Hàng chục hộ dân M'Nông trong 'cơn khát' do khô hạn kéo dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi được định cư ở bon mới tái lập, cuộc sống của hàng chục hộ dân M’Nông tại Bon Pu Prăng 2, xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông bắt đầu gặp nhiều khó khăn do nguồn nước ngày càng khan hiếm.
Giải quyết vấn đề nước, cả sinh hoạt lẫn sản xuất, là vấn đề bức thiết nhất tại Bon Bu Prăng 2 hiện nay.
 
Một góc bon Bu Prăng 2. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN
“Quả đồi nhỏ” nơi biên cương tổ quốc
Đưa chúng tôi đi tham quan, tìm hiểu thực tế về Bon Bu Prăng 2, anh Bùi Minh Hải, Trưởng Bon cho biết, trong tiếng M’Nông, “Bu Prăng” nghĩa là quả đồi nhỏ. Bon Bu Prăng 2 hiện đang có khoảng 60 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào M’Nông.
Trưởng bon Hải cho biết, bà con M’Nông bắt đầu trở về định cư, định canh ở vùng đất này vào những năm 2009 – 2010. Đến năm 2012, bon Bu Prăng 2 được tái lập (cùng với bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực).
“Trước đây bà con cũng đã cư trú, sinh sống ở vùng đất này nhưng do chiến tranh, họ phải di dời vào rừng sâu hoặc di chuyển chỗ ở đến nhiều nơi thuộc khu vực hiện nay là giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước”, Trưởng bon Bùi Minh Hải giải thích thêm.
Cuối năm 2012, UBND xã Quảng Trực tổ chức lễ công bố tái lập 2 Bon: Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 sau khi ngành chức năng huyện Tuy Đức cơ bản hoàn thành việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho hơn 150 hộ dân. Hộ dân tại 2 bon này được cấp đất định canh, định cư, nhà ở kiên cố, đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Một hệ thống hạ tầng, bao gồm điện, đường, trường, trạm được xây dựng bài bản, đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của hàng trăm nhân khẩu định cư tại khu vực này.
Nhìn chung cuộc sống của bà con nhanh chóng ổn định, nhiều gia đình M’Nông sau khi lập gia đình cho con cái đã tách khẩu đến đây định cư. Con em các gia đình được chăm sóc y tế cơ bản, Nhà nước cũng mở trường mầm non tại khu vực này để các em nhỏ thuận tiện học hành. Lên cấp cao hơn thì chuyển ra trung tâm xã Quảng Trực.
Sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở cho các hộ dân, huyện Tuy Đức cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Tiêu biểu như chương trình hỗ trợ giống mắc ca, hỗ trợ kỹ thuật để bà con trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su… Nhiều hộ dân dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, gắn bó với vùng đất xa xôi nhất nhì của tỉnh Đắk Nông và cũng là miền biên cương tổ quốc.
Khan hiếm nguồn nước 
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại Bon Bu Prăng 2 ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng khô hạn kéo dài. Nguồn nước ngầm từ giếng khoan tại công trình cấp nước tập trung của bon cũng sụt giảm nhanh chóng. Thêm nữa, do cấu tạo địa chất, nhiều giếng khoan tại đây chỉ sử dụng được vài năm là phải bỏ hoang (đáy giếng bị sụt lún, không bơm được nước).
 
Công trình cấp nước tập trung bon Bu Prăng 2 thường xuyên hết nước vào mùa khô. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN
“Trước đây, công trình cấp nước tập trung đã bơm đủ nước cho người dân sử dụng quanh năm. Nhưng mấy năm gần đây, cứ tới mùa khô là giếng hết nước. Do đó, chúng tôi phải sử dụng giải pháp tình thế là bơm nước suối lên xử lý để cấp cho người dân. Nhưng giải pháp này cũng không ổn, cái chính là do nguồn nước không đảm bảo an toàn, thêm nữa là vào cao điểm khô hạn, nguồn nước suối cũng cạn kiệt” – Trưởng bon Bùi Minh Hải lý giải.
Chị Thị Huê, một người dân M’Nông tại đây cho biết nước sinh hoạt là vấn đề rất khó khăn đối với đồng bào. Mỗi năm cứ tới mùa khô là nỗi lo này lại trở thành thường trực. Nhiều hộ phải đi xách từng can nước dưới ao, dưới suối lên để nấu nướng, sinh hoạt, tắm giặt. Nước sinh hoạt còn không đủ thì nói gì tới tưới cho cây trồng. Bà con mong mỏi Nhà nước hỗ trợ, bằng “cách nào đó” để người dân có đủ nước sử dụng vào mùa khô.
Theo Trưởng bon Bùi Minh Hải cho biết, xung quanh bon Bu Prăng chưa có hồ đập nào đủ lớn để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng vào mùa nắng. Bà con M’Nông tại đây trồng các loại cây công nghiệp chủ yếu dựa vào nước mưa nên năng suất thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hiện số hộ thuộc diện nghèo chiếm hơn 70% tổng số hộ của bon.   
 
Người dân trồng các loại cây công nghiệp chủ yếu nhờ vào nước trời. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN
Ông Điểu Long, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực chia sẻ, việc tìm nguồn nước cho bà con là vấn đề làm “đau đầu” chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng nhiều năm nay. Vấn đề này ngày càng bức thiết do thời tiết có xu hướng diễn biến bất thường, mùa khô hạn ngày càng kéo dài. Sinh ra trong một gia đình M’Nông nhiều đời gắn bó với vùng đất này, Bí thư Điểu Long cho rằng việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt để người dân sử dụng, cũng như nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng là điều kiện thiết yếu để đồng bào gắn bó, an cư lạc nghiệp tại đây.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức khẳng định, hai Bon: Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh. Để bà con ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với vùng đất này, bên cạnh cơ sở hạ tầng, cần phải có các giải pháp thích hợp để bà con làm ăn kinh tế, phát triển sản xuất.
Vấn đề bức thiết nhất phải giải quyết là nguồn nước để sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Huyện ủy, UBND huyện Tuy Đức cũng đã kiến nghị các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông sớm hỗ trợ xây dựng 2 đập thủy lợi tại đây để bà con ổn định sản xuất, cuộc sống.
Hưng Thịnh-Ngọc Minh (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm