(GLO)- Bằng sự cần mẫn, khéo léo, những người thợ đan lát ở làng Ngơm Thung (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) đã “thổi hồn” vào những cây lồ ô để tạo ra những sản phẩm giản dị nhưng đầy tính tiện ích, gắn với cuộc sống thường nhật của bà con. Chính những người thợ tài năng này đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai nơi này.
Người dân làng Ngơm Thung thường tập trung lại với nhau, vừa trò chuyện vừa đan gùi. Ảnh: Thủy Bình |
Theo chia sẻ của các vị già làng thì nghề đan lát ở làng Ngơm Thung đã có từ rất lâu đời. Ngày xưa, dù không có quy ước bắt buộc nhưng đàn ông Jrai thì phải biết đan lát, công việc này chứng tỏ sự trưởng thành của họ. Người nào đan được những chiếc gùi đẹp, bền thì sẽ được mọi người yêu mến và dễ lấy vợ. Vì thế, những thanh niên Jrai đã biết cách cầm con dao, đan cái gùi từ lúc mới 10-15 tuổi.
Gùi ở Ngơm Thung được chia thành nhiều loại, tùy vào mục đích sử dụng mà có kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên, mỗi cái gùi đều có cấu tạo 3 phần chính là đế, thân và dây đeo. Để làm ra được một chiếc gùi đẹp và bền, nghệ nhân phải vào rừng chọn lựa những cây lồ ô đủ tuổi để có đủ độ dẻo, đem về phơi nắng hay gác bếp để tạo độ bền và bóng. Công đoạn chẻ lạt cũng quan trọng không kém, nghệ nhân phải chẻ lạt sao cho thật đều, vót thật mỏng và nhẵn để khi đan có được độ kín, không bị hở, công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, óc thẩm mỹ và kinh nghiệm lâu năm của người đan. Nếu thực hiện đúng các công đoạn trên thì chiếc gùi sẽ rất bền và khó hỏng. Đối với người Jrai, chiếc gùi không chỉ là đồ đựng mà còn là đồ trang trí, thể hiện sự khéo léo và tài năng của người đan. Vì thế, thân gùi được trang trí những hoa văn cầu kỳ, phản ánh những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, những chi tiết trang trí thường là hình ảnh nhà rông, đồng ruộng, núi rừng… thể hiện sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên. Phần đế gùi được làm từ cây gỗ dẻo, có thể uốn vuông góc và thường cao khoảng 10 cm, với mục đích giữ thăng bằng, tuy nhiên, phần đế phải đủ nhẹ để đảm bảo sự di chuyển được dễ dàng.
Ông Baih có thể đan được những loại gùi 2 lớp độc đáo. Ảnh: T.B |
Kích cỡ và hoa văn của chiếc gùi tùy thuộc vào yêu cầu của người đặt mua, mỗi chiếc có giá bán từ 150.000 đồng đến 800.000 đồng. Ngoài loại gùi thông thường, những người thợ ở làng Ngơm Thung còn đan được những chiếc gùi hai lớp rất độc đáo, lớp trong giống như những chiếc gùi bình thường còn lớp ngoài được trang trí tỉ mỉ, độc đáo hơn; mặt hàng này vì đòi hỏi có tay nghề cao nên chỉ một số nghệ nhân có kinh nghiệm trong làng mới làm được. Học đan gùi từ khi lên 10 tuổi nên ông Baih (70 tuổi) có thể đan rất nhiều loại gùi với các mẫu khác nhau, ông chia sẻ: “Một chiếc gùi bình thường, mình làm trong vòng 2 ngày là xong. Gùi hai lớp thì khó hơn, phải đến 5 ngày mới xong. Vì thế mỗi chiếc gùi loại này có giá khoảng 1 triệu đồng, khá đắt nên rất ít người đặt mua. Mình chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách, thường thì mỗi tháng chỉ làm được 3-4 chiếc gùi như thế”.
Chính sự cần cù, khéo léo trong từng công đoạn mà người dân làng Ngơm Thung đã tạo nên “thương hiệu” gùi của riêng mình. Phát triển làng nghề truyền thống là mong muốn của người làng Ngơm Thung, tuy nhiên, để duy trì làng nghề thì vẫn còn nhiều trăn trở. “Vật liệu đan gùi ngày càng khan hiếm, khoảng 2 tuần, tôi cùng một vài người trong làng tìm vào khu vực núi Đak Sơ Mei, Nam Yang để tìm vật liệu, một chuyến đi như vậy thường mất vài ngày. Phải chọn lồ ô phù hợp, nếu chặt hết những cây non thì dần dần sẽ không còn vật liệu để đan nữa. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã quen với công việc này rồi, một ngày không cầm sợi lạt để đan gùi thì khó chịu trong người lắm”-ông Baih cho hay.
Trao đổi với P.V, anh Lê Văn Bài-cán bộ văn hóa xã Ia Pết cho biết: “Làng nghề đan lát ở Ngơm Thung hiện tại đang mang tính tự phát, sản xuất đơn lẻ, thị trường tiêu thụ tự do. Xác định, đan lát là nghề mang lại thu nhập cao cho người dân làng Ngơm Thung, phát triển làng nghề là hướng đi đúng đắn để giúp làng xóa đói giảm nghèo. Vì thế, xã đang triển khai xây dựng nhà dài để thành lập hợp tác xã đan lát, việc tập trung sẽ giúp bà con có sự đầu tư hơn về chất lượng và mẫu mã, sản phẩm đầu ra sẽ thu hút được thị trường hơn, tăng thu nhập, giúp bà con ổn định cuộc sống”.
Thủy Bình