Hủ tục "thuốc thư": Hệ lụy khôn lường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện Chư Sê, Gia Lai đã tích cực tuyên truyền, vận động xóa bỏ nhưng do nhận thức của người dân còn hạn chế nên hủ tục “thuốc thư” vẫn âm ỉ tồn tại ở một số làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Mâu thuẫn nhỏ, hệ lụy lớn
Khi mặt trời đã khuất sau đỉnh núi, ông Đinh Breo (làng Puih Jri, xã Bờ Ngoong) mới lững thững lùa đàn bò về nhà với dáng vẻ mệt mỏi. Cầm chai nước uống một hơi dài cho đã khát, ông Breo thở dài kể: Hơn tháng nay, ông phải dắt díu vợ con sang tá túc ở nhà người em tại làng Dnâu (cách nhà khoảng 2 km) để lánh nạn. Ở tuổi 63, sống gần hết đời người mà giờ ông phải rời làng, bỏ nhà ra đi trong buồn tủi, mục đích là để bảo toàn tính mạng cho vợ con. Lý do là bởi dân làng nghi ngờ ông có “thuốc thư” hại người nên xa lánh, thậm chí còn chửi bới, dọa đánh những người trong gia đình ông.
Theo ông Đỗ Văn Mạch-Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong: Mâu thuẫn bắt nguồn từ việc ông Breo tự ý cắm cọc phân chia ranh giới ruộng lúa mà không có sự thống nhất với gia đình ông Đinh Bê ở cùng làng, cũng không có người làm chứng theo tập tục. Trước đó, ngày 22-3-2019, tổ công tác của xã, làng đã tổ chức hòa giải, đại diện 2 gia đình thống nhất việc phân chia ranh giới, rút và đốt tiêu hủy số cọc đã cắm. Đồng thời, ông Breo cũng nhận sai, đồng ý nộp phạt 5 triệu đồng và 1 con heo để cúng Yàng theo phong tục của làng. Tuy nhiên, đến ngày 3-4, bà Đinh H'Ngloch (vợ ông Bê) bị ốm, người thân của bà này kéo đến nhà ông Breo gây áp lực buộc ông phải giải “thuốc thư” nếu không sẽ đuổi gia đình ra khỏi làng.  
 Lực lượng Công an huyện Chư Sê tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu rõ về hủ tục “thuốc thư”. Ảnh: M.T
Lực lượng Công an huyện Chư Sê tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu rõ về hủ tục “thuốc thư”. Ảnh: M.T
Trước diễn biến phức tạp trên, tổ công tác của xã Bờ Ngoong và Công an huyện đã kịp thời can thiệp bảo vệ tài sản, tính mạng cho gia đình ông Breo và vận động đưa bà Đinh H'Ngloch đến cơ sở y tế để điều trị. Hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh xác định, bà H'Ngloch bị viêm dạ dày. Từ năm 2017 đến nay, bà H'Ngloch thường xuyên bị đau ốm, lâu ngày không thấy thuyên giảm nên đến nhà bà Blem (làng Lâm, xã Glar, huyện Đak Đoa, hành nghề thầy bói) để chữa bệnh. Bà Blem phán rằng, có người ở làng Puih Jri “thư” nên gia đình bà H'Ngloch bị bệnh tật liên miên. Nhớ lại việc tự ý cắm cọc của ông Breo, gia đình ông Bê nghi ông Breo có “thuốc thư” nên đe dọa, xúc phạm, gây áp lực buộc ông Breo công khai xin lỗi và giải “thuốc thư”.
Tương tự, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai kéo dài từ năm 2005 đến nay nên gia đình bà Kpă Hling (làng Kênh Siêu, xã Chư Pơng) cũng không được sống yên ổn. Sau khi chồng chết, kinh tế gia đình càng khó khăn, bà Hling buộc phải bán đám ruộng của gia đình tại xã Ia Kênh (TP. Pleiku). Tuy nhiên, ông Hlơr (em chồng bà Hling, ở cùng làng) cho rằng, đám ruộng này cùng 5 sào đất gia đình bà Hling đang ở là của nhà chồng, bà Hling chỉ là dâu không có quyền định đoạt. Ông Hlơr sau đó tìm cách đuổi gia đình bà Hling về làng Klan (xã Ia Băng, huyện Chư Prông). Từ mâu thuẫn này, mỗi khi dân làng hay người trong dòng họ bị đau hoặc chết do già yếu, ông Hlơr đều nói tại gia đình bà Hling bỏ “thuốc thư” và kéo đến nhà gây áp lực. Cụ thể, ngày 21-1-2019, gia đình ông Hlơr kéo đến đánh bà Hling và các con, đuổi gia đình bà ra khỏi làng.
