Hoa đào Nhật Tân bén duyên với vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thị xã Buôn Hồ hiện có 35 hộ trồng cây hoa đào, diện tích 23ha, số lượng ước khoảng 61.620 cây; chủ yếu trồng ở các xã, phường như Thiện An, Đoàn Kết, Thống Nhất, Cư Bao.
Người dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk chăm sóc vườn hoa đào. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Người dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk chăm sóc vườn hoa đào. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Hoa đào từ lâu đã trở thành biểu tượng cho Năm mới ở miền Bắc nước ta. Thế nhưng, nhiều năm nay, ở cao nguyên Đắk Lắk đầy nắng và gió, hoa đào “bén duyên” với người dân thị xã Buôn Hồ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ tô điểm thêm cho nét đẹp ngày Xuân, đáp ứng nhu cầu trang trí của nhân dân mà còn mang lại triển vọng về phát triển du lịch, phát triển ngành hàng mới ở tỉnh Đắk Lắk.

Hiệu quả kinh tế cao

Nói về “duyên” gắn bó với hoa đào Nhật Tân, người dân Buôn Hồ cho biết trước đây, người dân ở thành phố Hà Nội gửi hoa đào vào cho người quen ở thị xã chơi Tết.

Sau Tết, người dân mang hoa đào ra vườn trồng, thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho hoa đẹp. Từ đó, mọi người học hỏi lẫn nhau, mở rộng diện tích trồng hoa đào.

Gia đình bà Đỗ Thị Khánh, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ trồng hoa đào khoảng 16 năm nay. Hiện nay, gia đình bà trồng được khoảng 3.000 cây hoa đào trên diện tích 4.000m2.

Theo bà Khánh, cây hoa đào phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết của thị xã Buôn Hồ và cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây càphê. Gia đình bà Khánh dự định năm 2024 sẽ mở rộng diện tích trồng thêm 5.000m2 hoa đào.

Bà Đỗ Thị Khánh, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, chăm sóc hoa đào. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Bà Đỗ Thị Khánh, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, chăm sóc hoa đào. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Năm 2023, thời tiết thuận lợi, nắng đều, do đó hoa đào ở thị xã Buôn Hồ nở đẹp hơn so với mọi năm, năng suất tốt.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Phương (phường Đoàn Kết) sau khi tham khảo cũng đã trồng gần 1.400 cây hoa đào khoảng 4 năm nay.

Chị Phương đánh giá cây hoa đào mang lại hiệu quả kinh tế cao và thị trường đầu ra khá ổn định.

Thương lái ở các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố phía Nam thường đặt hàng từ sớm, đến ngày 20 tháng Chạp là đào gốc mang về bán cho người dân vui Xuân đón Tết.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gia đình chị bán sỉ giá trung bình từ 280.000-310.000 đồng/cây, giá bán lẻ khoảng 350.000-450.000 đồng/cây và đã bán gần hết vườn.

Về hiệu quả kinh tế của hoa đào, theo đánh giá của người dân và cơ quan quản lý nhà nước, 1ha trồng thuần cây càphê cho năng suất bình quân khoảng 3 tấn/ha, giá bán 70 triệu đồng/tấn thì doanh thu đạt 210 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 105 triệu đồng/ha.

Với 1ha trồng thuần cây hoa đào (khoảng 2.000 cây), giá bán 300.000 đồng/cây thì doanh thu ước đạt 600 triệu đồng, lợi nhuận đạt khoảng 470 triệu đồng/ha.

Cây hoa đào ưa sáng, thường được người dân thị xã Buôn Hồ ươm trồng ở nơi đất cao ráo, thoáng đãng.

Bên cạnh khâu chăm sóc, nông dân còn canh thời điểm để vặt toàn bộ lá đào trên cây, tập trung dinh dưỡng để cây làm nụ. Đồng thời, sau khi tuốt lá xong thì theo dõi thời tiết, thị trường để điều chỉnh cho hoa đào nở nhanh hoặc nở chậm.

Từ hiệu quả kinh tế của hoa đào, các hộ dân đã liên kết với nhau thành lập Hợp tác xã Thương mại dịch vụ hoa đào Đoàn Kết-Buôn Hồ. Hợp tác xã hiện có 18 thành viên, diện tích canh tác 21ha.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết cây hoa đào nhiều năm nay cho đầu ra tốt, giá ổn định và tương đối cao. Do vậy, so sánh với giá cà phê nhiều năm bấp bênh thì cây hoa đào cho lợi nhuận tốt và ổn định hơn.

Những năm gần đây, người dân các địa phương lân cận trong tỉnh đến tham quan, học hỏi, hợp tác xã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hoa đào.

