Hội quán Thanh niên: Không gian mở cho những người cùng sở thích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội quán Thanh niên ở phường Ngô Mây (thị xã An Khê) được xem như không gian mở để đoàn kết, tập hợp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chung sở thích, cùng ngành nghề kinh doanh trên địa bàn. Dù mới đi vào hoạt động song mô hình này hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả tích cực. 
Nhằm tạo môi trường hoạt động phù hợp với nhu cầu của ĐVTN, tạo điều kiện cho ĐVTN rèn luyện về mọi mặt, cách đây vài tháng, Thị Đoàn An Khê đã chủ trì vận động, hỗ trợ các thành viên nòng cốt trong Câu lạc bộ Thư pháp Tre Việt và thanh niên trên địa bàn phường Ngô Mây thành lập Ban vận động, hướng dẫn các thủ tục thành lập Hội quán Thanh niên Thư pháp, gỗ đá mỹ nghệ. Anh Lê Đức Trí-Bí thư Đoàn phường Ngô Mây, Phó Trưởng ban vận động Hội quán Thanh niên Thư pháp, gỗ đá mỹ nghệ-cho biết: “Với những hạt nhân nòng cốt là thành viên Câu lạc bộ Thư pháp Tre Việt, chúng tôi đã tích cực vận động thêm một số ĐVTN cùng sở thích thư pháp, gỗ đá mỹ nghệ trên địa bàn vào Hội quán. Quá trình vận động cũng không quá khó khăn vì hầu hết các bạn ĐVTN đều muốn tham gia mô hình Hội quán để có không gian thỏa mãn sở thích của mình. Tham gia Hội quán, họ có thể chủ động bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng và được hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công việc, cuộc sống”. 
 Các thành viên của Hội quán Thanh niên có chung sở thích về thư pháp, gỗ đá mỹ nghệ. Ảnh: T.D
Các thành viên của Hội quán Thanh niên có chung sở thích về thư pháp, gỗ đá mỹ nghệ. Ảnh: T.D
Phường Ngô Mây hiện có 104 đoàn viên và hơn 1.500 thanh niên, chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Hội quán Thanh niên Thư pháp, gỗ đá mỹ nghệ tại phường này là mô hình thí điểm của Thị Đoàn An Khê nhằm tạo không gian mở tập hợp những ĐVTN cùng sở thích, cùng ngành nghề kinh doanh. Bởi vậy, việc thành lập Hội quán được ĐVTN địa phương rất ủng hộ. Dù mới thành lập vào đầu tháng 11-2019 song Hội quán hiện đã có gần 30 ĐVTN trên địa bàn phường tham gia. Anh Trần Công Quân-thành viên của Hội quán-chia sẻ: “Tôi có 10 năm hoạt động trong Câu lạc bộ Thư pháp Tre Việt của phường. Ngoài đam mê thư pháp, tôi còn thích làm đồ gỗ mỹ nghệ. Trước đây, tôi chủ yếu tự mày mò, tìm hiểu và làm tại nhà nên đầu ra sản phẩm gặp khó khăn. Nay tham gia Hội quán, được giao lưu cùng các bạn trẻ chung sở thích, tôi tin rằng các sản phẩm mình làm ra sẽ tìm được thị trường tiêu thụ đảm bảo”.
Theo anh Trần Khương Minh-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Tre Việt, thành viên Hội quán Thanh niên Thư pháp, gỗ đá mỹ nghệ, hơn 10 năm qua, Câu lạc bộ Thư pháp Tre Việt đã tạo sân chơi lành mạnh cho các ĐVTN yêu thích nghệ thuật thư pháp, góp phần gìn giữ loại hình nghệ thuật đậm chất văn hóa Việt. Nay tất cả được quy tụ về Hội quán Thanh niên, nơi không chỉ “truyền lửa” đam mê mà còn tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Trước đây, thư pháp, đồ gỗ mỹ nghệ chỉ phục vụ khách hàng vào dịp Tết hay các ngày lễ hội lớn của địa phương. Song hiện nay, các thành viên trong Hội quán đã chủ động sáng tạo nhiều tác phẩm thư pháp đáp ứng thị hiếu khách hàng ở nhiều lĩnh vực như trang trí nhà cửa, hàng quán... để có nguồn thu nhập ổn định.
Đặc biệt, để tạo ấn tượng mạnh mẽ, ngoài viết chữ thư pháp trên các chất liệu quen thuộc như giấy, lụa, tre, trúc, gốm, các thành viên Hội quán còn sáng tạo khắc chữ thư pháp trên đá, gỗ… “Viết chữ thư pháp vốn đã khó, khắc chữ thư pháp trên gỗ, đá càng khó hơn. Việc này đòi hỏi phải vận dụng sự sáng tạo để định hình, chọn chữ sao cho phù hợp nhằm tạo ra tác phẩm vừa ý nghĩa lại vừa bắt mắt. Với cách làm sáng tạo và hướng đi mới này, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng khắc chữ quảng cáo, trang trí khu du lịch, khu nghỉ dưỡng; viết, đắp chữ thư pháp tại các đình, chùa... và đặc biệt là kích thích được sự tìm tòi, học hỏi của các thành viên”-anh Trần Khương Minh cho hay.
Mô hình Hội quán Thanh niên ra đời đã tăng cường khả năng đoàn kết, tập hợp ĐVTN, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn-Hội, phù hợp với xu thế hiện nay. “Thông qua các hoạt động của Hội quán, chúng tôi dễ dàng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống của dân tộc cho ĐVTN. Đây là mô hình vô cùng ý nghĩa, thiết thực và lành mạnh, tạo cơ hội cho các bạn ĐVTN trên địa bàn có điều kiện để cùng giải trí, chia sẻ, giao lưu và tạo mối quan hệ gắn bó, gần gũi hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng lĩnh vực hoạt động của Hội quán nhằm tập hợp đông đảo các bạn trẻ trên địa bàn tham gia”-Bí thư Đoàn phường Ngô Mây Lê Đức Trí cho biết. 
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.