Hiệu quả chuyển đổi cây trồng ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Qua những đợt hạn hán thiếu nước, nhiều người dân ở Đắk Nông đã chủ động chuyển đổi cây trồng, bảo đảm sản xuất hiệu quả, bền vững.

Ấn tượng cây xoài ở Đắk Gằn

Đắk Gằn trong ký ức của nhiều người vẫn là vùng đất đá cằn cỗi, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ cây bắp, đậu. Cách đây khoảng 15 năm, cây xoài được 1 số người dân Đồng Nai mang đến vùng đất này trồng. Từ đây, cây xoài cho thấy sự thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu và được người dân đưa vào phát triển thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình.

.

Cây xoài mọc trên vùng sỏi đá Đắk Gằn đưa người dân thoát nghèo, làm giàu từ cây xoài.

Cây xoài mọc trên vùng sỏi đá Đắk Gằn đưa người dân thoát nghèo, làm giàu từ cây xoài.

Năm 2012, anh Trần Trường Sa, ở thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil bắt đầu trồng xoài trên diện tích đất đá gia đình anh đang trồng cây ngắn ngày. Anh Sa cho biết, thấy người ta trồng thì mình cũng học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật rồi trồng theo. Từ diện tích nhỏ, mở rộng dần và trở thành cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình.

Anh Sa có 2,2ha xoài Đài Loan xanh, xoài Úc, xoài 3 mùa đang cho thu hoạch. Vụ xoài mới nhất anh Sa trúng đậm, được mùa, được giá thu được gần 500 triệu đồng. Nói về cây xoài, anh Sa chia sẻ: "Xoài là cây giúp gia đình tôi có cơ ngơi như ngày hôm nay, có nhà, có xe ô tô và mua thêm được đất sản xuất. Từ 1,6ha đất khởi nghiệp ban đầu, nay gia đình tôi đã có hơn 3ha đất, kinh tế gia đình ngày càng ổn định".

Tương tự, chị Trần Thị Hà, có 2,2ha xoài đang cho thu hoạch. Chị Hà trồng chủ yếu xoài xanh Đài Loan. Trước khi trồng xoài, nguồn thu nhập của chị Hà chủ yếu từ trồng cây ngắn ngày như bắp, đậu. Hiện nay, ngoài sản xuất xoài, chị còn bán túi bao bọc xoài cho người dân trên địa bàn.

Chị Hà cho biết, xoài có vụ trúng đậm, vụ mất mùa, rớt giá nhưng nhìn lại quá trình trồng xoài, cây xoài mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi, giúp gia đình tôi có cơ ngơi khá giả như ngày hôm nay. Trước đây, cây ngắn ngày chỉ có thể trồng vào mùa mưa nên thu nhập rất bấp bênh và phụ thuộc vào thời tiết.

Xã Đắk Gằn có khoảng 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp thì có hơn 1.550ha xoài. Cây xoài là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân tại địa phương.

Một vùng sản xuất xoài ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, Đắk Nông.

Một vùng sản xuất xoài ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, Đắk Nông.

Ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết, xoài là cây trồng chủ lực của địa phương. Cây xoài cần ít nước và mỗi người dân họ sử dụng giếng khoan để chủ động nước tưới cho gia đình. Chính vì thế, những năm trước, xoài rất ít khi bị thiệt hại bởi khô hạn.

Cũng nhờ cây xoài mà nhiều hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nay có mức thu nhập khá. Bình quân thu nhập đầu người của xã hiện đạt 47 triệu đồng, cao hơn 5 năm trước khoảng 20%. Xã chỉ còn 53 hộ nghèo. Từ vùng đất cằn sỏi đá, Đắk Gằn đã hình thành vùng sản xuất xoài tập trung, được đánh giá cao về chất lượng, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đắk Gằn được huyện Đắk Mil xây dựng thành vùng sản xuất xoài ứng dụng công nghệ cao với 343ha. Có 3 tổ chức sản xuất xoài gồm: HTX Nông nghiệp thương mại - dịch vụ Xoài, Hội Xoài Đắk Gằn, Tổ hợp tác xoài với 254 hộ dân tham gia. Xoài được người dân áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, bón phân qua hệ thống, phòng trừ bệnh tổng hợp (IPM), liên kết chuỗi giá trị, kết nối thị trường... vào sản xuất, tiêu thụ.

