Hàng thông ấy giờ ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chốn xa hoa không chịu thụ hưởng, đến đâu cũng cứ nhằm vỉa hè mà ngồi thì đúng là ngốc dại rồi. Nhưng cũng nhờ bản tính ngốc dại mà tôi được nhìn thấy được hàng thông trên lề đường đó…

Tôi cũng chẳng hiểu sao mà mình lại mừng rơn khi nhìn thấy những cây thông non trên vỉa hè ở Pleiku, dù nơi mình sống bạt ngàn thông-Đà Lạt. Buổi đó, những cây thông trên đường Thống Nhất lưa thưa, người ta trồng như trồng cây cảnh quan, nghĩa là có tổ chức đô thị, được lồng lại bảo vệ, cưng nựng, chăm chút. Ở đỉnh nó những hàng nến trồi lên trắng phau mà ta gọi là ngọn, và long lanh trong thứ nắng chiều cố lèn qua bê tông để rọi xuống. Chỗ con dốc cong cong kia cũng mềm ra, duyên dáng, đáng yêu vô cùng. Tôi bỏ bàn nhậu và lững thững theo hàng thông. Tôi sờ nhẹ vào nó như chạm vào mỹ nhân. Tôi mơ về những hàng thông cao vút trên đường phố Pleiku. Tôi tưởng tượng về thứ cảm giác bóng mát tinh khiết thường hằng của loài cây lá kim sẽ đổ xuống vỉa hè này.

 

Hàng thông trên đường Thống Nhất (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Triều
Hàng thông trên đường Thống Nhất (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Triều

Trong thứ lạnh êm ái đó, cho tôi mường tượng vào cái buổi ban sơ của chốn này khi đô thị chưa “rơi” xuống, cả xứ sở không phải hàng cây mà là muôn trùng xanh bản nguyên, tự nhiên, không chia cắt, muôn loài đoàn tụ. Rằng Pleiku có lai lịch, căn cước, chân đế, quá khứ, hiện tại, tương lai. Rằng nó không phải thành phố chớp nhoáng, “fast food”, nhân bản vô tính, mà vật vã để leo trên thời gian, hóa kiếp, biến đổi, viên thành, trong hơn một trăm năm ấy. Tôi lên dây tình yêu xứ người. Tôi tập đánh vần để thấy Pleiku.

Giữa một đô thị phồn hoa bước ra từ rừng như Pleiku nhưng không còn ký ức sâu nặng của rừng, thì tôi làm sao không thao thức về những cây xanh mang hơi thở của rừng, vượt ra khỏi cây xanh đô thị thông thường. Giữa một Pleiku thật ít đồi núi chập chùng nhưng theo tôi nhờ bài hát quá tuyệt của Phạm Duy (phổ thơ Vũ Hữu Định) mà “PR” hoàn hảo tự nhiên cho một xứ sở, định danh “Phố núi” sang cả thì làm sao tôi không ước những mảnh “rừng thật” cho nó, mà dĩ nhiên với Pleiku thì không nhất thiết chỉ mỗi loài thông. Giữa một Pleiku ồn ã, sôi động thì làm sao không cần những khoảng lắng. Dù giàu có Pleiku vẫn phải tự tình. Cho dù là thành phố nhưng thành phố nào cũng có cuộc đời của nó, xuất thân, tâm hồn. Xứ lạnh núi cao Đà Lạt dĩ nhiên tập trung rừng lá kim, nhưng Pleiku càng ý vị hơn thế, khi buổi ban đầu của nó là rừng mưa nhiệt đới thường xanh, với thảo mộc đa dạng, muôn loài. Ký ức mù xa quá, Pleiku ạ, nên giờ người ta tái kiến tạo chút cây rừng gì cho mi, ta cũng trân quý cả, dù loài thông bình thường này. Những hàng cây xanh lấy hoa, bóng râm thuần túy, son phấn, mỹ miều, dù cần thiết, nhưng hình như cũng chỉ là một thành tố lý trí của sinh thái đô thị hiện đại, nhưng thú thật không gợi được cho nhau về nguồn cội. Tôi không biết đất đai cùng người Pleiku phồn hoa, tân tiến ngày nay có “nhớ rừng”.

 

Bây giờ hàng thông ấy đã lớn đến đâu rồi nhỉ, sau nhiều năm tôi chưa ghé lại. Mi đã cao đến chừng nào rồi. Ta nhớ mi lắm hàng thông non kia ơi. Mi sẽ là “người” đầu tiên ta ghé thăm, khi trở lại nơi ấy…

Là lữ khách, làm sao tôi hiểu cái bên trong, tâm hồn người phố lạ. Tôi chỉ biết rằng trên thân thể Pleiku, đó đây nhiều địa danh ngày nay vẫn còn gắn với chất “rừng” cùng những tổ người sơn nguyên lơ thơ buổi mù xa qua tên gọi nọ kia. Tôi đã thương quý vô cùng những cây cổ thụ hiếm hoi còn lại trên đường Hoàng Hoa Thám, Quang Trung kia mà. Thì như Đà Lạt, vì sao bao nhiêu mỹ từ gắn với các loài hoa cho thành phố này, nhưng con đường khiến người ta lưu luyến, yêu nhất, “tình” nhất, bền bỉ, quanh năm và muôn năm, nghĩ về nó nhiều nhất, day dứt nhất vẫn là con đường vòng quanh Đồi Cù. Đơn giản thôi, bởi nó luôn in bóng rừng, đầy cây thông, mà bao lớp hoa sặc sỡ trồng nằm bên dưới nhiều khi lạc lõng. Cây “rừng” thì đâu có theo mùa.

Bây giờ hàng thông ấy đã lớn đến đâu rồi nhỉ, sau nhiều năm tôi chưa ghé lại. Không biết có ai bẻ cành, bứt ngọn, và có cây nào đã phải ra đi vì sâu, vì bọ. Mi đã cao đến chừng nào rồi. Ta nhớ mi lắm hàng thông non kia ơi. Mi sẽ là “người” đầu tiên ta ghé thăm, khi trở lại nơi ấy. Ta lại sẽ chọn làm người ngốc dại để được đi dưới vành bóng mi, mà không chọn những tòa nhà, hàng phố chất ngất bê tông, siêu thị, công sở, quán cà phê, nhà hàng máy lạnh, hay những hàng cây cảnh quan cho hoa mà đô thị đồng bằng nào cũng giống nhau. Mi hứa với ta đi nhé, sống thật tử tế, cắm rễ thật sâu vào lòng đất bazan, rít nguồn nước miền Thượng và hít thật sâu mây trời Pleiku đó. Dứt khoát ta sẽ tìm đôi má hồng nhất nhì Pleiku nào đó để thì thầm với nàng rằng nhờ núi cao, rừng xưa mà em hồng đến vậy…

Nguyễn Hàng Tình

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.