(GLO)- Nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp trong trường học đó là những lợi ích thiết thực của mô hình “Vườn rau em chăm” ở Liên đội Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai đã mang lại cho học sinh hơn 10 năm qua.
Các chi đội thay phiên chăm sóc vườn rau. Ảnh: N.T |
Liên đội trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai có 149 đội viên. Trong đó, 100% học sinh là con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, để giúp các em tạo nguồn quỹ, cải thiện bữa ăn hàng ngày, bổ sung kiến thức trồng trọt, nâng cao chất lượng hoạt động Đội, Ban Chỉ huy liên đội phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai mô hình “Vườn rau em chăm” trong một phần khuôn viên trường học cho học sinh.
Với diện tích trường gần 20.000 mét vuông, Ban Chỉ huy Liên đội đã huy động đội viên cải tạo một phần sân trường cằn cỗi thành vườn rau, phân khu vực cho từng chi đội trồng rau theo mùa vụ dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên Tổng phụ trách Đội. Hàng tuần, các chi đội thay phiên nhau phụ trách công việc bón phân, tưới nước, rẫy cỏ, chăm sóc cho vườn rau phát triển xanh tươi. Đến khi thu hoạch, BCH Liên đội bán lại rau cho bộ phận bếp của nhà trường để cải thiện bữa ăn, lấy tiền gây quỹ riêng cho từng chi đội.
“Chăm sóc vườn rau sạch đã trở thành công việc quen thuộc sau giờ học của em và các bạn sau mỗi giờ học. Được trực tiếp làm công việc này, em thấy rất thú vị và bổ ích. Vì qua đó, em có thêm kiến thức trồng trọt và thấu hiểu được một phần vất vả của bố mẹ khi lên nương rẫy”, em Rơ Mah Ý (lớp 9, Trường THCS Dân tộc nội trú Ia Grai) chia sẻ.
Theo cô giáo Trần Thị Kim Loan-Tổng phụ trách Đội, mô hình “Vườn rau em chăm” được triển khai, duy trì hơn 10 năm nay. Khi mới thực hiện, cô và trò gặp không ít khó khăn do đất xấu, thiếu nước tưới. Không nản lòng, cô và trò đã quyết tâm xây dựng mô hình, đồng lòng cùng cải tạo lại đất, trộn phân cho đất màu mỡ. Để phong trào thực hiện hiệu quả, các thầy cô giáo hướng dẫn các em một số kỹ năng cơ bản. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nguồn xã hội hóa, nhiều phụ huynh đã tặng gạch chia luống rau để giúp giữ nước cho rau, góp phần xây dựng mô hình hoàn thiện... Đối với học sinh, sau mỗi buổi học, các chi đội chia nhau chăm sóc vườn dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhờ sự nhiệt tình, siêng năng, trách nhiệm của các em học sinh, vườn rau ngày càng phát triển nhanh, xanh tốt với các loại rau như rau cải, cúc, cải củ, rau muống, cà... Trung bình mỗi năm liên đội thu hoạch rau xanh với số tiền gần 2 triệu đồng/ lớp. Từ nguồn quỹ này, Liên đội trường đã khen thưởng động viên học sinh nghèo vượt khó, giúp các em có điều kiện trang trải cuộc sống, yên tâm học tập.
Ngoài mô hình “Vườn rau em chăm”, học sinh còn được tham gia các câu lạc bộ như Đánh cồng chiêng, võ Vovina... tại trường. Ảnh: N.T |
Ngoài mô hình “Vườn rau em chăm”, Liên đội trường còn phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường mở thêm các câu lạc bộ, mời thầy giáo chuyên môn về giảng dạy như đánh cồng chiêng, võ Vovina... giúp các em rèn luyện sức khỏe, kỹ năng tự vệ, giải trí và gìn giữ văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Nhờ vậy, các em được rèn luyện thể chất, kỹ năng sống và tự tin hơn trong giao tiếp. Với những kết quả thiết thực trên, Liên đội trường đã được Hội đồng Đội tỉnh tặng bằng khen Liên đội mạnh cấp tỉnh.
Cô Nguyễn Thị Bé-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai cho biết: “Mô hình “Vườn rau em chăm” đã tạo điều kiện thuận lợi để các em có cơ hội trải nghiệm thực tế, có ý thức bảo vệ môi trường. Trong quá trình cùng nhau lao động, chăm sóc vườn rau đã tạo cho các em tinh thần đoàn kết, tự lập. Đồng thời, Ban chỉ huy liên đội cũng nắm bắt, hiểu rõ tâm tư tình cảm của các bạn đội viên, góp phần nâng cao chất lượng công tác dạy và học cũng như các hoạt động Đội tại trường”.
Ngọc Thu