(GLO)- Cách trung tâm thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông gần 60 km, xã biên giới Ia Mơr là xã nghèo của huyện với bộn bề khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa con đường vào xã trở nên gian nan gấp bội. Có lẽ vì vậy mà công tác chăm sóc sức khỏe của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế.
Chúng tôi theo chân đoàn y-bác sĩ của Ban Quân y (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đến Ia Mơr vào một ngày mưa. Đoạn đường từ xã Ia Ga đến Trạm Y tế xã Ia Mơr chỉ hơn 14 km, nhưng chiếc xe chở quân tư trang, thuốc men của đoàn phải mất hơn 4 giờ đồng hồ mới đến được điểm hẹn để phục vụ bà con. Cả đoàn ai cũng lấm lem, mệt mỏi nhưng trước những cái bắt tay siết chặt, những nụ cười hiền lành của người dân, mọi mệt mỏi trong suốt chặng hành trình đã được xua tan để cả đoàn bắt tay ngay vào công việc.
Hướng dẫn cách sử dụng thuốc. Ảnh: Phương Dung |
Hơn nữa, dù trời mưa nhưng biết có đoàn y-bác sĩ về xã khám bệnh, phát thuốc nên người dân đã đến Trạm Y tế xã chờ từ rất sớm. Ông Ksor Loai-làng Krông, giãi bày: Xã tôi nghèo lắm, đường sá lại xa xôi cách trở nên không có điều kiện đi khám-chữa bệnh. Nay có đoàn bác sĩ không quản đường xa, trời mưa về tận làng để khám bệnh không lấy tiền, chúng tôi rất biết ơn.
Trước sự “mến khách” của người dân, các y-bác sĩ trong đoàn đã làm việc quên cả thời gian và sự mệt mỏi. Bác sĩ, Đại úy Trần Thanh Phú-Trưởng đoàn y-bác sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nhấn mạnh: “Thực hiện chương trình “Quân-dân y kết hợp”, hàng năm Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử đoàn y-bác sĩ đến các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng để khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân. Với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng đến những nơi khó khăn nhất để chăm sóc sức khỏe người dân, qua đó kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các loại dịch bệnh. Hơn nữa, thông qua các chuyến công tác chúng tôi cũng kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh nặng để giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên điều trị, đồng thời tuyên truyền cho bà con công tác vệ sinh phòng dịch…”.
Người dân đứng chờ đến lượt khám bệnh. Ảnh: P.D |
Cùng với chuyến công tác tại xã Ia Mơr thì từ đầu năm đến nay, Ban Quân Y đã phối hợp với các địa phương khám-chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 900 lượt người tại các xã: Krong, Kon Pne (huyện Kbang) với tổng kinh phí trên 40 triệu đồng. Cũng theo bác sĩ Trần Thanh Phú việc phối hợp toàn diện nhân lực, vật tư y tế của 2 lực lượng quân-dân y trong thời gian qua đã làm tăng khả năng chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ y-bác sĩ của đơn vị và các trạm y tế.
Đồng thời, thông qua công tác phối hợp, việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho nhân dân ở các vùng trọng điểm về quốc phòng-an ninh, vùng sâu, vùng xa cũng được đảm bảo, nhiều loại dịch bệnh như: sốt rét, sốt xuất huyết, tả lỵ, thương hàn, suy dinh dưỡng ở trẻ em, viêm nhiễm đường sinh sản… đã được đẩy lùi, còn người dân đã có thêm những kiến thức nhận biết về một số bệnh thông thường, cách vệ sinh phòng bệnh...
Bác sĩ Phú cho biết thêm, việc kết hợp quân-dân y thực sự là giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực phòng-chống dịch bệnh và đáp ứng nhanh các tình huống đột xuất trong khắc phục hậu quả thiên tai. Và ở bất cứ thời điểm nào, địa hình nào lực lượng quân-dân y địa phương cũng có mặt kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” và quân y các đơn vị đứng chân trên địa bàn luôn phát huy vai trò xung kích ở những khu vực trọng điểm khó khăn nhất. Từ những hoạt động cụ thể của cán bộ, nhân viên ngành Quân y đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh, truyền thống bộ đội Cụ Hồ.
Trong mỗi chuyến công tác, họ-những y-bác sĩ không chỉ đơn thuần làm công tác chuyên môn mà họ luôn nỗ lực giúp người dân phòng-chống dịch bệnh, bài trừ những hủ tục, mê tín dị đoan trong cách dùng thầy mo, thầy cúng để chữa bệnh vốn đã tồn tại lâu nay... Điều đó khẳng định, quân-dân y kết hợp là một chương trình mang ý nghĩa thiết thực và đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Có lẽ vì vậy mà hình ảnh những bác-sĩ-áo-lính không còn xa lạ với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm gần đây …
Phương Dung-Phan Dũng