nhại tiếng quê chị để pha trò cho mọi người. Đã vậy, anh ta còn nói nhiều tiếng thô tục dù trong đoàn có khá nhiều em nhỏ”.
Một du khách khác thì chia sẻ, cách đây chưa lâu, anh và gia đình đi du lịch Thái Lan 5 ngày với một đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành khá tên tuổi của Việt Nam. Hầu hết khách trong đoàn là các nhóm gia đình với ông bà, cha mẹ và các cháu nhỏ. Thành phần như thế, chắc chắn họ sẽ không mặn mà với các chương trình biểu diễn mang tính chất sex của người chuyển giới ở Thái Lan. Người HDV của đoàn sau khi chào mời chương trình song không được mấy người hưởng ứng đã tỏ ra rất khó chịu. Hành khách trong đoàn đã phải chịu đựng không khí này cho đến hết chuyến đi.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chất lượng HDV thấp. Vào mùa cao điểm còn xuất hiện rất nhiều HDV “chui”. Công ty du lịch chỉ gọi cho đủ số lượng HDV chứ không quan tâm về chất lượng và khả năng của họ, dẫn đến nhiều HDV khi tới điểm đến còn lơ ngơ không kém gì du khách. Khi gặp các tình huống trắc trở thì du khách lại phải tự tìm cách giải quyết thay vì nhờ HDV.
Nâng cao chất lượng
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch nói chung, HDV du lịch nói riêng, Tiến sĩ Trần Văn Long, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, đưa ra giải pháp: Tăng cường mối liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN. Bởi ngày nay xu thế này mang lại lợi ích cho cả ba bên, gồm nhà trường, DN và người học. Về phía nhà trường, được trang bị các thiết bị hiện đại, đắt tiền mà nhà trường không thể có; sử dụng được những chuyên gia, công nhân viên lành nghề trong DN; kịp thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung và cải tiến được các chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu DN. Về phía người học, có điều kiện để tiếp cận được với môi trường thực tiễn, với nhịp độ khẩn trương của DN, hình thành được tác phong lao động công nghiệp cũng như đạo đức nghề nghiệp…
Tiến sĩ Phạm Hồng Long bổ sung, một vấn đề đặc biệt đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực là thực hiện nghiêm minh công tác thanh tra rà soát, điều chỉnh hoạt động của người lao động du lịch, đặc biệt là đội ngũ HDV du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch. Nhà nước quản lý công tác giáo dục đào tạo nhân lực du lịch một cách chặt chẽ nhằm đào tạo ra một lực lượng lao động, đội ngũ hướng dẫn viên đủ khả năng làm việc và cái đích cuối cùng hướng tới là sự hài lòng của du khách.
Trăn trở trước những bất cập về HDV du lịch hiện nay, ông Nguyễn Văn Mỹ-Trưởng ban Hướng dẫn viên Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, kiến nghị: “HDV là một trong những ngành nghề khó. Để làm tốt chức năng của mình, HDV phải có sức khỏe dẻo dai, có kiến thức và nghiệp vụ, hoạt ngôn, có khả năng tác chiến độc lập… Không chỉ làm dâu trăm họ mà hướng dẫn viên còn phải là người cầu tiến, thích đọc, ham học hỏi. Trên thực tế, số HDV giỏi, tâm huyết, hết lòng với du khách vẫn có, nhưng số HDV chưa giỏi, HDV tiêu cực lại khá đông. Do vậy, muốn du lịch Việt tăng tốc, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển thì phải đột phá từ hướng dẫn viên, làm động lực thúc đẩy phát triển toàn ngành. Có thể gặp phải những phản hồi tiêu cực, thậm chí chống đối vì đụng chạm tới lợi ích của cá nhân, tập thể nhưng không còn cánh nào khác. Mọi biện pháp giải quyết những bất cập về HDV phải vì lợi ích của ngành, của đất nước…”.
Theo sggp