(GLO)- Nghị quyết Đại hội VI của Đảng chỉ rõ, phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Theo đó, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, phát triển theo quy luật kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Gia Lai từng bước chuyển mình…
Từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Biết lý do tìm gặp của chúng tôi, ông Nguyễn Duy Khanh-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy rất vui mừng. Cẩn thận hẹn lui lại một ngày để ghi lại những gì cần nhắc nhớ, ông Khanh đã dành cho chúng tôi những phút giây đáng trân quý ngay tại căn nhà nhỏ trên đường Lê Hồng Phong (TP. Pleiku), cùng chúng tôi thêm một lần hoài ôn chuyện cũ-chuyện về đất và người Gia Lai những ngày đầu đổi mới.
Ông Nguyễn Duy Khanh-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh: P.L |
Ông Khanh kể: Trong những năm đầu đổi mới, Đảng bộ Gia Lai tập trung quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (1986). Tiến hành thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước đóng vai trò 51%, tư nhân chiếm 49% và trực tiếp trả lương cho công nhân. Thực hiện tinh thần tự chủ trong sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường nhưng dưới sự quản lý của Nhà nước. Các chợ trong khu dân cư được mở rộng, điều kiện giao thương hàng hóa phát triển nhưng vẫn còn hiện tượng hàng đổi hàng, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều trường học, bệnh viện được mở để phục vụ nhu cầu học tập và khám-chữa bệnh của nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương khai hoang, làm thủy lợi, góp phần định canh định cư; trong các khu định cư, triển khai xây dựng nếp sống mới, nếp sống văn hóa, làm đường giao thông nông thôn theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Lời ông Khanh kể khiến chúng tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu về huyện Chư Pah (nay tách ra thành Chư Pah và Ia Grai) những ngày đầu đổi mới khi mảnh đất vùng biên này đã thực hiện thành công quy hoạch cánh đồng Ia Hrung, khai hoang làm thủy lợi, tạo nguồn lương thực trong dân. Ông Phạm Đình Thu cho hay, những năm đầu đổi mới, phong trào làm lúa nước Đông Xuân ở địa phương phát triển mạnh, năng suất vượt trội; sau khoảng 10 năm đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực cho dân; không chỉ đủ ăn mà còn dự trữ được gạo bán cho Nhà nước. Bên cạnh đó, việc các nông trường trong quân đội như 705, 359, Ia Sao theo chủ trương của Bộ Quốc phòng đồng loạt triển khai trồng cà phê, thu hút số đông lao động là người địa phương; việc thực hiện chính sách đưa dân ở các tỉnh miền Bắc vào để làm nhân lực xây dựng các khu kinh tế mới… cũng đã tạo một diện mạo mới về phương diện kinh tế. Lúc này, người dân đã ổn định nơi ăn chốn ở, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế nên tình trạng du canh du cư theo đó cũng được đẩy lùi.
Cũng theo ông Thu, ngay từ những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ XX), dù còn rất nhiều gian khó nhưng huyện đã bắt đầu từng bước vươn lên khẳng định mình khi cơ bản ổn định, củng cố lòng tin của người dân; hoàn thành cơ bản công tác xóa đói, xóa mù chữ ; ổn định công tác định canh định cư. “Kể từ năm 1991 trở đi, huyện đi vào ổn định mọi mặt, hệ thống đường giao thông bắt đầu hình thành. Những khu dân cư kinh tế mới bước đầu ổn định và phát triển, đời sống người dân tại đây ngày một khá hơn. Tận mắt chứng kiến sự thay đổi này, người dân địa phương mới từng bước học làm theo để gầy dựng cuộc sống của gia đình mình. Đặc biệt, với việc là một trong những huyện đầu tiên làm thủy điện đã phục vụ đắc lực cho đời sống lao động sản xuất của người dân trên địa bàn. Kinh tế tăng trưởng theo từng năm, đóng góp cho thành tích này phải kể đến sự hoạt động tích cực của các nông trường đứng chân trên địa bàn”-ông Thu khẳng định.
Toàn cảnh tuyến năng lượng Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: K.N.B |
Vươn lên tầm cao mới
Theo ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, trong giai đoạn đổi mới đất nước, Gia Lai đã thực hiện tốt việc chuyển cơ cấu kinh tế từ nông-lâm-công nghiệp sang cơ cấu công nghiệp dịch vụ và nông-lâm nghiệp. Trong công nghiệp, coi trọng cây công nghiệp, tăng tốc độ sản xuất hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, hoàn thành định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp nhận dân kinh tế mới. Tăng cường kinh tế quốc doanh, phát triển kinh tế gia đình và các thành phần kinh tế khác, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, nâng cao mức sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến; tăng cường công tác quốc phòng-an ninh, giải quyết dứt điểm hoạt động của FULRO, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
Ông Ngô Thành nhớ lại: “Năm 1991, tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum; Gia Lai có diện tích trên 15.000 km2, dân số 693.720 người, có 16 đơn vị hành chính cấp huyện, 209 đơn vị hành chính cấp xã, có 11.316 đảng viên. Lúc này, tỉnh tập trung nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng nhằm đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới và kiện toàn đội ngũ cán bộ, các cơ quan lãnh đạo và quản lý, đổi mới phong cách làm việc, giữ vững nguyên tắc và tổ chức hoạt động; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức và đảng viên; đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực; tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong những năm đầu đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đồng lòng xây dựng Gia Lai từng bước phát triển về kinh tế, chuyển từ du canh du cư sang định canh định cư, từ sản xuất tự túc sang sản xuất hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo, xóa nạn mù chữ, phát triển cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm đến vùng sâu, vùng xa; căn bản giải quyết tổ chức và hoạt động FULRO, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nhấp thêm một ngụm trà, ông Thành chia sẻ cùng chúng tôi những lời tâm huyết: “Qua thực tiễn, chúng ta thấy: chiến thắng kẻ thù xâm lược đã khó, nhưng chiến thắng nghèo nàn lạc hậu cũng không dễ dàng, xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, công bằng văn minh lại càng khó hơn. Nhưng theo lời dạy của Bác “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, chúng ta học và làm theo lời Bác, biết phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thì nhất định sẽ xây dựng Gia Lai thành một tỉnh ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, giữ vững quốc phòng-an ninh, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”.
Tuệ Nguyên-Thủy Bình