(GLO)- Trước tình hình thời tiết biến đổi thất thường, dự báo hạn hán trong vụ Đông Xuân 2016-2017 sẽ tiếp tục xảy ra và gây ra thiệt hại về kinh tế cho nông dân. Để tránh hạn, các địa phương của tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ đầu vụ.
Người dân làm đất chuẩn bị cho vụ Đông Xuân. Ảnh: L.N |
Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ mùa 2016 để chuẩn bị cho sản xuất Đông Xuân. Theo đó, tại vùng phía Tây tỉnh, nơi nào chủ động được nguồn nước tưới thì tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ ngày 1-12-2016 đến 20-12-2016; nơi nào cân đối nguồn nước có nguy cơ thiếu vào cuối vụ thì xuống giống phù hợp với lượng nước trong hồ đập và khuyến cáo sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn lúa đại trà trước 1-12-2016. Đối với vùng phía Đông và Đông Nam tỉnh, tập trung gieo sạ từ ngày 10-12-2016 đến 30-12-2016; trà muộn chậm nhất đến ngày 10-1-2017. |
Tại huyện Ia Grai, theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2016-2017, toàn huyện sẽ gieo trồng 1.560 ha (giảm hơn 300 ha so với vụ Đông Xuân 2015-2016). Trong đó có 1.340 ha lúa (giảm 310 ha so với kế hoạch tỉnh giao), 20 ha bắp, 200 ha rau các loại.
Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: Vụ Đông Xuân năm nay, nếu xã nào để nhân dân gieo trồng trên các cánh đồng thường xuyên bị hạn mà không triển khai công tác tuyên truyền, vận động, không rà soát các cánh đồng thì Chủ tịch UBND xã, thủ trưởng các cơ quan được giao phụ trách xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện. Chúng tôi đã tổ chức rà soát, thống kê những vùng có khả năng bị hạn, bị thiệt hại do hạn trong 2 vụ Đông Xuân liên tiếp để tuyên truyền, vận động người dân không gieo trồng trong vụ Đông Xuân này. Đồng thời, vận động nhân dân thu hoạch vụ mùa nhanh gọn, tranh thủ làm đất ngay và đẩy thời vụ xuống giống sớm hơn trên những chân ruộng thiếu nước tưới ở cuối vụ. Một số diện tích xảy ra thiếu nước ở cuối vụ thì thực hiện quy trình “1 phải, 5 giảm”: phải sử dụng giống xác nhận; giảm giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Còn tại huyện Chư Pưh, ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm và dự báo vụ Đông Xuân tới sẽ tiếp tục thiếu nước nghiêm trọng nên huyện đã chủ động giao kế hoạch gieo trồng cho các địa phương giảm xuống khoảng 30% và dự kiến chuyển đổi khoảng 70 ha tại các vùng thường xuyên bị hạn sang trồng bắp lấy thân để tránh hạn.
Bên cạnh đó, các địa phương tập trung duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy và tận dụng mọi nguồn nước nhằm đáp ứng nhu cầu cho cây lúa và các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao; tăng cường công tác quản lý, vận hành phù hợp để quản lý chặt chẽ nguồn nước, sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, hiệu quả, quản lý lịch tưới cho từng cánh đồng một cách hợp lý, tránh sự tranh giành nguồn nước tưới giữa cây trồng ngắn ngày và dài ngày.
Ngoài ra, các địa phương cần triển khai đánh giá khả năng nguồn nước tưới của các công trình thủy lợi trên địa bàn để có kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân sát với tình hình thực tế; bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước.
Lê Nam