Hương Cỏ May mùa xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Là người yêu hương cà phê đúng vị, với bí quyết và công thức rang xay được gia đình truyền lại, anh Lê Hồng Vinh (48 tuổi) - chủ Cơ sở rang xay cà phê Cỏ May (TP Đà Lạt) luôn mong muốn những người yêu thích cà phê có thể thưởng thức được hương vị cà phê nguyên bản. Hương và vị cà phê Cỏ May là “sự kết hợp của sự sạch, tươi, vị chua, vị đắng và dư vị ngọt thanh ở cuống họng” như một người dùng lâu nhận xét.

Cách thức rang xay riêng tạo nên hương và vị riêng biệt của cà phê Cỏ May
Cách thức rang xay riêng tạo nên hương và vị riêng biệt của cà phê Cỏ May


Dù đã một thời gian dài kinh doanh du lịch, anh Vinh bén duyên với cà phê rang xay như một sự tình cờ khi bố mẹ vợ muốn tìm người để gìn giữ tâm huyết của gia đình - hương vị của cà phê Cỏ May. Là người thưởng thức cà phê lâu năm, anh nhận thấy tiềm năng kinh doanh từ hương vị độc đáo này. Sau nhiều đêm trăn trở, đầu năm 2016, anh quyết định bỏ lại sau lưng bao kinh nghiệm và kế hoạch của nghề du lịch mà anh đã dày công xây dựng bấy lâu, chuyển từ Đức Trọng lên TP Đà Lạt với quyết tâm đưa hương Cỏ May bay xa.
 
Bắt tay vào kinh doanh, bước đầu, anh tìm mọi cách kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. Để có những nguyên liệu tốt nhất, anh Vinh sẵn sàng trả giá cao, 85 - 90 ngàn đồng cho mỗi ký cà phê, gần gấp đôi so với giá thị trường. Với mỗi loại hạt cà phê, anh chỉ chọn lấy những hạt chín mọng, không sâu bệnh, kích cỡ 20, và chỉ tách lấy nhân tốt nhất trong mỗi hạt. Để tối ưu hương vị, các loại cà phê khác nhau - Robusta, Arabica và Moka - được trộn lẫn với nhau theo một tỉ lệ riêng mà cơ sở anh đã dày công nghiên cứu. Hỗn hợp này sẽ được ủ lên men trong 10 ngày rồi mới rang xay ra thành phẩm. Toàn bộ quá trình chọn lựa, chế biến và rang xay đều được cơ sở kiểm soát một cách cẩn thận, đảm bảo vệ sinh, chất lượng và sự đồng nhất của hương vị.
 
Sau khi đã ưng ý với chất lượng và hương vị cà phê của mình, anh bắt tay vào tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, mời chào khách dùng thử miễn phí. Qua đó, lắng nghe đánh giá, ý kiến phản hồi để từng bước điều chỉnh hương vị, cải thiện chất lượng phù hợp với khẩu vị của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đó cũng là những ngày dài anh tâm huyết rang xay tạo nên hương Cỏ May, bỏ công lân la đến từng quán cà phê lớn, nhỏ để giới thiệu sản phẩm cà phê của mình.
 
“Hương vị cà phê này cuốn hút từ lần uống đầu tiên. Cà phê Cỏ May có hương thơm thoang thoảng, vị đắng nhẹ xen lẫn chua thanh, cuối cùng là vị ngọt nhẹ thanh khiết đọng lại nơi cổ họng” - anh Phạm Xuân Nam, một người dùng thường xuyên nhận xét. Anh Vinh nói thêm “có lẽ, cũng vì lý do này mà một nhà hàng, cà phê có tiếng như Thủy Tạ vẫn đều đặn nhập bán cà phê Cỏ May từ những ngày đầu cho đến nay”. Còn với riêng anh, thì “hương vị này đã cuốn hút mình rẽ ngang con đường sự nghiệp ngày nào” để tạo dựng thương hiệu cà phê Cỏ May hôm nay.
 
Sau gần 5 năm kiên trì, hương cà phê Cỏ May đã dần bay xa đến nhiều tỉnh, thành. Nhiều vị khách vì ấn tượng với hương vị đặc biệt này mà đã tìm đến cơ sở của anh tại đường Phạm Hồng Thái (Đà Lạt) để ngỏ ý trở thành nhà phân phối cấp một.
 
“Nay, cà phê Cỏ May, mỗi năm đều đặn có khoảng hơn 15 tấn thành phẩm được xuất bán ở nhiều nơi như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh, thành Nam Bộ” - anh Vinh cho hay.
 
Mặc dù đã dần khẳng định được chất lượng và thương hiệu nhưng anh vẫn quyết giữ nguyên giá bán - chỉ 150 ngàn đồng cho một ký cà phê. Như vậy, với mỗi ký cà phê bán ra anh chỉ lãi vài chục ngàn đồng sau khi khấu trừ mọi chi phí liên quan. Anh chia sẻ: “Tôi quyết định như vậy là vì muốn gây dựng được chỗ đứng vững chắc của cà phê Cỏ May, quan trọng là chất lượng và hương vị, và hơn cả là để ai cũng đều có cơ hội thưởng thức được hương vị cà phê đặc biệt này”.
 
Giáo sư chiến lược cạnh tranh nổi tiếng ở trường Kinh doanh Harvard, Michael Porter, trong cuốn “Lợi thế cạnh tranh” cũng đã nói: Để tạo dựng lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp chỉ có thể hoặc là tối ưu hóa chi phí để bán với giá thấp hơn so với thị trường hoặc là tạo ra một sản phẩm độc đáo khác biệt, từ đó thu lợi từ việc định giá cao hơn thị trường. Ở đây, có lẽ anh Vinh lựa chọn con đường thứ hai - tạo ra một sản phẩm độc đáo để thu hút khách hàng dù cà phê Cỏ May có giá bán không quá cao. Đây cũng là cách mà nhiều doanh nhân lựa chọn bởi những sản phẩm độc đáo luôn bán được với giá cao hơn, tạo dựng được phân khúc khách hàng riêng, ổn định và lâu dài.
 
Cà phê Cỏ May với hương vị độc đáo, cách thức tiếp thị khéo léo, phân phối khác biệt rồi đây sẽ tạo dựng được niềm tin và thương hiệu riêng, giúp níu kéo khách hàng ở lại như chính hương cà phê Cỏ May đã từng cuốn hút anh. Tuy nhiên, để hương cà phê có thể bay xa hơn nữa, anh Vinh dự định sẽ mở rộng mạng lưới phân phối, đẩy mạnh hợp tác với nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cà phê khác để mở rộng thị trường.
 
“Giống như loài Cỏ May, dù chỉ là một loại cỏ dại, nhưng sức sống dẻo dai phi thường, mỗi lần bước qua, bông Cỏ May lại lưu luyến mà dệt vào tà áo, cà phê Cỏ May cũng vậy, dù chỉ lần đầu thưởng thức nhưng hương vị thanh mát mùa xuân của nó sẽ mãi vương vấn khó rời” - anh chia sẻ.


 
http://baolamdong.vn/kinhte/202201/huong-co-may-mua-xuan-3096943/

Theo NHẬT QUỲNH (baolamdong)

Có thể bạn quan tâm

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Tối 24/9, UBND tỉnh tổ chức Lễ bế mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024 (Techfest Đắk Lắk 2024) với chủ đề “Khát vọng xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.
Cô gái thu tiền triệu nhờ làm bánh kem độc đáo

Cô gái thu tiền triệu nhờ làm bánh kem độc đáo

“Nhiều người hỏi nay làm gì, mình nói ở nhà bán bánh kem online. Ngay lập tức, nhiều người quen và bạn bè ngạc nhiên: “Học cho đã rồi đi bán bánh”. Họ đâu biết rằng nghề bánh cho mình thu nhập gấp 10 lần thời còn làm ở góc văn phòng”, chị Hoài Thương nói.