Gỗ được trục vớt dưới ruộng, đấu giá 3 lần không ai mua

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sau 3 lần mang ra đấu giá, cơ quan chức năng vẫn chưa thể bán được 4,3m3 gỗ được trục vớt dưới ruộng của một hộ gia đình tại huyện Sa Thầy (Kon Tum).

Ngày 12/10, Phòng Tài chính huyện Sa Thầy cho biết, đang chuẩn bị tổ chức đấu giá lần 4 số gỗ đào dưới ruộng với giá 20 triệu đồng.

Phòng Tài chính huyện Sa Thầy đã tổ chức 3 lần đấu giá 4,3m3 gỗ nhưng không ai mua
Phòng Tài chính huyện Sa Thầy đã tổ chức 3 lần đấu giá 4,3m3 gỗ nhưng không ai mua

Cụ thể, sau khi cơ quan này nhận bàn giao từ Công an huyện Sa Thầy, đã tổ chức 3 lần đầu giá với giá khởi điểm 50 triệu đồng nhưng không có người tham gia. Dự kiến trong ngày 17/10 tới, đơn vị sẽ tổ chức đấu giá lần thứ 4.

Số gỗ đào dưới ruộng khoảng 4,3m3 gỗ, chủng loại phay, thuộc nhóm 6, tình trạng gỗ cũ và 6 tấm bìa gỗ đã mục nát. Tất cả số gỗ này đều có nguồn gốc là tài sản bị vùi lấp được tìm thấy.

Trước đó vào ngày 23/3/2022, khi đang cải tạo ruộng cho gia đình ông A Khái (trú thôn Sơn An, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy), ông Lê Quang Nam (trú thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) phát hiện một cây gỗ nằm sâu dưới lớp bùn khoảng 6m. Ông Khái thỏa thuận sử dụng cây gỗ thay thế cho tiền công cải tạo ruộng đất của ông Nam. Vì không am hiểu về luật, ông Nam tự ý đào cây gỗ lên.

Dự kiến ngày 17/10, số gỗ này được bán với giá 20 triệu đồng
Dự kiến ngày 17/10, số gỗ này được bán với giá 20 triệu đồng

Trong quá trình trục vớt cây gỗ, Công an huyện Sa Thầy đã phát hiện và đến kiểm tra. Tuy nhiên vì thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến việc kiểm tra, xác minh, nên lực lượng chức năng đề nghị ông Nam giữ nguyên hiện trường đợi ngừng mưa để tiếp tục xử lý.

Sau đó, ông Nam viết đơn gửi UBND xã Sa Sơn xin được trục vớt, tận dụng cây gỗ trên. UBND xã đã kiểm tra, xác minh và đồng ý cho phép ông Nam trục vớt nhưng không cho phép mua bán, trao đổi.

Do không thấy cơ quan chức năng xử lý, ông Nam đưa số gỗ trên đến một xưởng gỗ để gia công. Trên đường vận chuyển gỗ, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản và tạm giữ số gỗ. Tháng 7/2022, Công an huyện Sa Thầy đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nam về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.

Tình trạng của số gỗ đã bị mục nát, hư hại
Tình trạng của số gỗ đã bị mục nát, hư hại

Điều đáng nói, Công an huyện Sa Thầy ra quyết định này khi chưa thực hiện xác lập quyền sở hữu đối với số gỗ ông Nam đã trục vớt.

Tháng 6/2023, UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với số gỗ ông Nam tìm thấy, trục vớt. Sau đó, Công an huyện Sa Thầy đã bàn giao toàn bộ số gỗ cho Phòng Tài chính huyện để bảo quản, tổ chức bán đấu giá theo quy định.

Theo Phòng Tài chính huyện Sa Thầy, vì số gỗ trên ngâm dưới bùn lâu ngày, cộng với thời tiết mưa nhiều tại Kon Tum nên phần lớn đã bị mục. Đồng thời, gỗ thuộc chủng loại phay, ít có giá trị nên việc bán đấu giá cực kỳ khó khăn. Tất cả số tiền bán đấu giá sẽ được chuyển vào ngân sách Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Nam cho biết, đã bỏ ra 90 triệu đồng để trục vớt gỗ. Nhưng sau 2 năm bị cơ quan chức năng thu giữ gỗ, gia đình ông vẫn chưa nhận được hỗ trợ chi phí đã bỏ ra để đào cây gỗ dưới ruộng.

Theo Nguyên Lê (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.