Gia Lai: Lâm tặc lộng hành!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra hàng trăm vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó hành vi cất giấu, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật là cao nhất. Các địa bàn có số vụ vi phạm quy mô lớn như các huyện: Ia Grai, Đức Cơ, Chư Pah, Chư Prông và Krông Pa… Đặc biệt một số cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ vẫn tiếp tục bị triệt phá nặng nề và vận chuyển gỗ một cách công khai.
Gỗ rừng được chuyển về đêm
Nhận được “tiếng kêu cứu của rừng”, những ngày cuối tháng 11-2010 chúng tôi đã có mặt tại thôn 7 xã Ia Nhin, huyện Chư Pah- một trong những địa bàn được coi “nóng” nhất trong vùng thời gian gần đây về nạn khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Gặp chúng tôi, không giấu được bức xúc, anh Nguyễn Văn Khánh cho biết: “Đã gần 10 năm nay, tình trạng một bộ phận thanh niên trong vùng ngang nhiên vào những cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ triệt hạ những cây gỗ quý, rồi cưa xẻ tận gốc, theo kích cỡ từ 30 cm đến 35 cm, dài 3-4 mét, khi chiều đến và đặc biệt là đêm về, dùng xe máy độ chế để chở số gỗ này từ trong rừng đi qua làng để đem đi tiêu thụ”.
Những khúc gỗ lâm tặc cất giấu chỉ cách Trạm quản lý bảo vệ rừng 30 mét. Ảnh: L.Q.H
Những khúc gỗ lâm tặc cất giấu chỉ cách Trạm quản lý bảo vệ rừng 30 mét. Ảnh: L.Q.H
Anh Khánh chỉ tay về hướng cánh rừng Ia Nhin đầu nguồn, nơi mà cứ mỗi ngày một mất dần màu xanh của cây lá: “Những đỉnh núi bạc màu, nhiều rãnh nứt lộ ra, đất đá tụt xuống còn lại những thành ta luy dựng đứng, đất đỏ và đá tảng nhấp nhô. Chỉ cần một trận mưa nhỏ, thì không biết bao nhiêu khối đất đá kia sẽ tiếp tục tụt xuống, gây bao hậu quả khó lường. Chúng tôi đã báo cáo với chính quyền thôn, xã và cả với huyện, cũng có một đôi lần cán bộ đi xe về “rình bắt”, bọn chúng phát hiện nằm im bất động một hai ngày, khi cán bộ rút về thì gỗ rừng vẫn cứ chảy về sau…”.
Trên đường đến nhà anh Nguyễn Văn Hòa- Trưởng thôn 7, chúng tôi làm một phép tính đơn giản: Cứ một đêm trung bình 10 xe chở gỗ từ rừng về, một xe chở hai khúc là 20 khúc, tương đương từ 15 cây đến 20 cây rừng bị đốn hạ/ngày. Một năm 365 ngày thì có khoảng 7.300 cây rừng ngã xuống và 10 năm đi qua như thế này thì không biết bao nhiêu cây rừng đã bị triệt hạ, bao nhiêu đỉnh núi bị cạo trọc.
Cũng như tâm trạng bức xúc của bà con trong thôn, trong vùng, anh Hòa-Trưởng thôn 7, không giấu được nỗi buồn: Sự việc này không phải diễn ra ngày một ngày hai, mà đã tới gần 10 năm nay rồi. Mọi người trong làng từ cụ già chống gậy đến em bé mới vào lớp 1, ai cũng biết. Bà con dân làng báo cáo sự việc với chính quyền, chúng tôi họp dân thống nhất đêm về là “rào làng”. Các con đường từ rừng về được bà con đóng cọc, nhằm chặn đứng bọn phá rừng, bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn còn sót lại. Nhưng cứ chiều tối đóng cây rào làng, thì ngày mai cây, cọc, dây cũng bị mất, đường vẫn “thông thoáng” như không.
Cán bộ quản lý rừng bất lực…
Từ thôn 7, chúng tôi đi bộ khoảng 5 km đường đất, băng qua nhiều nương bắp, ruộng lúa và các rẫy cà phê, bời lời, cao su mới trồng rất tốt. Cách trụ sở Trạm Quản lý rừng Lâm trường Chư Pah chừng 30 mét, ở ngay đầu ngã ba đường rẽ có một ngôi nhà cấp 4 mới xây, phía sau nhà, chúng tôi thấy có khoảng 4-5 lóng gỗ được chủ nhà lấy mấy gốc cây đậu phụng che lại. Cách đó chừng 20 mét cạnh con đường độc đạo vào rừng, bọn lâm tặc vẫn còn giấu lại 5 lóng gỗ khá to còn rất tươi.
Trụ sở Trạm Quản lý Bảo vệ rừng ở Ia Nhin. Ảnh: L.Q.H
Trụ sở Trạm Quản lý Bảo vệ rừng ở Ia Nhin. Ảnh: L.Q.H
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề lâm tặc ngang nhiên tàn phá rừng ngay trước cơ quan quản lý chức năng, ông Nguyễn Đình Vũ-Tổ trưởng bảo vệ rừng số 1, Ban Quản lý Rừng Ia Ly thuộc huyện Chư Pah cho biết: “Chuyện người dân phản ánh về hành động phá rừng và vận chuyển gỗ lậu ở đây là đúng. Do biên chế ở trạm chỉ có 4 người, nên việc tuần tra, theo dõi, ngăn chặn hay bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Sự việc này chúng tôi đã báo lên trên. Có thời gian, chúng tôi đã kết hợp với Kiểm lâm, Công an truy bắt được một số đối tượng cùng hiện vật, nhưng không đủ yếu tố để khởi tố, chỉ đề nghị xử phạt hành chính, rồi đâu lại vào đó!
Cách đây hơn 2 tháng, chúng tôi có bắt được 3 xe gỗ của lâm tặc vừa từ trong rừng đi ra, nhưng tối đến bọn chúng uống rượu, đến quậy phá, đe dọa… Để bảo vệ tính mạng, chúng tôi đành phải thả cả phương tiện và số gỗ tang vật thu được.
Khi được hỏi “Chỉ cách trụ sở chưa đầy 30 mét chúng tôi phát hiện có nhiều lóng gỗ đang cất giấu…”, ông Vũ trả lời là không biết. Và có biết cũng thế thôi, chúng tôi hoàn toàn bất lực, nhờ các anh lên tiếng...
Không biết lãnh đạo Ban Quản lý Rừng Ia Ly (huyện Chư Pah) có biết nỗi niềm của 4 anh em đang ngày đêm “canh rừng” ở Ia Nhin hay không?
Để cứu những cánh rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn quý hiếm còn lại trên một số địa bàn, đặc biệt là địa bàn các huyện biên giới, như: Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh nhanh chóng vào cuộc. Bởi lẽ một ngày rừng mất đi, thì mỗi ngày cuộc sống chúng ta đang bị đe dọa…
Lê Quang Hồi

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.