Hẻm phố Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi khi cuộc sống bộn bề suy nghĩ, tôi lại lang thang trong những con hẻm nhỏ của Pleiku. Ở đấy, khác biệt hoàn toàn với phố xá bụi bặm bên ngoài, cuộc sống bình lặng, êm đềm như giúp tôi lấy lại sự cân bằng, an yên trong tâm hồn.
Chẳng ai biết hẻm được hình thành từ khi nào, phía sau những ngôi nhà mặt đường to rộng, lối đi nhỏ dẫn dắt sâu vào bên trong là cả một khu dân cư đông đúc. Cuộc sống trong hẻm nhỏ bình dị, thân thương, người đầu hẻm thân quen đến người cuối hẻm. Hàng ngày, ra vào trên lối đi chung nhỏ hẹp, mỗi lần gặp nhau, mọi người thường dừng lại để nhường đường, tươi cười chào hỏi. Sự tiếp xúc thường xuyên ấy tạo nên mối quan hệ cộng cư gần gũi, thân thiết. Ở những con hẻm thường tập trung lao động nghèo tứ xứ về làm ăn sinh sống. Dù khác nhau về phong tục, tập quán, tiếng nói, nhưng hàng xóm vẫn “tắt lửa, tối đèn có nhau”. Chuyện vui buồn gì xảy ra trong xóm thì gần như mọi người đều biết và chia sẻ. Cuộc sống của những người trong con hẻm không quá khác biệt, giai tầng cao thấp không quá rõ ràng. Nhiều gia đình sống nhiều thế hệ ở đây hoặc có nhà khi đủ điều kiện chuyển đi nơi khác rộng rãi hơn nhưng thi thoảng vẫn quyến luyến tìm về thăm xóm cũ.
Ông tôi lên Pleiku lập nghiệp từ trước khi đất nước thống nhất. Ông kể, khi ấy Pleiku còn vắng vẻ và hoang vu lắm. Ngày xưa, Pleiku chỉ có mấy con đường chính. Với địa hình dốc núi nên những con hẻm nhỏ cũng sâu hun hút. Trong những con hẻm ấy có khi một vài mái nhà, nhưng cũng có con hẻm nối thông với đường khác dài hun hút với rất nhiều mái nhà san sát nhau. Ông tôi chọn cho mình một mảnh đất ở cuối con hẻm ở khu chợ Nhỏ để định cư vì “sống trong hẻm yên tĩnh”. Và con hẻm nhỏ dốc cao, đầy đá cuội ấy là cả bầu trời tuổi thơ của tôi. Những ngôi nhà trong hẻm đều có một mảnh vườn rộng. Tôi nhớ mùa mưa nước chảy tràn về phía nhà ông, sâu trong vườn có con suối chảy qua. Nhiều hôm, nước suối dâng cao, nhưng cũng rút rất nhanh. Thời gian trôi đi, con người được sinh ra nhưng đất đai dần thu hẹp lại, những mảnh vườn xanh được thay bằng các ngôi nhà san sát nhau và xuất hiện thêm một vài con hẻm mới từ những khu vườn cũ. Đến mùa mưa, con suối bên cạnh vườn của ông nước cuồn cuộn như thác đổ bởi nhà cửa bê tông ken dày xung quanh đã thu hẹp dòng chảy, khu vườn của ông lại ngập trong nước...
Con hẻm trên đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Huy
Con hẻm trên đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Huy
Nhớ thời sinh viên trọ học ở TP. Hồ Chí Minh, những con hẻm ngang dọc, chồng chéo lên nhau khiến tôi không tài nào nhớ nổi. Chuyện đi lạc đường của tôi ở Sài thành diễn ra như cơm bữa, dù đã cầm theo bản đồ. Nhưng người ở hẻm phố Sài Gòn cũng giống như những người ở hẻm phố Pleiku, thương nhau bởi cái tình gần gũi. Nhớ nụ cười chú Ba bán trái cây ở đầu hẻm, sáng nào cũng vẫy tay: “Mấy đứa đi học đó hả?”. Bác Tám thì hay nấu thức ăn đem qua phòng trọ chúng tôi với nụ cười xởi lởi: “Tụi bây ăn đi, có sức mà học”. Có hôm, tôi bị sốt, mặt mày xây xẩm, ngã nhào, các cô chú chung tay đưa tôi đi bệnh viện, đến khi biết tôi không sao thì mọi người mới hết lo lắng. Nhìn khuôn mặt của các cô chú, trong lòng tôi cảm thấy thật ấm áp như đang ở trong con hẻm phố quê nhà. Những con hẻm nhỏ dù đi bất cứ thành phố nào cũng có thể tìm được, dù cuộc sống thay đổi, nhưng tình cảm của những con người trong đó vẫn rất chân tình và gần gũi.
Pleiku hiện tại vẫn còn những con hẻm lưu giữ ký ức thuở xưa. Như con hẻm số 9 ở đường Sư Vạn Hạnh, những con hẻm của xóm chợ Nhỏ. Bên trong con hẻm dốc, dài và hẹp chỉ đủ một xe máy đi là những ngôi nhà cũ kỹ được xây từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, tĩnh lặng, đầy rêu phong, đầy những hoài niệm của một thời quá khứ. Mặc cho cuộc sống bên ngoài phố xá đổi thay, sâu phía trong những con hẻm nhỏ vẫn giữ nguyên dáng vẻ một Pleiku xưa êm đềm, cổ kính. Để mỗi lúc đi xa, tôi lại nhớ về và thấy lòng mình bình lặng, an yên.
LÊ VI THỦY

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.