"Hoa hạnh phúc" dành cho người khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không chịu đầu hàng số phận, bằng nghị lực vươn lên bền bỉ, nhiều người khuyết tật ở huyện Đak Pơ tự tay gầy dựng cho mình cuộc sống ổn định, ấm no. Và, họ đã tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình.
Vượt lên nghịch cảnh
Đến khu vực chợ Chí Công (thôn Tân Hiệp, xã Tân An) hỏi anh Phạm Hữu Thân, tôi được bà con ở đây tận tình chỉ dẫn cùng câu hỏi: “Tìm nhà Sáu Lý phải không?”. Giải thích với tôi về tên gọi này, anh Thân cười hiền: “Tôi sinh ra vốn lành lặn như bao người khác. Năm 2 tuổi, tôi không may bị sốt bại liệt nên tay chân bị teo lại, nói cười cũng khó khăn. Là con thứ 6 trong gia đình có 7 người con, giọng nói cũng lý nhí sau bạo bệnh nên mọi người gọi tôi là Sáu Lý”.
Vượt qua nỗi đau, hàng ngày, anh Thân vẫn siêng năng tập luyện để đôi tay, đôi chân không bị mất đi cảm giác. 5 năm sau, dù đôi chân bị teo lại nhưng đôi bàn tay của anh dần cử động và cầm nắm được đồ vật. Kể từ đó, anh bắt đầu làm được việc vặt để phụ bố mẹ. Năm 17 tuổi, anh nghĩ tới việc phải kiếm một nghề để nuôi sống bản thân. Với suy nghĩ đó, anh khăn gói tới An Nhơn (tỉnh Bình Định) để xin học nghề sửa chữa điện cơ. Thương anh tuy khiếm khuyết về cơ thể nhưng có ý chí vươn lên trong cuộc sống, một gia đình làm nghề sửa chữa điện cơ tại đây đã nhận anh vào học và sắp xếp cho anh có một căn phòng để tá túc mà không phải đóng tiền.
Sau 2 năm, anh Thân về nhà (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) mở một cửa hàng sửa chữa đồ điện. Cách đây 17 năm, trong một lần đi thăm người anh tại xã Tân An, nhận thấy nhu cầu sửa chữa đồ điện của người dân khá nhiều, anh liền thuê một căn nhà rồi lập nghiệp tại đây. Nhờ làm việc có tâm, khách hàng ngày càng nhiều, mỗi tháng, anh cũng tích lũy được 10-12 triệu đồng. Rồi anh mua được đất, xây nhà và mua thêm một lô đất để xây mới tiệm sửa chữa.
Nhờ chăm chỉ làm việc, mỗi tháng anh Phạm Hữu Thân (thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cũng thu nhập từ 10-12 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thương
Nhờ chăm chỉ làm việc, mỗi tháng anh Phạm Hữu Thân (thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cũng thu nhập từ 10-12 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thương

Bà Nguyễn Thị Mai Hường-Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Đak Pơ: “Toàn huyện hiện có hơn 300 người khuyết tật. Nhằm động viên người khuyết tật nỗ lực vươn lên, từ năm 2018 đến nay, Hội hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà, tặng 4 con bò và hàng trăm suất quà; thường xuyên khen thưởng những tấm gương vượt khó”.

Cũng như anh Thân, không may bị sốt bại liệt lúc mới 3 tuổi, đôi chân của anh Nguyễn Xuân Quang (thôn An Thuận, xã Cư An) không thể đi lại bình thường như bao người khác. Sau nhiều năm tập luyện, anh không còn phải đi bằng nạng nữa nhưng mỗi bước đi vẫn còn khó khăn. Không để mình trở thành gánh nặng cho cha mẹ, năm 24 tuổi, anh xin đi học nghề may tại thị xã An Khê. May mắn hơn là sau khi học xong, anh được nhận may gia công theo tỷ lệ 6:4 nên cũng tự nuôi được bản thân. Năm 2005, anh thuê một căn nhà tại thôn An Thuận để mở tiệm may riêng. Ngoài nhận may đồ vest, áo sơ mi, anh còn nhận may gia công áo quần học sinh nên mỗi tháng cũng tích lũy được hơn 3 triệu đồng. Sau nhiều năm dành dụm, năm 2010, anh mua được chiếc xe độ chế 3 bánh trị giá 22 triệu đồng để tiện cho việc đi lại; đồng thời, gom góp được 50 triệu đồng cùng bố mẹ mua đất, xây nhà và mở tiệm may ngay tại thôn An Thuận. “Tuy đi lại khó khăn nhưng tôi vẫn may mắn hơn nhiều người khác là đôi tay vẫn lành lặn để lao động kiếm tiền. Vì vậy, tôi luôn cố gắng làm việc để không trở thành gánh nặng cho bố mẹ, nhất là lúc họ đang sắp ở tuổi xế chiều”-anh Quang chia sẻ.  

Hạnh phúc mỉm cười
Với bản tính siêng năng, luôn nỗ lực trong công việc, anh Thân được nhiều cô gái để ý và nhờ đó anh tìm được hạnh phúc của riêng mình. Chị Dương Thị Thanh Tình sau nhiều năm cảm mến tính cách hiền lành của chàng trai khuyết tật xứ Nẫu cuối cùng cũng quyết định “kết tóc xe duyên” với anh vào năm 2005. Vợ chồng anh chị sinh được 3 người con trai. Trong quá trình làm nghề, những việc nào khó anh đều được vợ và các con giúp đỡ. Nhờ đó, anh làm việc tốt hơn, khách hàng ngày một đông và thu nhập tăng lên đáng kể. Chị Tình chia sẻ: “Nhờ nguồn thu từ tiệm sửa chữa của anh, gia đình mới có được cơ ngơi như hôm nay và nuôi được các con ăn học. Tôi cũng cảm thấy yên tâm khi chồng mình biết nỗ lực mỗi ngày để xây dựng cuộc sống gia đình tốt hơn”.
Anh Nguyễn Ngọc Quý (thôn 2, xã Hà Tam) cũng là một người vượt lên số phận, hiện đang sống hạnh phúc với người vợ hiền và cô con gái 10 tuổi. Anh Quý kể: Trong 1 lần ngã xe, chân trái của anh bị gãy và nứt xương ở nhiều chỗ phải phẫu thuật nhiều lần. Cha mẹ mất sớm nhưng anh may mắn được chị Phùng Thị Thảo thương mến và quyết tâm về chung một nhà. “Chân trái của tôi không co được nên đi lại cũng vất vả lắm. Ngày nào làm việc nhiều, chân tôi đau nhức như đinh đóng vào xương. May mắn là vợ tôi chăm chỉ làm lụng và luôn hỗ trợ tôi trong công việc. Hiện nay, ngoài khai hoang được 1,5 ha đất, vợ chồng tôi cũng tích góp mua được đất, xây nhà và mua thêm 1 ha đất để trồng bưởi, hồ tiêu, ớt, cà chua, chanh dây. Mỗi năm, gia đình tôi thu hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi 100 triệu đồng”-anh Quý chia sẻ.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.