Giá xe ô tô ở mức cao, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Lào, Campuchia, Myanmar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài các đối thủ lâu năm như Thái Lan, Indonesia, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực như Myanmar, Lào, và Campuchia.



Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực công thương. Trong báo cáo, Bộ Công Thương đã mô tả bức tranh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với sự phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây, nhưng cũng đối diện với không ít thách thức

Theo Bộ Công Thương, trong 2 năm trở lại đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh, minh chứng là một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ...

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2017 đạt 258.733 xe, năm 2018 đạt 258.116 xe và 6 tháng đầu năm 2019 đạt con số 131.089 xe.


 

Ngành công nghiệp ô tô sẽ Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh từ các nước như Lào, Campuchia (ảnh minh họa)- ảnh: Minh Chiến
Ngành công nghiệp ô tô sẽ Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh từ các nước như Lào, Campuchia (ảnh minh họa)- ảnh: Minh Chiến



Một trong những gam màu sáng của ngành công nghiệp ô tô là hiện nay trong nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. Trong đó có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước.

Một số DN nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa. Cụ thể, xe tải nhỏ đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hóa trung bình 50%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 50% vượt chỉ tiêu so với quy hoạch. Ngành công nghiệp ô tô đóng góp cho ngân sách hàng tỉ USD mỗi năm và tạo ra việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Đáng nói, chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các DN trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện và chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận giá bán xe trong nước vẫn ở mức cao so với trong khu vực. Trong khi đó, chất lượng xe sản xuất, lắp ráp của Việt Nam chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu, dù đã được cải thiện.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là ô tô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia). Trong vòng 7-10 năm tới là các sản phẩm ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA.

"Dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỉ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô nội địa và cán cân thương mại"- Bộ Công Thương nhận định.

Bên cạnh đó, cơ hội thu hút các hãng ô tô đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới.

Ngoài các đối thủ lâu năm như Thái Lan, Indonesia, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực như Myanmar, Lào, và Campuchia.

 



Chưa đạt mục tiêu về tỉ lệ nội địa hóa

Theo Bộ Công Thương, mục tiêu đề ra về tỉ lệ nội địa hóa với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu.

Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỉ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.

Hiện nay, tỉ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%. Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi AFTA có hiệu lực.




Minh Chiến (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

(GLO)- Trung tuần tháng 1-2025, VinFast đã bổ sung một mẫu xe điện hai bánh mới là Motio. Sự xuất hiện của Motio đã khuấy động phân khúc xe máy điện cho học sinh, sinh viên. Với thiết kế nổi bật, nhiều trang bị hữu ích, mức giá tốt, mẫu xe này hứa hẹn dễ dàng chinh phục nhóm khách hàng trẻ tuổi.