Linh hoạt trồng cây ngắn ngày tránh hạn

Krông Nô là huyện trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông, một số vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi khô hạn. Trước thực tế đó, huyện Krông Nô đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích cây ngắn ngày thiếu nước vào mùa khô sang các cây trồng sử dụng ít nước, thời gian sinh trưởng phát triển ngắn. Cụ thể, huyện hướng dẫn người dân chuyển đổi từ cây lúa nước sang trồng cây bắp, đậu đỗ, khoai lang và bí đỏ...

Trong những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Thu, ở thôn Xuyên Phước, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô tranh thủ thời tiết nắng ấm để làm đất, xuống giống hơn 2ha bắp giống F1. Theo chị Thu, trước thông tin dự báo mùa vụ tới khả năng diễn ra khô hạn trên diện rộng. Gia đình chị đã tranh thủ thu hoạch nhanh vụ bí thu đông để gieo trồng sớm vụ bắp đông xuân.

Chị Thu cho biết, tôi chọn cây bắp để gieo trồng cho vụ này vì trồng bắp vụ đông xuân nhu cầu nước ít hơn cây trồng khác, giá cả lại ổn định, sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Người dân Krông Nô sản xuất bắp trên đất lúa để giảm thiểu rủi ro thiếu nước mùa khô hạn.

Người dân Krông Nô sản xuất bắp trên đất lúa để giảm thiểu rủi ro thiếu nước mùa khô hạn.

Những năm qua, Công ty CP Việt Nam mua sản phẩm bắp nguyên cùi tươi ở mức giá 13.500 đồng/kg, với năng suất bình quân trên 10 tấn/ha, trừ tất cả các chi phí, gia đình chị có lợi nhuận từ 60 – 70 triệu đồng/ha. Mỗi năm người dân nơi đây sản xuất được 2 vụ bắp và 1 vụ bí đỏ. Qua đó, giúp bà con nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập.

Gia đình ông Trần Quý Mạnh, ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô có 6 sào đất sản xuất. Hàng năm, vào vụ hè thu, khi nước trên cánh đồng dồi dào thì gia đình ông trồng lúa. Còn vụ đông xuân, do không đủ nước, nên ông chuyển sang trồng bắp, khoai lang.

Ông Mạnh cho biết, do thiếu nước tưới, nên gia đình tôi chủ động chuyển đổi sang trồng khoai lang. Trồng khoai lang nhu cầu nước ít, điều kiện bơm tưới cũng thuận lợi nên khoai phát triển tốt.

Ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, việc chuyển đổi cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại bởi khô hạn trong mùa khô mà vẫn bảo đảm được hiệu quả kinh tế. Sự chủ động căn thời vụ và tính toán nguồn nước đang giúp người dân địa phương chủ động chăm sóc cây trồng mùa khô, tránh thiệt hại.

Cùng với đó, người dân đã và đang chủ động áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, phát huy hiệu quả kinh tế giảm thiểu rủi ro khi canh tác trong mùa khô, nguy cơ thiếu nước cao như hiện nay.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, trong 6 năm qua (2018 – 2023), các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.109ha đất lúa, đất xa nguồn nước. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2030, Đắk Nông chuyển đổi trên 8.557ha với 4 cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều không thích nghi hoặc ít thích nghi sang trồng các cây trồng khác. Trong đó, đến năm 2025, tỉnh thực hiện chuyển đổi trên 2.860ha, đến năm 2030 chuyển đổi tiếp 5.696ha.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, việc chuyển đổi đất sản xuất lúa không bảo đảm điều kiện nước tưới, năng suất thấp sang các loại cây ngắn ngày để tránh thiệt hại về hạn hán cuối vụ và nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất. Qua đánh giá kết quả chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa từ 3 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng/ha.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.