Lợi ích từ "Vườn rau thanh niên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với không gian thanh sạch, mát mắt cùng với những luống rau xanh tươi, tràn trề sức sống mô hình “Vườn rau thanh niên” của Đoàn Trường THPT Trường Chinh-huyện Chư Sê đã mang lại nhiều lợi ích, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các em học sinh là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn của trường.

Vườn rau đang được các bạn thanh niên chăm sóc. Ảnh: Thu Hằng
Vườn rau đang được các bạn thanh niên chăm sóc. Ảnh: Thu Hằng

Trường THPT Trường Chinh có trên 1.200 học sinh, trong đó, 265 em người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Các em thường đến từ các xã xa, cách trường 20-25 km, vì thế, để tiết kiệm chi phí, các em phải ở trọ. Với số tiền ít ỏi gần 50 ngàn đồng/tháng các em phải chi trả cho việc ăn uống, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Nhiều khi đói quá, các em phải đi xin rau ăn, đu đủ xanh về để cải thiện bữa ăn. Thấu hiểu được sự khó khăn của các em học sinh, Ban Giám hiệu Trường THPT Trường Chinh đã áp dụng mô hình “Vườn rau thanh niên” để giúp các em giảm bớt khó khăn.

Anh Phạm Văn Nguyên-Bí thư Đoàn trường THPT Trường Chinh cho biết: “Nhà trường luôn quan tâm đến hoàn cảnh của các em học sinh, nhất là những em học sinh dân tộc thiểu số còn khó khăn. “Vườn rau thanh niên” là một trong những hoạt động mà giáo viên trong trường rất chú trọng, ngoài giờ lên lớp, chúng tôi chỉ các em về cách bón phân, chăm sóc cây rau. Mỗi khi thu hoạch, các giáo viên trong nhà trường đều mua để nhằm ủng hộ vào phần quỹ của nhóm, giúp các em trang trải những khó khăn trong cuộc sống”.

Mô hình “Vườn rau thanh niên” được triển khai từ năm học 2013-2014, vườn rau được xây dựng ở khu đất phía sau trường với gần 50 luống rau. Đoàn trường hỗ trợ các em chi phí làm hệ thống ống nước, mua các loại giống rau. Sau 2 năm, mô hình đã thu hút gần 50 đoàn viên tham gia, việc chăm sóc và trồng rau đã tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các em đoàn viên thanh niên sau những giờ học góp phần giúp các em có môi trường sinh hoạt lành mạnh tránh được một số thói hư tật xấu mà học sinh ở trọ thường mắc phải. Bên cạnh đó, ngoài việc bổ sung vào bữa ăn hàng ngày, các em học sinh còn bán những sản phẩm do mình làm ra cho cán bộ, công nhân viên nhà trường và dân cư khu vực quanh trường, số tiền này chi phí một phần cho sinh hoạt và mua giống để tiếp tục  trồng vào đợt sau.

 

 Vườn rau xanh mướt đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Thu Hằng
Vườn rau xanh mướt đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Thu Hằng

Em Kpă H’Vi Na-lớp 12A4, một trong những đoàn viên tiêu biểu của Đoàn trường và là người thường xuyên chăm bón cho những luống rau xanh tươi hào hứng nói: “Điều kiện học xa nhà đối với chúng em rất khó khăn, được sự quan tâm và tạo điều kiện của nhà trường, Đoàn trường đã lập ra mô hình “Vườn rau thanh niên” để chúng em tham gia. Mô hình rất hữu ích và giúp cải thiện cuộc sống khó khăn cho nhiều bạn học sinh có hoàn cảnh xa nhà khó khăn như em. Chúng em hy vọng ngày càng nhận được sự quan tâm của nhà trường và các bạn để giúp mô hình này ngày càng mở rộng và hiệu quả hơn”.

Hiện nay, sau mỗi giờ học, các học sinh tham gia mô hình thay nhau chăm, tưới rau cẩn thận. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ tận tình của giáo viên trong trường đã góp phần cho mô hình “Vườn rau thanh niên” ngày càng phát triển tốt hơn.

Anh Nguyên cho biết thêm, nhà trường sẽ tổ chức cắm trại cùng Huyện đoàn vào dịp 26-3 đến, giúp các em được giao lưu và học hỏi lẫn nhau, tạo môi trường gắn kết của các đoàn viên thanh niên trong các nhà trường. Nhân dịp này, Đoàn trường sẽ chia sẻ, phát triển mô hình “Vườn rau thanh niên” cho các trường bạn cùng làm.

Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm