Học sinh Ia Grai sáng chế gậy thông minh cho người khiếm thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn giúp đỡ những người khiếm thị đi lại an toàn hơn, em Lê Quang Huy (Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) đã nghiên cứu, chế tạo thành công gậy thông minh dò đường bằng cảm biến sóng âm. Sản phẩm đạt giải ba Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 11-2023.

Chia sẻ về sự ra đời của chiếc gậy thông minh, em Lê Quang Huy kể: “Trong một lần ra TP. Pleiku, em thấy một số người khiếm thị gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình di chuyển. Qua tìm hiểu thị trường, em được biết hiện nay, nhiều sản phẩm gậy thông minh hỗ trợ người khiếm thị nhưng giá cao và không phải ai cũng có điều kiện để mua. Từ đó, em đã nghiên cứu, chế tạo chiếc gậy này như một món quà dành tặng người khiếm thị.

Chiếc gậy này sử dụng cảm biến sóng âm để đo khoảng cách tới vật cản 20 cm và báo về lại cho người sử dụng thông qua một chiếc còi nhỏ được gắn trên sản phẩm. Em dựa vào kiến thức môn Vật lý, Công nghệ kết hợp tìm hiểu qua internet để chế tạo chiếc gậy thông minh này”.

Sau khi thiết kế sơ đồ nguyên lý của mạch điều khiển và sơ đồ cấu tạo của thiết bị, Huy bắt tay vào chế tạo chiếc gậy cảm biến thông minh gồm các loại vật liệu như: 1,1 m ống nhựa 27 PVC, 4 nối ống nhựa, 1 công tắc, 3 cục pin lithium, 1 mạch sạc, 1 mạch cảm biến lùi xe ô tô, 1 motor rung, 4 bộ kết nối đầu sạc, phản quang, bóng đèn led. Tổng chi phí của sản phẩm là 650.000 đồng. Các mạch điện được Huy lắp đặt trong lòng ống nhựa. Trong quá trình chế tạo sản phẩm, Huy phải làm đi làm lại nhiều lần vì lắp ráp linh kiện chưa phù hợp.

Em Lê Quang Huy cùng cô giáo Ngô Thị Thùy Nhung chế tạo sản phẩm. Ảnh: M.N

Em Lê Quang Huy cùng cô giáo Ngô Thị Thùy Nhung chế tạo sản phẩm. Ảnh: M.N

Sau khoảng 3 tháng từ lúc lên ý tưởng, Huy đã cho ra sản phẩm đầu tay. Cách sử dụng chiếc gậy khá đơn giản. Người sử dụng chỉ cần nhấn 1 lần công tắc ở đầu gậy và khi gậy rung, còi báo thì bắt đầu di chuyển gậy đến vị trí cần đến. Gậy sẽ báo cho người dùng về sự xuất hiện của vật cản thông qua hệ thống cảm biến, chip xử lý phát tín hiệu đến một bộ phận rung được gắn trên tay cầm và còi báo để giúp người khiếm thị nhận biết, tìm cách tránh.

Khi di chuyển vào ban đêm hoặc muốn sang đường, người khiếm thị có thể bật hệ thống đèn led bằng cách nhấn 2 lần công tắc sẽ giúp các phương tiện, mọi người xung quanh chú ý đến họ. Hệ thống phản quang (khi có nguồn sáng) trên chiếc gậy cũng góp phần giúp mọi người nhận diện người khiếm thị khi di chuyển vào ban đêm. Khi người khiếm thị di chuyển quãng đường xa, nếu cảm thấy mệt thì có thể dừng chân nghỉ ngơi, gắn thêm cây quạt 12 V vào hệ thống mạch điện của gậy để quạt mát.