Theo thống kê, thị xã Buôn Hồ hiện có 35 hộ trồng cây hoa đào, diện tích 23ha, số lượng ước khoảng 61.620 cây; chủ yếu trồng ở các xã, phường như Thiện An, Đoàn Kết, Thống Nhất, Cư Bao. Các loại giống hoa đào đa dạng như: đào phai, đào bích, đào tuyết, đào thất thốn...

Nông dân trồng bằng hình thức chuyên canh và xen canh trong vườn cây ăn trái, do cây dễ trồng, dễ chăm sóc, vừa tận dụng được diện tích đất trống, vừa tiết kiệm được lượng nước tưới.

Các mô hình xen canh đã tạo ra sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp của nông hộ, cung cấp hoa đào cho nhân dân trang trí trong dịp Tết và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Xây dựng thương hiệu “Hoa đào Buôn Hồ”

Nghề trồng hoa đào đã tận dụng được lợi thế, tiềm năng của địa phương, đa dạng sinh kế cho người dân.

Chính quyền các xã, phường và Ủy ban Nhân dân thị xã Buôn Hồ đã quan tâm, đồng hành với nhân dân, tạo điều kiện để người dân tham quan, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP.

Đến nay, sản phẩm hoa đào của Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Hoa đào Đoàn Kết-Buôn Hồ đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Ủy ban Nhân dân thị xã Buôn Hồ đã tổ chức đoàn công tác đi thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa đào tại quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội) và ký kết biên bản hợp tác phát triển ngành hàng hoa đào của hai địa phương.

Hai địa phương đã thống nhất hợp tác trong việc cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc; hợp tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh và tiêu thụ sản phẩm; hợp tác nghiên cứu xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP hoa đào và chế biến sâu để tạo sản phẩm mới, sản phẩm đặc trưng khác từ hoa đào.

Diện tích trồng đào Nhật Tân tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Diện tích trồng đào Nhật Tân tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Giám đốc Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ hoa đào Đoàn Kết-Buôn Hồ Nguyễn Văn Thắng cho biết các cấp chính quyền, địa phương quan tâm, tạo điều kiện và đồng hành với nông dân trong phát triển ngành hàng hoa đào.

Đặc biệt, mới đây, thị xã đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa đào, đưa nghệ nhân Hội làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân vào chia sẻ, giúp người dân mở mang thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, cách tạo dáng, thời điểm vặt lá cho đào ra hoa... Qua đó, nông dân trồng đào Buôn Hồ ngày càng tự tin, có kinh nghiệm để chăm sóc cây tốt hơn, ra hoa đẹp hơn.

Cây hoa đào cho hiệu quả kinh tế cao khiến nông dân phấn khởi. Các hộ dân trồng đào cũng đã và đang nghiên cứu thị hướng, hướng đi để tiến tới làm dịch vụ tham quan, chụp hình với vườn hoa đào; phát triển du lịch sinh thái gắn với hoa đào.

Sau khi xây dựng thành công sản phẩm OCOP hoa đào, Ủy ban Nhân dân thị xã Buôn Hồ tiến tới xây dựng thương hiệu “Hoa đào Buôn Hồ.”

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Buôn Hồ Võ Văn Sự cho biết xây dựng sản phẩm OCOP hoa đào là thành công bước đầu của thị xã.

Thị xã xác định muốn phát triển chuỗi ngành hàng mới và bền vững, tạo sinh kế cho người dân tham gia thì phải đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu và có thị trường tiêu thụ tốt.

Thị xã cũng định hướng phát triển cây hoa đào gắn với phát triển du lịch cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Mục tiêu, năm 2025, Ủy ban Nhân dân thị xã tổ chức được Lễ hội Hoa đào.

“Thị xã rất mong muốn, bà con tiếp thu quy trình chăm sóc, kỹ thuật do nghệ nhân Hội làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân chia sẻ và áp dụng tại địa phương phù hợp. Thị xã cũng quy hoạch phát triển bền vững và kêu gọi bà con không vì lợi nhuận mà mở rộng diện tích trồng hoa đào một cách ồ ạt,” ông Võ Văn Sự nhấn mạnh.

Để phát triển ngành hàng hoa đào, năm 2023, Ủy ban Nhân dân thị xã Buôn Hồ đã tổ chức Lễ trồng cây, trồng gần 500 cây hoa đào; qua đó tuyên truyền, phát động các cơ quan, đơn vị, trường học trồng hoa đào tại các hoa viên, công viên, trụ sở để tạo cảnh quan, điểm nhấn.

Sự đồng hành của thị xã và hiệu quả cây hoa đào mang lại đã gợi mở nhiều triển vọng cho phát triển ngành hàng hoa đào, tạo động lực hình thành, phát triển vùng chuyên canh hoa đào lớn tại thị xã Buôn Hồ; góp phần đa dạng nét đẹp ngày Xuân trên cao nguyên Đắk Lắk.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.