Hiểm nguy nghề băng rừng săn mật ong trong rừng già Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân Ba Na ở Tây Nguyên đều tuân thủ nhiều điều cấm kỵ trong quá trình đi lấy mật vì nếu vi phạm, họ sẽ bị "thần rừng" trừng phạt.

Những thợ "săn" mật ong rừng luôn trong tâm thế lúc nào cũng phải đương đầu với cả đàn ong hung dữ, dễ bị ong đốt, ngã từ trên cây... Thế nhưng, ai trong số họ cũng không nỡ rời xa cái nghề đi săn này.

Theo chân thợ “săn”

Con đường mòn gồ ghề dẫn vào Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) hun hút với hai bên đầy rẫy những cây bụi, dây gai. Bên gốc cây ven đường ở ngoài bìa rừng, những người thợ chuẩn bị cho hành trình vượt rừng “săn” mật ong.



Người thợ trùm mảnh lưới vào đầu, chuẩn bị leo lên cây lấy mật ong.

Người thợ trùm mảnh lưới vào đầu, chuẩn bị leo lên cây lấy mật ong.

Đồng hồ điểm 6 giờ, anh Đinh Văn Thiêng (37 tuổi) dẫn cả nhóm 4 người tiến sâu vào rừng, chia thành ba mũi đi dọc con suối nhỏ, mắt lúc nào cũng chăm chăm hướng lên trời. Trên tay mỗi người đều cầm rựa và nhánh cây khua đuổi muỗi.

Sau hơn một giờ tìm kiếm, nghe âm thanh ra hiệu bên kia triền dốc, anh Thiêng biết người bạn của mình đã phát hiện tổ ong, đó là tổ ong rừng dài hơn một mét, bám lơ lửng dưới nhánh cây cao khoảng 30 m, bị dây leo che chắn xung quanh nên khó phát hiện.

Vị trí tổ ong đã được xác định, nhóm thợ “săn” bó củi khô thành chụm, bọc lá xanh bên ngoài để đốt lửa hun khói lấy mật. “Công việc này phải được làm cách vị trí tổ ong khá xa nhằm tránh đàn ong phát hiện” - anh Thiêng nói.

Anh Thiêng sau đó cột bó đuốc vào người, mang túi, dao và trùm mảnh lưới vào đầu rồi nhanh nhẹn leo lên ngọn cây. Người thợ khua đuốc và thổi khói vào tổ đuổi ong, rồi nhanh tay cắt từng mảng sáp chứa mật, để lại phần sáp chứa nhộng, công đoạn lấy mật được thực hiện trong vài phút, bởi nếu ở trên cây quá lâu rất dễ bị đàn ong tấn công.



Nhóm thợ “săn” bó củi khô thành chụm, bọc lá xanh bên ngoài để đốt lửa hun khói lấy mật.

Nhóm thợ “săn” bó củi khô thành chụm, bọc lá xanh bên ngoài để đốt lửa hun khói lấy mật.

"Từng này thì chắc được khoảng 2 đến 3 lít mật", anh Thiêng vừa nói vừa đặt chân xuống đất. Thứ mật ong vàng sánh, thơm thoang thoảng nằm gọn trong túi. Cả nhóm thợ săn háo hức nếm thử vài giọt mật chảy ra, lấy lại sức tiếp tục lang thang trong cánh rừng nguyên sinh.

Trong lúc tìm kiếm, nhóm anh Thiêng thỉnh thoảng mở điện thoại xem định vị những tổ ong được đánh dấu từ trước. Họ ghé thăm một tổ nằm trên ngọn đa cổ thụ, giữa lòng suối, thấy phần chứa mật còn mỏng nên cả nhóm bỏ đi, hẹn nhau nửa tháng sau sẽ quay lại. Còn một số tổ ong thì không may đã bị người khác lấy.

Theo anh Thiêng, ong thường làm tổ ở nơi gần nguồn nước, và dưới những tàng cây che kín. Nhờ từ nhỏ đã được bố dẫn vào rừng lấy mật ong nên anh tích luỹ được nhiều kinh nghiệm tìm ong cũng như khả năng leo cây giỏi. Những tổ ong trên cổ thụ cao hơn 50 m, nhiều người không dám trèo nhưng anh có thể leo lên dễ dàng.



Thành quả của nhóm thợ "săn".

Thành quả của nhóm thợ "săn".

Tuy nhiên, việc lấy mật khá thất thường, có hôm lấy được vài chục lít, nhưng cũng có khi cả ngày không tìm được tổ nào. Mỗi nhóm đi săn mật ong thường từ 3 đến 5 người để hỗ trợ nhau. Với giá mật ong rừng 400-500.000 đồng một lít, số tiền thu được sẽ chia đều cho các thành viên trong nhóm.

Nguy hiểm chực chờ

Hơn 10 năm kinh nghiệm săn mật ong rừng, anh Đinh Văn Vất (35 tuổi), cho biết nghề này luôn thường trực các mối nguy hiểm song những người thợ hầu như đều đã quen với nó.

"Những người thợ rừng bị ong đốt vài chục mũi trong một hành trình là chuyện xảy ra như cơm bữa. Khi đuổi mà gặp những đàn ong hung hãn thì mỗi người chạy một hướng để lánh nạn. Nếu đang trèo lên cao lấy mật mà bị ong vây cắn thì phải bình tĩnh để xử lý, chịu đau đớn để tìm cách xuống từ từ. Vì đang ở trên cây mà buông tay thì không biết hậu quả như thế nào", anh Vất nói.

Không chỉ ong là trong rừng còn rất nhiều loại bò sát nguy hiểm như rắn và các loại thực vật có độc khiến cơ thể người bị lở loét khi chạm vào.



Nghề "săn" mật ong luôn thường trực các mối nguy hiểm song những người thợ hầu như đều đã quen với nó.

Nghề "săn" mật ong luôn thường trực các mối nguy hiểm song những người thợ hầu như đều đã quen với nó.

Theo anh Vất, người dân Ba Na ở Tây Nguyên đều tuân thủ nhiều điều cấm kỵ khi lấy mật như: tuyệt đối không được cắt hết cả tổ (phần có nhộng) để chúng tiếp tục sinh sôi; không đóng đinh vào thân cây để trèo... Nếu ai vi phạm, sẽ bị "thần rừng" trừng phạt như bị ong đốt hoặc ngã cây khi trèo lấy mật.

Ngoài ra, sau mỗi đợt “săn” mật ong thành công, những người thợ đều phải làm lễ cúng để báo với thần rừng việc họ đã đến đây “săn” mật. Thủ tục “cúng rừng” khá đơn giản, người thợ chỉ cần đặt toàn bộ mật vừa “săn” được, khấn vài lần rồi vãi ít mật xuống đất ngụ ý để mời thần nếm trước.

"Người bản địa khai thác mật ong từ bao đời nay và việc này không xâm hại cây rừng nên cũng được lực lượng chức năng tạo điều kiện", anh Vất chia sẻ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có diện tích trên 15.000 ha. Tất cả 5 thôn, làng vùng đệm đều được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng (400.000 đồng trên một ha mỗi năm) của khu bảo tồn theo hình thức giao khoán cho gần 300 hộ người Ba Na ở xã Sơn Lang.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, cho hay trong quá trình kiểm tra, bảo vệ rừng, lực lượng chức năng đều tạo điều kiện cho người dân kiếm thêm thu nhập từ các loại lâm sản phụ như mật ong, nấm, dược liệu... trong vùng đệm khu bảo tồn, nhưng không ảnh hưởng hệ sinh thái.

Có thể bạn quan tâm