(GLO)- Tại hội thi “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Gia Lai”, những chai nhựa, túi ni lông, thùng sơn, tấm bìa carton cũ... được các em học sinh sáng tạo thành những vật dụng có ích. Hội thi do Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức có chủ đề “Dự án xanh-Trái đất sạch”.
Nhiều ý tưởng độc đáo
Cuộc thi được triển khai từ tháng 3-2020 với đối tượng tham gia là thiếu nhi đang sinh hoạt tại các liên đội trên địa bàn tỉnh. Có 21 sản phẩm tái chế của học sinh 8 huyện, thị xã, thành phố lọt vào vòng sơ khảo. Tiếp đó, Ban giám khảo đã chọn 14 sản phẩm vào vòng chung khảo.
Mỗi ngày đến trường, nhóm học sinh lớp 9A5 Trường THCS Nguyễn Khuyến (huyện Chư Sê) thấy ở các cửa hàng phế liệu rất nhiều vật liệu có thể tái chế thành sản phẩm có ích. Ngay khi Liên đội triển khai cuộc thi tái chế cấp trường để chọn sản phẩm dự thi cấp huyện và tỉnh, các em đã bắt tay làm mô hình “Quạt hơi nước”. Bằng những vật liệu đơn giản như tấm alu thừa ở các tiệm quảng cáo; mô tơ và cánh quạt mua lại ở các cửa hàng phế liệu… kết hợp với việc vận dụng các nguyên lý (sự biến đổi điện năng thành cơ năng của mô tơ để làm quay cánh quạt, tạo gió; sự bốc hơi của đá lạnh ở nhiệt độ phòng tạo ra độ ẩm không khí cao; sự truyền nhiệt của hơi đá từ bên trong quạt ra bên ngoài quạt và đến người sử dụng), sản phẩm đã được Ban giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo.
Em Nguyễn Ngọc Việt-đại diện nhóm học sinh lớp 9A5-cho biết: “Quạt hơi nước bán ở thị trường có giá từ 4 triệu đồng trở lên, còn sản phẩm của nhóm do tận dụng từ vật liệu tái chế nên chỉ có giá khoảng 500 ngàn đồng. Mặc dù ít chức năng hơn nhưng chi phí rẻ, lại giúp bảo vệ môi trường”.
Sản phẩm quạt hơi nước của nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Khuyến (huyện Chư Sê). Ảnh: Thủy Bình |
Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh: “Các sản phẩm tham gia hội thi đều có tính sáng tạo, thẩm mỹ cao, một số sản phẩm có thể ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống. Hội thi là trải nghiệm thú vị nhằm nâng cao kỹ năng sống, giúp các em thiếu nhi thỏa mãn đam mê sáng tạo, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa thông qua từng sản phẩm. Từ đó, các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa”. |
Cũng vận dụng kiến thức đã học, nhóm học sinh lớp 9D Trường THCS Đề Thám (thị xã An Khê) đã sáng tạo ra sản phẩm “Máy hút bụi mini”. Các vật liệu tái chế được sử dụng gồm: mô tơ điện, cánh quạt, dây điện, công tắc điện, lưới chắn bụi, vỏ hộp sơn… Sau nhiều lần thử nghiệm, nhóm đã thành công và áp dụng tại trường học, giúp làm sạch bụi trong các khe cửa, gầm bàn ghế. Tuy nhiên, do công suất thấp nên máy chỉ hút được bụi và các loại rác nhỏ.
Em Trần Diệp Phương Mai chia sẻ: “Nếu nắm được quy trình lắp ráp thì chỉ cần 2-3 giờ đồng hồ là có thể hoàn thành một chiếc máy hút bụi mini với giá thành chỉ 500 ngàn đồng. Khi tham gia cuộc thi, chúng em đã nhận được ý kiến đóng góp của Ban giám khảo về những hạn chế để hoàn thiện sản phẩm”.
Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
14 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo đều có điểm chung là sử dụng những vật liệu rẻ tiền, tưởng chừng không ai dùng đến. Tuy nhiên, với sự sáng tạo và khéo léo, các em đã cho ra đời nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao.
Có thể kể đến mô hình góc học tập gồm: lọ hoa, ống đựng bút… làm từ chai nhựa, túi ni lông, tấm xốp của nhóm học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện Phú Thiện); mô hình bản đồ Việt Nam lắp ghép từ những chiếc nắp chai nhựa của em Nguyễn Ngọc Phương Anh (Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Chư Prông); “Thùng rác thân thiện” của nhóm học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku); “Giá để vật dụng cá nhân cho học sinh nội trú” của nhóm học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa hay “Đèn chùm” của nhóm học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (huyện Kbang).
Mô hình “Giá để vật dụng cá nhân cho học sinh nội trú” của nhóm học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa. Ảnh: Thủy Bình |
Đem đến hội thi sản phẩm “Khung ảnh tái chế”, em Nông Thị Vân (Trường THCS Trần Phú, huyện Đak Đoa) rất vui vì nhận được sự khen ngợi của Ban giám khảo về tính thẩm mỹ. Vân cho biết: “Sản phẩm của em làm từ bìa carton. Nhìn thoáng qua, mọi người có thể thực hiện được ngay. Đến với hội thi, em không đặt nặng vấn đề giải thưởng mà xem đây là cơ hội để tham khảo, học tập các mô hình khác để về áp dụng, tái chế rác thải nhựa trong gia đình”.
Nét mới của hội thi là phương thức chấm điểm. Ngoài đánh giá của Ban giám khảo, các sản phẩm được đăng tải trên mạng xã hội và nếu nhận được 1.000 lượt like, chia sẻ thì sẽ được 20 điểm. Với hình thức thi này, hội thi đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, tác động mạnh mẽ đến ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
THỦY BÌNH