"Giữ lửa" gia đình Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 28-6 là Ngày Gia đình Việt Nam. Cách đây 16 năm, ngày 23-4-2001, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định số 72 lấy ngay 28-6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu: Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Ngày Gia đình Việt Nam là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ; các cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Những năm qua, xã hội ngày càng quan tâm đến Ngày Gia đình Việt Nam. Đã có nhiều hoạt động diễn ra nhằm khơi dậy sự quan tâm của mọi người về mái ấm gia đình.

Gia đình là một tế bào của xã hội. Thời phong kiến, xã hội đề cao 4 đức tính của  người quân tử: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (“Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng Tử nghĩa là: Lĩnh hội được cái nguyên lý của sự vật, hiểu một cách đúng đắn, ý nghĩ thành thật, tâm tư ngay thẳng, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, chỉnh đốn gia đình gia tộc, lãnh đạo tốt nước mình bang mình, chinh phục thiên hạ). Tề gia trở thành một trong 4 đức quan trọng mà con người muốn làm được việc lớn phải trải qua.

Trong xã hội phong kiến Việt Nam, đại bộ phận người dân sống trong làng, xã nông nghiệp, tam đại đồng đường, tứ đại, ngũ đại đồng đường, một mái nhà nhiều thế hệ có một số bất tiện trong sinh hoạt cá nhân nhưng khá thuận lợi trong giáo dục, dạy dỗ con cháu. Tôn ti, trật tự gia đình duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác. Con giữ lễ với cha mẹ, cháu lễ phép với ông bà. Ra xã hội, người nhỏ biết lắng nghe và tôn trọng người lớn; cấp dưới chấp hành và tôn trọng cấp trên.

Xã hội phong kiến còn một sự khác biệt, đó là lao động suốt đời, lao động cho đến lúc chết, không nghỉ hưu, cho nên, ông bà, cha mẹ còn sức khỏe, còn làm được việc thì lao động nuôi sống mình và hỗ trợ con cháu. Không tính tuổi ra làm quan; lớn nhỏ, già trẻ miễn thi đậu cấp nào làm quan cấp đó. Nếu không bị kỷ luật thì làm quan cho đến chết mới thôi.

Từ khi văn hóa phương Tây tràn vào Việt Nam, gia đình Việt, xã hội Việt hòa nhập với thế giới, lao động của con người theo thời gian, độ tuổi. Con người  càng được đề cao tự do bản thân, gia đình ngày càng hướng ngoại. Tam đại đồng đường đang ít dần. Những người già càng trở nên rảnh rỗi và cô đơn. Bây giờ, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nghỉ hưu, mấy chục năm nghỉ hưu nhàn nhã quá, không con cháu sống cùng, lãng phí sức lao động xã hội, đôi lúc đâm ra tệ nạn xã hội.

Ngay cả những người còn trong độ tuổi lao động, do bận công việc nên thời gian dành cho gia đình ngày càng ít. Vợ chồng chỉ gặp mặt nhau lúc đi ngủ, suốt ngày việc ai nấy làm, có khi ăn trưa ăn tối ở công sở. Con cái học hết trên lớp về lo học cua, học kèm. Từng thành viên trong gia đình, rảnh ra là cầm điện thoại, iPad lướt web, xem face. Quan tâm chém gió vô số chuyện trên trời, dưới biển với người đẩu đâu, trong khi những chuyện cần nói với nhau, những thành viên trong gia đình, để gia tăng sự thông hiểu, chia sẻ tình cảm, tạo dựng niềm tin yêu chồng vợ, cha con bị sao nhãng, lãng quên.

Khoa học công nghệ phát triển hỗ trợ cho con người rất nhiều, song đồng thời cũng tác động mạnh mẽ đến sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Xã hội đang dần xuất hiện ngày càng nhiều gia đình 1 thế hệ (các cặp vợ chồng không có con cái hoặc có con thì chủ yếu gửi ở nhà trẻ, thi thoảng mới mang về) gia đình 1 thành viên (đơn thân, không có vợ, có chồng). Sự tự do cá nhân phát triển thái quá khiến con người sống ích kỷ, vô trách nhiệm với gia đình, dòng họ, tổ tiên. Con người ngày càng cô đơn giữa một biển người!

Ngày Gia đình Việt Nam vì thế là chỉ dấu quan trọng kêu gọi mọi người trở lại với tổ ấm yêu thương trân quý nhất; cũng chính là nơi để ta tìm thấy sự bình yên, che chở và an ủi khi gặp nỗi buồn, những thất bại trong cuộc sống. Đó cũng là nơi cho ta niềm tin, động lực và sức mạnh để vươn lên, biến những ước mơ, hoài bão thành hiện thực. Hạnh phúc gia đình là tiền đề xây dựng xã hội hạnh phúc.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.