Chiếc gậy có thể điều chỉnh được chiều dài để phù hợp với không gian sử dụng, có thể tháo rời khi di chuyển trong không gian hẹp hoặc trên các phương tiện giao thông. Người khiếm thị có thể dễ dàng lắp ráp thông qua dấu hiệu ở những phần khắc nổi trên gậy. Mặc dù được trang bị còi, đèn và âm thanh cảnh báo nhưng chiếc gậy không tiêu thụ nhiều năng lượng, mỗi lần sạc đầy thì có thể sử dụng liên tục trong 2-3 ngày.

Cô Ngô Thị Thùy Nhung-giáo viên môn Vật lý Trường THPT Phạm Văn Đồng-cho hay: Trên thị trường, 1 chiếc gậy thông minh có giá từ 2 triệu đồng trở lên, trong khi đa số người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn. Từ thực tế đó, 2 cô trò lựa chọn những vật liệu phù hợp để làm ra chiếc gậy với giá thành thấp, tiết kiệm năng lượng, an toàn khi di chuyển, người khiếm thị dễ dàng sử dụng. Trong quá trình nghiên cứu, em Huy rất chịu khó tìm tòi, học hỏi. Nhà trường cũng đánh giá cao tính nhân văn và tính ứng dụng của sản phẩm do em Huy chế tạo.

Gậy thông minh hỗ trợ người khiếm thị của em Lê Quang Huy có thể tháo rời hoặc lắp ráp dễ dàng. Ảnh M.N

Gậy thông minh hỗ trợ người khiếm thị của em Lê Quang Huy có thể tháo rời hoặc lắp ráp dễ dàng. Ảnh M.N

Tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 11-2023, sản phẩm “Gậy thông minh hỗ trợ người khiếm thị” của em Lê Quang Huy đã thuyết phục Hội đồng giám khảo vì tính khả thi cao, giá thành rẻ và có ý nghĩa xã hội khi hướng tới hỗ trợ người khiếm thị. Sản phẩm đã đạt giải ba tại cuộc thi cấp tỉnh và được lựa chọn tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 19-2023.

Sau khi hoàn thành, Huy đã mang tặng sản phẩm cho một số người khiếm thị hành nghề bán chổi. Đồng thời, nhờ người khiếm thị tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền của Hội Người mù tỉnh (28 Nguyễn Du, TP. Pleiku) sử dụng và ghi nhận lại phản hồi từ người dùng.

Nhận xét về chiếc gậy thông minh do em Huy sáng tạo, ông Hoàng Văn Em-Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi sử dụng chiếc gậy thông minh. Chiếc gậy có nhiều tính năng hữu ích, có khả năng rung, còi tín hiệu khi phát hiện được vật cản phía trước, giúp người khiếm thị biết để chuyển hướng đi. Tôi rất vui vì tấm lòng nhân văn của một học sinh sáng chế ra sản phẩm hữu ích dành cho người khiếm thị”.

Nói về những dự định, Huy cho hay: Đối chiếu với các sản phẩm hiện có trên thị trường, sản phẩm gậy thông minh của em có nhiều cải tiến hơn, như việc sử dụng cảm biến lùi ô tô giúp giảm chi phí chế tạo, đồng thời giảm bớt diện tích khi lắp đặt vào ống. Gậy có khả năng chống nước, các thiết bị điện tử trong gậy dễ tìm và có thể sửa chữa trong trường hợp hư hỏng.

“Qua khảo sát tại Hội Người mù tỉnh, khó khăn của người khiếm thị trong di chuyển là khó phát hiện ra các hố ga, cống rãnh, vũng nước sâu… Vậy nên, em đang tiếp tục nghiên cứu để chiếc gậy có thể khắc phục những khó khăn do người khiếm thị đề xuất. Đồng thời, bổ sung thêm một số tính năng mới như: hệ thống định vị GPS kết nối với điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ người thân xác định vị trí của người sử dụng gậy khi gặp sự cố; thống kê số ki lô mét đã di chuyển. Đồng thời, nghiên cứu để cây gậy nhỏ gọn hơn, thẩm mỹ hơn nhằm tăng tính ứng dụng thực tiễn và khả năng đưa sản phẩm rộng rãi ra thị trường”-Huy chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.