Hành trang ngày xuất ngũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 25-1 này, hơn 200 chiến sĩ của Trung đoàn 991 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương. Hành trang ngày về của họ là ăm ắp kỷ niệm và những bài học quý thu nhận được từ 2 năm quân ngũ.
Những kỷ niệm đáng nhớ
Tự nhận mình là người thiếu kiên trì, mỗi khi gặp việc khó thường dễ nản lòng nhưng chỉ sau 3 tháng trong quân ngũ, Binh nhất Lưu Ngọc Tươi (Trung đội Phục vụ, Tiểu đoàn Bộ binh 50, Trung đoàn 991) đã hoàn toàn thay đổi. Người giúp Tươi thay đổi chính là đồng đội Đinh Văn Mua. Tươi kể, thời gian đầu nhập ngũ, mọi thứ đều lạ lẫm, khí hậu biên giới lại khắc nghiệt nên anh rất nhớ nhà, chỉ muốn được trở về với gia đình. Ngược lại, chiến sĩ Đinh Văn Mua ngay thời gian đầu nhập ngũ đã liên tiếp nhận tin cha và ông nội qua đời. Thế nhưng, vượt qua nỗi đau, Mua vẫn nỗ lực học tập, rèn luyện và đạt kết quả tốt. Thậm chí, Mua còn là người thường xuyên động viên đồng đội yên tâm học tập, rèn luyện. “Suy nghĩ tích cực từ đồng chí Mua đã giúp tôi hoàn toàn thay đổi suy nghĩ và quyết tâm học tập, rèn luyện. Giờ thì khó khăn nào tôi cũng có thể vượt qua”-Binh nhất Lưu Ngọc Tươi cười nói. Ngoài bài học quý giá về nghị lực vượt qua khó khăn, Tươi còn có được tình bạn đẹp với Mua và kỷ niệm khó phai về lần đầu tiên được đứng trên sân khấu Hội diễn văn nghệ quần chúng lực lượng vũ trang quân khu 5 lần thứ XII để thể hiện tài ca hát của mình.
 Các chiến sĩ Trung đoàn 991 tặng quà cho nhau trước ngày xuất ngũ. Ảnh: Phương Dung
Các chiến sĩ Trung đoàn 991 tặng quà cho nhau trước ngày xuất ngũ. Ảnh: Phương Dung
Càng gần ngày xuất ngũ, Binh nhất Nguyễn Đức Hiếu (Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn Bộ binh 50) lại càng thêm bịn rịn, không muốn chia tay đồng đội, đơn vị. Hiếu bộc bạch: “Lúc mới nhập ngũ, tôi chỉ muốn thời gian 2 năm trôi qua mau. Còn bây giờ, khi đã quen với các nền nếp, tác phong, quen với các chế độ sinh hoạt trong ngày, trong tuần..., tôi chỉ muốn được ở lại đơn vị lâu hơn!”. Điều này cũng dễ hiểu bởi với Hiếu, không nơi nào có được sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau ấm áp như trong môi trường quân đội. Mỗi khi đơn vị có một chiến sĩ bị ốm, tất cả những người còn lại đều hỏi han, chăm sóc, thậm chí đem thuốc, đem nước đến tận giường...
Trả lời câu hỏi sẽ nhớ ai nhất khi rời xa đơn vị, Binh nhất Siu Anh Minh (Đại đội 3, Tiểu đoàn Bộ binh 50) không chút đắn đo khẳng định đó là Thượng úy Phan Long Vũ-Đại đội trưởng Đại đội 3. Thượng úy Vũ là người mà Minh cũng như nhiều chiến sĩ coi như anh cả trong gia đình. “Đại đội trưởng là người rất nghiêm khắc với những chiến sĩ vi phạm kỷ luật nhưng cũng vô cùng tâm lý. Anh thường xuyên lắng nghe tâm tư, tình cảm của chiến sĩ và nhiệt tình giúp đỡ từng người khắc phục những điểm yếu...”-Minh trải lòng.
Tâm tư ngày trở về
Gần 1 tháng nay, Binh nhất Siu Anh Minh trăn trở rất nhiều. Minh rất muốn sử dụng thẻ học nghề miễn phí dành cho quân nhân xuất ngũ để học lái xe ô tô rồi tìm kiếm một công việc ổn định. Phần khác, Minh lại muốn nhanh chóng trở về nhà ở thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện) để phụ giúp cha mẹ việc đồng áng. Bởi lẽ, cả 2 anh trai của Minh đều đã lập gia đình và ở riêng, còn 2 em gái vẫn đang đi học trong khi cha mẹ đã già yếu. Minh tâm sự: “Trong thời gian quân ngũ, hàng tháng, tôi còn có thể tiết kiệm phụ cấp gửi về giúp gia đình. Nếu lựa chọn học nghề, tôi sẽ không thể giúp gia đình trong khoảng thời gian ấy”. Chính vì vậy nên Minh muốn suy nghĩ cho thật kỹ trước khi quyết định hướng đi của mình.
Trước khi nhập ngũ, Binh nhất Nguyễn Đức Hiếu là một thợ hàn có thu nhập ổn định. Do đó, thay vì băn khoăn lựa chọn nghề nghiệp như nhiều đồng đội, Hiếu đã có kế hoạch mở một tiệm hàn ở xã Ia Trok (huyện Ia Pa), nơi gia đình Hiếu đang sinh sống. Ngoài ra, Hiếu cũng dự định cùng với anh trai tận dụng vài sào đất đồi của gia đình lâu nay trồng trọt không hiệu quả để chuyển sang chăn nuôi heo, hy vọng sẽ tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Theo Thượng tá Phạm Xuân Thọ-Chính ủy Trung đoàn 991, trong thời gian học tập, rèn luyện tại đơn vị, các chiến sĩ đã được huấn luyện đúng, đủ các nội dung và thành thạo kỹ-chiến thuật. Các chiến sĩ cũng có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, nhiều đồng chí đã phấn đấu học tập, rèn luyện và được kết nạp vào Đảng. “Chúng tôi mong các chiến sĩ sau khi trở về địa phương sẽ gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã được tu dưỡng, rèn luyện, nhanh chóng ổn định cuộc sống, xung kích, sáng tạo xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”-Thượng tá Phạm Xuân Thọ nhấn mạnh.
 Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…