Hiệu quả từ các giống lúa mới ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những năm gần đây, các địa phương đã vận động người dân đưa một số giống lúa mới vào sản xuất. Sự đổi mới này đã giúp cây lúa thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Huyện Krông Nô là địa phương gieo trồng cây lúa lớn nhất toàn tỉnh Đắk Nông, với tổng diện tích hơn 5.000 ha/năm. Những năm gần đây, được sự vận động của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người dân ở Krông Nô đã đưa một số giống lúa mới vào sản xuất như RVT, Đài thơm 8, VS1, ST24, Nhị ưu 838… thay thế các giống lúa cũ.
 

Đưa các giống mới vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng
Đưa các giống mới vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng


Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện Krông Nô đã gieo cấy đúng lịch thời vụ và chăm sóc đúng kỹ thuật, nên gặt hái được sản lượng cao. Chẳng hạn, vụ hè thu năm nay, hầu hết các diện tích lúa trên toàn huyện Krông Nô không bị sâu bệnh, năng suất lúa vụ hè thu bình quân đạt từ 5,5 - 6,5 tấn/ha. Đối với vụ đông xuân, năng suất lúa ở Krông Nô đạt cao hơn từ 6,5 - 9 tấn/ha.

Việc thay đổi các giống lúa mới đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng gạo. Điều phấn khởi nhất là đầu ra của lúa, gạo cũng thuận lợi hơn, góp phần ổn định, thay đổi cuộc sống của người dân theo chiều hướng tốt đẹp.

Chị Trần Thị Huyền, một người dân ở xã Quảng Phú (Krông Nô) cho biết, những năm gần đây, năng suất cây lúa đã cao hơn do người dân chủ động thay thế các giống lúa cũ bằng những giống lúa mới. Vụ đông xuân năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, nên năng suất lúa trung bình đạt từ 7-9 tấn/ha. Còn vụ hè thu, dù bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thời tiết không thực sự thuận lợi, nhưng năng suất lúa vẫn đạt bình quân từ 6,5-7 tấn/ha.

"Với việc tìm được giống lúa phù hợp, năng suất liên tục tăng cao trong những năm gần đây, đã giúp người dân ổn định lương thực, có điều kiện để phát triển các loại cây trồng khác để làm giàu”, chị Huyền chia sẻ.  

Ở huyện Tuy Đức, những năm qua, nông dân cũng đã đưa vào sản xuất các giống lúa mới có năng suất, chất lượng như: ST24, VT404, Đài thơm, Nhị ưu 838… Việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cao hơn cho người nông dân. Mặc dù, phần lớn người dân canh tác lúa ở huyện Tuy Đức đều là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, không có nhiều kinh nghiệm, nhưng vẫn có năng suất bình quân từ 5,5 đến 8 tấn/ha.

 

 Đưa các giống mới vào sản xuất để thích ứng với biển đổi khí hậu, ngăn ngừa sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng
Đưa các giống mới vào sản xuất để thích ứng với biển đổi khí hậu, ngăn ngừa sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng

Theo ông Lê Văn Toàn, ở xã Quảng Tân (Tuy Đức), so với lúa giống cũ trước đây, các giống lúa mới có ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng và đặc biệt là có sức đề kháng các loại sâu bệnh tốt hơn. Mặt khác, nhờ được các ngành chức năng phân bổ, sử dụng nguồn nước hợp lý, theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết, sâu bệnh… nên nhiều giống lúa mới ở huyện Tuy Đức đã được tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển. "Với một nông dân thuần thục trồng lúa như tôi thì trung bình mỗi ha lúa thu được tầm 6,5-7,5 tấn", ông Toàn chia sẻ.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện nay, tổng diện tích gieo trồng cây lúa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 12.000 ha. Lúa được trồng ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Glong...

Đến nay, phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh được sản xuất bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn trước đây. Phần lớn nông dân đều đã cơ bản thuần thục với việc gieo trồng các giống lúa mới.

Đặc biệt, trong các giống lúa mới thì giống ST24 đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội. Đây là một trong những giống lúa có chất lượng gạo ngon nhất, đang được nhiều nông hộ, hợp tác xã đưa vào sản xuất. Gạo ST24 hiện nay có giá bán từ 18.000-20.000 đồng/kg, tạo cơ hội cho nhiều người nông dân nâng cao thu nhập.

Theo Ngọc Lê (baodaknong)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.