"Giữa lòng chóp núi có gương soi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xin mượn câu thơ như một tiếng reo vui ngỡ ngàng của nhà thơ Xuân Diệu khi đứng trước hồ thủy lợi Đak Ui (nay thuộc xã Đak Ngọc, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) làm nhan đề bài viết.
Ban đầu, hồ thủy lợi Đak Ui hình thành xuất phát từ nhu cầu sản xuất nông-lâm nghiệp vào thời điểm cả nước thiếu đói trầm trọng sau cuộc chiến tranh kéo dài. Nhưng đến hôm nay nó đã vượt lên trên ý nghĩa ấy, trở thành một cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú, một hệ điều hòa sinh thái quan trọng. Và quanh Đak Ui đang dần hình thành một miền văn hóa đa sắc tộc khá độc đáo.
Ngược dòng hơn 40 năm trước, khi đất nước vừa dứt chiến tranh, việc thực hiện công trình thủy lợi Đak Ui đã từng là một sự kiện chính trị-xã hội to lớn, không những của riêng tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) lúc bấy giờ mà còn là của cả khu vực Tây Nguyên, được Trung ương và các cấp, ngành quan tâm đặc biệt.
 Đánh bắt cá trên hồ Đak Ui. Ảnh: internet
Đánh bắt cá trên hồ Đak Ui. Ảnh: internet
Với nhu cầu cấp thiết lúc bấy giờ, Quân khu 5 và tỉnh Gia Lai-Kon Tum cử ông Trần Kiên-Tư lệnh kiêm Chính ủy Binh đoàn 773 (tiền thân Đoàn 331), sau này là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum-trực tiếp chỉ huy việc khảo sát, phóng tuyến, thiết kế và thi công công trình thủy lợi này. Năm 1978, con đập ngăn dòng Đak Ui hoàn thành. Đại tướng Chu Huy Mân (khi ấy là Trung tướng)-Tư lệnh Quân khu 5 về cắt băng khánh thành, đặt tên là “Đập Mùa Xuân”, mở ra một “mùa xuân” trong sản xuất nông-lâm nghiệp cho một vùng núi rừng còn hoang vu, hoang hóa.
Để thấy lại tầm quan trọng của công trình thủy lợi này, xin dẫn chứng cứ liệu lịch sử từ cuốn Kỷ yếu Đoàn 331 (lược trích): “Đúng ngày 30-4-1977, hạng mục quan trọng nhất là đập chính Đak Ui đã hoàn thành (…). Sau khi vừa hoàn tất công trình đập chính, vinh dự lớn của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5, Đoàn 331 và đồng bào các dân tộc là đã đón Tổng Bí thư Lê Duẩn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Chu Huy Mân và nhiều tướng lĩnh cấp cao của Bộ Quốc phòng đến thăm và động viên khích lệ”.
Riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có 2 lần đến tận nơi thị sát và chỉ đạo, đôn đốc công trình, đó là vào năm 1976 và 1977. Kỷ yếu Đoàn 331 viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui mừng khen ngợi: “Chỉ có 8 tháng sau ngày giải phóng mà Binh đoàn 773, Đoàn 331 đã xây dựng được một trung đoàn làm thủy lợi khá mạnh (…). Đó là một thắng lợi quan trọng, không những ở đây, mà cả Tây Nguyên nữa đấy nhé!”. Riêng lần thăm năm 1977 có cả phu nhân Đại tướng là bà Đặng Bích Hà và người con trai út là anh Võ Hồng Nam đi cùng. Đại tướng ở lại công trình từ trưa đến chiều. Báo Quân đội nhân dân khi ấy còn cho biết, thư ký riêng của Đại tướng kể rằng lúc về lại Khu 5, khi trực thăng bay ngang qua đập Đak Ui, Đại tướng đề nghị hạ độ cao để ông nhìn lại con đập và hồ nước thêm lần nữa!
Công trình thủy lợi mở ra một vùng kinh tế mới mỡ màng, là nơi tụ hội bà con bốn phương rủ nhau về đây định canh định cư, lập nên những thôn xóm yên lành, an cư lạc nghiệp. Từ đấy, hồ Đak Ui-Đập Mùa Xuân còn trở thành điểm tham quan du lịch khó bỏ qua của nhiều du khách khi đặt chân đến vùng đất này.
Khó bỏ qua là vì nó đẹp! Đẹp với cảnh quan hồ nước như chiếc gương soi long lanh giữa núi ngàn xanh thẳm, và đẹp khi thi ca cất lời ngợi ca bằng những vần thơ tuyệt bút! Có thể kể từ bài thơ “Hồ Đak Ui” của nhà thơ lớn Xuân Diệu: “Hồ Đak Ui xuống tự trên trời/Giữa lòng chóp núi có gương soi/Mây bay trên-dưới, mây không lẻ/Trăng rọi xa-gần, trăng có đôi...”. 
Nhà thơ Xuân Hoàng ngang qua đây cũng ngỡ ngàng trước một “thắng cảnh mới” trên đất Tây Nguyên, cứ ngỡ như là một “huyền thoại” bên cạnh huyền thoại hồ Tơ Nưng (Biển Hồ) ở Pleiku: “Con suối Đak Ui quên mất lối đi rồi/Nó đã hóa thành cái hồ trên núi/Cái hồ rộng bằng Biển Hồ phía dưới/Biển Hồ do thần núi sinh ra…/Riêng cái hồ này buôn làng chứng kiến/Hồ của Nguồn Tin/Bộ đội Bok Hồ làm ra đó thôi…/Con suối Đak Ui, mày hết đường rong chơi/Mày rộng thế tha hồ mà tưới ruộng…/Công bộ đội Bok Hồ to lắm, buôn làng ơi!...”.
Trên 40 năm qua, nhờ nguồn nước này mà màu xanh ruộng nương, vườn tược đã xóa hết cảnh xưa, để lộ ra một miền quê trù phú thanh bình... Miền quê ấy, ngày nay khiến du khách được “no mắt” với hồ nước mênh mang hòa vào không gian thoáng đãng của những vườn ruộng rẫy nương, điệp vào màu xanh ngút ngát của núi rừng vây quanh như một vùng sinh thái. Và, không chỉ có thế, khách ghé thăm còn có thể bất ngờ nghe một điệu chèo cất lên đâu đấy của đội văn nghệ thôn có gốc gác từ quê lúa Thái Bình. Nếu đến đây vào dịp cuối năm, ta sẽ gặp mùa “ăn năm uống tháng” Ning nơng (ăn mừng lúa mới) với chiêng xoang rộn rã của bà con Xê Đăng bản địa. Nếu là dịp đầu xuân thì là lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) với đàn tính hát then Tày-Nùng mang theo từ Cao Bằng, Bắc Kạn…
Thế cho nên, nói hồ Đak Ui-Đập Mùa Xuân hôm nay đã vượt ra ngoài tầm ý nghĩa chính trị-kinh tế-xã hội ban đầu để trở thành một thắng cảnh, một nét văn hóa mới giữa miền Tây Nguyên 2 mùa mưa nắng là vì những điều như vậy.
Đến đây, bạn cũng sẽ phải reo lên: “Đẹp! Úi chu cha, hồ Đak Ui”! như nhà thơ Xuân Diệu từng bật thốt trong bài thơ kể trên.
TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm