Địa chỉ đào tạo nghề tin cậy cho bộ đội xuất ngũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chia sẻ của hầu hết học viên là bộ đội xuất ngũ hiện đang học tại trường Trung cấp nghề số 15 (Binh đoàn 15). Bởi, nhà trường luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu và bình quân trên 50% học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều tìm được việc làm ổn định.

Chọn nghề theo khả năng, nhu cầu

Rời quân ngũ với một tấm thẻ học nghề trong tay, anh Ksor Thiếu (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) phân vân không biết nên lựa chọn nghề nào để theo học cho phù hợp. Mãi sau khi được một số trường dạy nghề tư vấn thêm cùng với sự động viên, khích lệ của gia đình, Ksor Thiếu mới mạnh dạn đăng ký theo học hệ trung cấp công nghệ ô tô của Trường Trung cấp nghề số 15.

Lý giải cho việc lựa chọn nghề học của mình, Thiếu nói: “Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về phương tiện đi lại của người dân theo đó cũng cao hơn, vì vậy, công nghệ ô tô sẽ dễ tìm kiếm việc làm sau khi ra trường hơn những nghề khác”. Chỉ còn vài tháng nữa Thiếu sẽ tốt nghiệp ra trường và anh tự tin mình sẽ nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp.
 

Ảnh: Anh Huy
Ảnh: Anh Huy

Cũng khá nhanh nhạy với nhu cầu ngành nghề của xã hội, anh Võ Nguyên Đại, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 2 đã nhanh chóng nộp hồ sơ học nghề công nghệ ô tô, hệ trung cấp tại trường này. Chàng học viên năm nhất, Võ Nguyên Đại hiện đang ấp ủ rất nhiều dự định trong tương lai, song trước mắt, Đại quyết tâm cố gắng học tập thật tốt để vững vàng tay nghề và cũng là phát huy phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” trong mọi hoàn cảnh. “Điều kiện học ở đây rất tốt, cơ sở vật chất đầy đủ, học viên có điều kiện thực hành, giáo viên thì nhiệt tình, tâm huyết…”-đảng viên trẻ Võ Nguyên Đại chia sẻ.

Không lựa chọn hệ trung cấp vì thời gian học kéo dài, anh Rơ Châm Min-từng nhập ngũ tại Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) lại chọn học hệ sơ cấp hàn để có thể nhanh chóng tốt nghiệp và tìm kiếm việc làm. Nhà Min vốn ít nương rẫy, bố mẹ lại già yếu không thể lao động nặng nhọc, vì vậy, ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ về địa phương, Min cũng nhanh chóng trở về với cây mì, cây cà phê mà quên luôn chiếc thẻ học nghề miễn phí được đơn vị cấp.

Và rồi sau những ngày làm việc mệt mỏi, thu nhập lại bấp bênh khiến Min nghĩ đến việc phải học một nghề nào đó để có công việc, thu nhập ổn định lâu dài. Nhưng nếu học hệ trung cấp sẽ cần nhiều thời gian, do đó, Min quyết định chọn hệ sơ cấp hàn-học 1 năm. Gặp Rơ Châm Min trong giờ thực hành môn hàn cơ khí, Min vui vẻ khoe: Mình cũng sắp hoàn thành xong khóa học rồi! kèm theo đó Min đưa cho chúng tôi xem những mối hàn mà em vừa thực hành xong. Nhìn vào đó, chúng tôi tin rằng, Min đã chọn cho mình một nghề phù hợp với khả năng.  

Đề cập đến vấn đề đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, Thượng tá Nguyễn Hồng Giang-Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề số 15, cho biết: Bộ đội sau khi xuất ngũ được học nghề thông qua thẻ học nghề do Bộ Quốc phòng cấp, vì vậy họ được ưu tiên rất nhiều: không phải đóng học phí, miễn tiền ký túc xá và còn được hỗ trợ thêm tiền ăn bình quân 300-400 ngàn đồng/tháng.

Chất lượng đào tạo đặt lên hàng đầu

Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở đào tạo nghề, Thượng tá Nguyễn Hồng Giang-Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề số 15, giới thiệu: Trường đang đào tạo 8 nghề hệ trung cấp, 8 nghề hệ sơ cấp và liên kết đào tạo 6 nghề khác. Tiêu chí của nhà trường luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, cùng với đó là tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, nhiều năm qua, nhà trường đã thu hút đông đảo học viên trong cả nước, song tập trung nhiều nhất vẫn là các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Phú Yên, Bình Định…

Riêng năm 2014, trường đã mở lớp đào tạo 5.218 học viên hệ trung cấp và sơ cấp, trong đó bộ đội xuất ngũ là 336 học viên, chủ yếu ở các huyện: Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê… Đa phần học viên là bộ đội xuất ngũ thường chọn những nghề như: công nghệ ô tô, điện dân dụng và điện công nghiệp...

Hàng năm, nhà trường đều chú trọng đến công tác tư vấn tuyển sinh. Cụ thể, trường tổ chức một đội ngũ làm công tác tư vấn, tuyển sinh đến từng đơn vị, địa phương để tiến hành tư vấn, hướng nghiệp, giải thích những tiêu chuẩn, chế độ, quyền lợi mà học viên được hưởng… Bên cạnh đó, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo dạy thật-học thật và đánh giá chất lượng đào tạo thông qua tay nghề thực tiễn của học viên.

Không những thế, nhà trường còn chủ động liên kết với một số doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận để giới thiệu việc làm cho học viên sau khi ra trường. “Việc liên hệ việc làm cũng tùy theo nhu cầu từng năm, tuy nhiên, bình quân trên 50% học viên sau khi tốt nghiệp được giới thiệu việc làm và tìm được việc làm. Đặc biệt, học viên là bộ đội xuất ngũ sau khi ra trường tỷ lệ tìm kiếm việc làm rất cao, khoảng 60% học viên học nghề công nghệ ô tô đã tìm kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”-thượng tá Giang nhấn mạnh.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.