Trước đó nhiều năm, chỉ vì bị nghi ngờ có “thuốc thư” hại người mà ông Đinh Khot (SN 1962, làng Ring Răng, xã Dun) bị đánh đến chết. Nguồn cơn bắt đầu từ việc ông Đinh Pot (SN 1956, cùng làng) chết do bị mắc bệnh xơ gan cổ trướng. Thế nhưng, người nhà ông này nghi ngờ ông Khot có “thuốc thư” đã hại ông Pot chết. Chỉ vì những lần uống rượu say, ông Khot có lời nói đe dọa sẽ làm cho nhiều người “có thai”, trong đó có ông Pot. Do đó, ngày 31-3-2013, Đinh Tối (SN 1982) và Rơ Mah Den (SN 1992) tìm đến làng Chai (xã Kông Htok) để bắt ông Khot về làng xử tội. Trên đường đi, 2 đối tượng này đã đánh đập ông Khot. Khi về đến đám tang của ông Pot, nhiều đối tượng quá khích khác tiếp tục đánh dẫn đến cái chết đau lòng của ông Khot.
Giải quyết ngay từ cơ sở
Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong cho biết: Ngay sau khi phát hiện mâu thuẫn giữa gia đình ông Bê và ông Breo, tổ công tác của xã cùng lực lượng Công an huyện đã bám sát địa bàn tập trung tuyên truyền, hòa giải. Tổ hòa giải của làng cùng già làng, người có uy tín cũng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng có tư tưởng lạc hậu, mê tín nên cố chấp. “Chúng tôi đã vận động đưa bà H'Ngloch đi chữa bệnh và cũng đã giải thích cho người dân trong làng hiểu nguyên nhân bệnh là do viêm dạ dày chứ không phải do “thuốc thư”. Hiện chúng tôi tiếp tục vận động gia đình đưa ông Bê đi chữa bệnh vì ông này có dấu hiệu của bệnh tâm thần”-ông Mạch thông tin thêm.
Trong khi đó, Trung tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê-cho rằng: Tất cả mọi vấn đề liên quan đến “thuốc thư” đều xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ không giải quyết được dẫn đến ngờ vực lẫn nhau. Do vậy, khi manh nha những mâu thuẫn nhỏ thì các ban, ngành, đoàn thể cơ sở cần giải quyết nhanh, tránh tích tụ lâu ngày dẫn đến ngờ vực, nghi kỵ lẫn nhau khiến vụ việc khó giải quyết. “Để xóa bỏ hủ tục này, điều quan trọng nhất là công tác nắm bắt tình hình tại cơ sở, mâu thuẫn sớm được phát hiện thì việc hóa giải càng nhanh và hiệu quả. Khi đó, những mâu thuẫn chưa sâu sắc, chưa ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Việc tuyên truyền trực tiếp, trực diện, sử dụng khoa học chứng minh, vận động người bị ốm đau, bệnh tật đến cơ sở y tế để khám-chữa bệnh là cách bài trừ hiệu quả hủ tục này”-Trung tá Hải cho hay.
Cũng theo Trung tá Hải, do người dân ngại đến cơ sở y tế nên nhân viên y tế thôn, làng cần tuyên truyền, đẩy mạnh hơn nữa công tác khám-chữa bệnh, từ đó giảm bớt mê tín dị đoan, tin vào lời phán của thầy bói, thầy cúng. Tuy nhiên, việc tuyên truyền hiện nay còn nhiều nội dung nên chưa chuyên sâu, chưa sát thực tế đời sống người dân. Ngoài ra, sự bất đồng ngôn ngữ khiến công tác tuyên truyền bị hạn chế, không đủ kiến thức, lý lẽ, bằng chứng và sức nặng để thuyết phục người dân. “Cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là phát huy vai trò của già làng, người uy tín mới giải quyết được vấn đề, hóa giải những mâu thuẫn nhỏ phát sinh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan về “thuốc thư”-Trung tá Hải nêu giải pháp.  
MINH TRIỀU

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.