(GLO)- Vì đường sá trắc trở, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, xã Ayun (huyện Chư Sê) vẫn là một trong những xã nghèo nhất tỉnh với gần tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 84%.
Cái nghèo bủa vây
Giữa cái nắng như nung người, làng Hrung Hrang 1 (xã Ayun) vắng tanh, chỉ có vài em bé chơi đùa dưới bóng cây. Những em lớn hơn thì đã lên rẫy phụ giúp bố mẹ nhặt phân bò. Làng chỉ còn những người già yếu không đi đâu được đành lặng lẽ ngồi tựa bậu cửa nhìn ra khoảng trời nắng cháy. Buổi trưa, khi những người lớn đi làm về, chúng tôi ghé vào căn nhà sàn rộng chừng 18 m2 của gia đình anh Ksor Alơ (40 tuổi) ở đầu làng. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài vài chiếc xoong nhôm. Anh Alơ tâm sự: “Nhà mình chỉ trồng được một vụ lúa Đông Xuân, vụ còn lại không trồng được vì hạn. Một năm 2 sào lúa thu được 10 bao, ăn hết rồi đi vay nợ quán. Hàng ngày, cả nhà 4 người đều phải đi bắt cá, nhặt phân bò, đi làm thuê kiếm tiền”.
Đời sống của bà con Jrai ở Ayun còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: V.N |
Rời nhà anh Lơ, chúng tôi ghé sang căn nhà dột nát của gia đình chị Siu H’Loh (38 tuổi) ở làng Hrung Hrang 2. Chị H’Loh đang cho đứa con út bú, 2 đứa lớn chừng 4-5 tuổi thì giành nhau gói mì tôm. “Nhà mình hết gạo miết. Nhà trồng có 1 sào lúa thôi. Chồng mình đi làm thuê cho người ta, hôm nay không có việc nên đi nhậu rồi. Mình thường ngày cũng đi nhặt phân bò, 2 ngày nhặt được một bao, bán lại cho người ta được 40 ngàn đồng. Nhưng hôm nay đứa nhỏ bị ốm nên phải ở nhà với nó”-chị H’Loh chỉ vào đứa con út giọng buồn rầu.
Giấc mơ thoát nghèo
Gia đình chị Nguyễn Thị Dung có một quán tạp hóa ở làng Tung Ke 1. Buổi trưa vắng khách, chủ nhà uể oải dọn lại mấy thứ hàng hóa. Chị kể: “Chỉ có chút vốn làm ăn mà bà con còn mua nợ từ đầu năm đến cuối năm mới trả. Thôi thì ai cũng nghèo nên đành cho họ khất, đến mùa vụ thì họ trả dần. Người dân ở đây còn nghèo lắm mà đất đai thì bạc màu, khí hậu khắc nghiệt nên bà con chủ yếu đi nhặt phân bò để bán và đi làm thuê”.
Theo ông Phạm Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã, Ayun là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê. Toàn xã có 831 hộ với khoảng 3.700 khẩu thì có đến 83,4% là hộ nghèo. Trong đó, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo. Cũng theo ông Thanh, địa hình trắc trở không chỉ khiến kinh tế của xã khó khăn mà việc học hành của con em các buôn làng cũng lắm gian nan. Từ sau giải phóng đến nay, toàn xã chỉ có 4 người tốt nghiệp THPT và 1 trường hợp đậu đại học chính quy. Ông Thanh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ học sinh của xã đậu tốt nghiệp quá thấp là do trường THPT ở xa nên các em có tâm lý ngại đi học. Bên cạnh đó, ý thức về vấn đề học tập của gia đình và học sinh chưa cao, đa phần các em nghỉ học từ khá sớm để kiếm tiền phụ giúp gia đình hoặc lập gia đình khi chưa đủ tuổi kết hôn.
Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê và lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã quan tâm xây dựng nhiều chương trình dự án, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho xã Ayun. Vừa qua, tin vui đã đến với bà con xã Ayun khi UBND huyện Chư Sê lập đề án “Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 2 xã Ayun và Hbông giai đoạn 2017-2020” với tổng vốn đầu tư hơn 479,3 tỷ đồng. Ông Phạm Ngọc Thanh cho hay, người dân sẽ hưởng lợi rất lớn từ đề án này khi công trình hệ thống kênh dẫn nước hồ Plei Keo đi vào hoạt động, diện tích lúa nước 2 vụ sẽ được giữ vững và mở rộng, cơ cấu cây trồng sẽ được chuyển đổi. Ngoài ra, đề án bám sát vào tình hình và nhu cầu thực tế của nhân dân, tiềm năng thủy sản từ hồ Ayun Hạ sẽ được khai thác hiệu quả hơn. Trước mắt, từ nay đến năm 2020, mỗi năm ngân sách huyện sẽ đầu tư 5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển mọi mặt đời sống của người dân trong xã. Mục tiêu của xã là đến năm 2020 bình quân thu nhập đầu người sẽ là 21 triệu đồng/năm.
Lê Văn Ngọc