(GLO)- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang đến “cơ hội vàng” để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao lại đặt ra thách thức lớn đối với nhiều địa phương, trong đó có Gia Lai. Cân bằng cung-cầu đội ngũ lao động giàu kỹ năng, trình độ là mục tiêu mà Gia Lai đang hướng đến.
Thiếu hụt nguồn cung chất lượng
Theo nhận định của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nguồn nhân lực lao động của tỉnh tương đối dồi dào, chiếm khoảng 59,74% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động giản đơn chiếm khá cao (khoảng 69,6% số lao động đang làm việc); tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 11,42%. Đáng chú ý, trong 4 năm gần đây, tỷ lệ lao động thiếu việc làm lại có xu hướng tăng (từ 0,39% năm 2016 lên 1,61% năm 2019). Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới khá cao (bình quân hàng năm tăng 18%). Ước tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 7.000 doanh nghiệp.
Về sự bất hợp lý này, nhiều chủ doanh nghiệp lý giải, với xu thế hội nhập và phát triển, bên cạnh yêu cầu về trình độ chuyên môn thì lao động có kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ và một số kỹ năng mềm khác luôn là những đối tượng được ưu tiên khi tuyển dụng. Dẫu vậy, trên thực tế, chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn thấp đã khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “khát” lao động tại chỗ.
Đào tạo nghề Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi |
Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-nhận định: “Mỗi năm, chúng tôi có vài chục chỉ tiêu tuyển mới, song hầu như rất ít người tại chỗ đáp ứng được yêu cầu công việc. Những người giỏi thì lại chọn các tỉnh, thành phố khác để lập nghiệp. Vì vậy, tất cả kỹ sư nông nghiệp, nhân viên bán hàng, marketing, thiết kế, truyền thông… chúng tôi đều phải tuyển dụng từ tỉnh khác về. Đây là điều vô cùng lãng phí, trong khi nguồn lao động của tỉnh ta khá dồi dào. Hơn nữa, không riêng gì Vĩnh Hiệp mà gần như các doanh nghiệp khác trong tỉnh đều thừa sức chi trả mức lương hậu hĩnh kèm chế độ đãi ngộ xứng đáng với công sức, cống hiến mà nhân viên bỏ ra”.
Nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai) đã góp phần lớn trong việc đào tạo nguồn lao động có trình độ cho tỉnh. Trường cũng tích cực kết nối với các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị để tạo việc làm cho sinh viên cũng như kịp thời cung ứng nguồn lao động chất lượng mà họ đang thiếu hụt.
Theo thống kê, hàng năm có khoảng 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh gửi nhu cầu tuyển dụng về trường với hàng ngàn chỉ tiêu việc làm. Chỉ tính riêng từ tháng 9-2019 đến tháng 3-2020 đã có 55 doanh nghiệp kết nối với nhà trường để tuyển dụng 5.290 lao động các ngành nghề: điện công nghiệp, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy nông nghiệp, bảo vệ thực vật, xây dựng, kế toán, công nghệ thông tin, may thời trang, công tác xã hội… Thế nhưng, nguồn nhân lực không đủ cung ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Bà Phan Thị Tường Vy-Phó Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự Công ty TNHH Sinh Phát VN (tỉnh Bình Định) cho biết: “Công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc sang Hàn Quốc, Mỹ với sản lượng trung bình khoảng 800.000 sản phẩm/năm. Từ năm 2018, chúng tôi bắt đầu hợp tác với Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai trong việc tạo điều kiện cho sinh viên về thực tập và có việc làm sau tốt nghiệp. Đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận 3 khóa thực tập với gần 130 sinh viên. Khi thực tập tại Công ty, các em được hỗ trợ về chi phí ăn ở, đi lại kèm theo mức lương dao động 2-3 triệu đồng/tháng. Kết thúc mỗi đợt, Công ty đánh giá, lọc ra danh sách những sinh viên ưu tú để nhận vào làm việc. Nhìn chung, tay nghề và kỹ năng của các em khá tốt, đáp ứng được yêu cầu của Công ty. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn các em có thể quay trở lại làm việc sau khi ra trường. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có 3 em gắn bó với Công ty ở vị trí quản lý, còn lại đều trở về địa phương”.
Nhiều giải pháp cân bằng cung-cầu
Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực. Nhờ đó, chất lượng nhân lực ngày càng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là tỷ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học. Đến nay, nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh gồm 1.619 người, trong đó có 1 phó giáo sư-tiến sĩ, 23 tiến sĩ, 1.227 thạc sĩ, 28 người chuyên khoa II và 340 người chuyên khoa I. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo và dạy nghề đã cung cấp lao động có tay nghề cho khu vực hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2015 lên 55% vào năm 2020.
Em Rơ Lan Thiết (ở giữa) đang theo học ngành May thời trang tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi |
|
Cùng với đó, công tác xuất khẩu lao động cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2010 đến nay, số lượng lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 13.216 người, bình quân trên 1.300 người/năm. Dự báo trong thời gian tới, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có nhiều thuận lợi với hàng loạt thị trường việc làm tốt, thu nhập cao đang “mở cửa” như: Nhật Bản, Rumania, Bulgaria…
Ông Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-cho biết: Hiện nay có 3 luồng đào tạo chủ yếu, gồm: đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng), đào tạo sơ cấp (3-9 tháng) phục vụ lao động sản xuất tại địa phương và đào tạo chất lượng cao (trung cấp, cao đẳng, đại học). Trong đó, đào tạo gắn với doanh nghiệp được xem là chiến lược phát triển của ngành Giáo dục nghề nghiệp. Theo ông Điều, nhà trường hiện có 37 mã ngành đào tạo với 4 nhóm ngành cơ bản, gồm: Công nghệ-Kỹ thuật, Nông nghiệp, Nghiệp vụ và Du lịch, Văn hóa-Nghệ thuật. Thời gian qua, nhóm ngành Công nghệ-Kỹ thuật đáp ứng 80-90% nhu cầu của xã hội, thậm chí có những ngành nghề đáp ứng ở mức tuyệt đối.
“Thời gian tới, nhà trường định hướng mở thêm một số ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe, du lịch nhằm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ; nhóm nghề nông-lâm cung ứng lao động tại chỗ cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; các ngành liên quan đến công nghiệp chế biến gắn liền với nông nghiệp; đồng thời, giảm bớt một số nghề không còn phù hợp với nhu cầu xã hội. Nhà trường cũng định hướng đào tạo nguồn nhân lực ngành điều dưỡng phục vụ xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… vì đã có hơn 40 doanh nghiệp đặt vấn đề về việc này”-ông Điều thông tin.
Chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cũng quyết định sự thành công trong đào tạo lao động. Em Rơ Lan Thiết-sinh viên lớp May thời trang 20A3 (Trường Cao đẳng Gia Lai) chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã yêu thích thiết kế thời trang. Cùng với sự phân luồng định hướng của thầy cô, sau khi tốt nghiệp THPT, em đã nộp hồ sơ để học may thời trang tại trường. Em hiểu rằng mình sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn nếu được đào tạo bài bản và có bằng cấp”.
Để đào tạo lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xuất khẩu lao động, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực. Theo bà Duyên, trước tiên cần quan tâm đến lĩnh vực đào tạo lao động có tay nghề cao và xuất khẩu lao động; tiếp đến là nâng cao năng lực đào tạo của các trường trên địa bàn, trong đó có Trường Cao đẳng Gia Lai. Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động liên kết đào tạo với các trường có uy tín trong nước để đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, nhà trường cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội để nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng sát với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp; tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng đào tạo.
“Tỉnh cũng cần tạo điều kiện về chính sách và cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đào tạo, xuất khẩu lao động; tăng cường đầu tư cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để đơn vị này có đủ năng lực triển khai hoạt động dự báo nhu cầu lao động, làm cơ sở để đào tạo gắn với thị trường lao động trong và ngoài nước”-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nêu ý kiến.
HỒNG THI