Hàng chục tỷ đồng tiền bán nông sản và cho vay của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Pưh (Gia Lai) đang đứng trước nguy cơ không thể lấy lại được sau khi bà Lê Thị Lệ (SN 1970, trú tại thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, một người kinh doanh nông sản) công khai tuyên bố vỡ nợ cách đây gần một tuần. Nhiều người dân cho rằng, Lệ đang giả vờ vỡ nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.
Mấy ngày qua, chị Lê Thị Cẩm (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa) giống như người mất hồn. Theo chị Cẩm, biết Lệ buôn bán nông sản, trong 2 ngày 20 và 21-4-2010, chị Hòa đã “cắt giá” mua ký gửi của Lệ 17 tấn tiêu với giá 49,2 triệu đồng/tấn. Chị đã giao đủ 836.400.000 đồng cho Lệ, đợi ngày tiêu lên giá thì bán lại kiếm lời. Cũng trong ngày 20-4, Lệ có đến mượn chị Cẩm 540 triệu đồng nói là để trả ngân hàng và hẹn đến ngày 26-4 sẽ hoàn trả.
Phóng viên Báo Gia Lai làm việc với một số người dân bị Lệ nợ tiền. Ảnh: Lê Nam |
Quá uất ức với cách cư xử của Lệ nhưng không thể làm gì, mấy ngày qua, mặc gia đình khuyên bảo, chị Cẩm vẫn không thôi khóc lóc, thậm chí đòi tự tử. Chị bảo, số tiền đã giao cho Lệ hầu hết là tiền chị phải vay mượn của cha mẹ và một số người quen biết. Kể từ hôm biết Lệ vỡ nợ, nhiều người đã tới nhà chị Cẩm đòi tiền. Thương con, ông Lê Đức Sang (bố chị Cẩm) phải đứng ra năn nỉ mọi người và hứa để từ từ gia đình sẽ giải quyết.
Cũng rơi vào hoàn cảnh cay đắng tương tự như chị Cẩm còn có vợ chồng anh Trần Ngọc Đức (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa). Là một người kinh doanh nông sản, từ năm 2009, vợ chồng anh Đức đã vài lần mua tiêu của Lệ. Theo anh Đức, những lần trước, bao giờ Lệ cũng giao hàng đúng hẹn. Nhưng đến trưa ngày 26-4, Lệ tới gặp chị Trần Thị Bích Vân- vợ anh Đức- chốt giá 10 tấn tiêu với giá 52,1 triệu đồng/tấn. Đến chiều Lệ nói lên lấy tiền nhưng chị Vân nói chưa có. Đến tối cùng ngày, khi vợ chồng anh Đức vừa lên Pleiku lấy tiền trước từ đại lý thì Lệ lại đến và đề nghị ứng 500 triệu đồng để sang Ia Ko (Chư Sê) lấy tiêu về giao rồi lặn mất tăm. Khi Lệ về, anh Đức có đến nhà để đòi nợ thì chồng Lệ là Huỳnh Thanh Phong nói sẽ cấn đất trừ nợ. Do giá Phong đưa ra quá cao, anh Đức không chịu. Vợ chồng Lệ bèn đề nghị cấn tiền nợ của một số người khác nợ vợ chồng Lệ để anh Đức đi đòi nhưng anh Đức cũng không đồng ý. Thấy vậy, Lệ ngang ngạnh bảo, khi nào đòi được nợ sẽ trả.
Ngoài chị Cẩm, anh Đức, hàng chục hộ dân thị trấn Nhơn Hòa và xã Ia Phang cũng đang rơi vào hoàn cảnh điêu đứng vì đã lỡ cả tin giao hết tài sản cho Lệ. Chị Huỳnh Thị Bích Hường (thôn Hòa Thiện, xã Ia Phang) đã đi vay đi mượn rồi giao cho Lệ 247 triệu đồng nhưng Lệ mới trả được 20 triệu. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa) cho Lệ mượn 190 triệu đồng và ký gửi hơn 5 tấn cà phê nhân, 6 tấn tiêu, tổng cộng trên 900 triệu. Ngay cả 4 mẹ con bà Nguyễn Thị Kim Cúc- hàng xóm nhà Lệ - cũng đang bị Lệ “ôm” 250 triệu và 2,6 tấn tiêu.
Ngoài ra, chị Huỳnh Thị Bích Hường còn cho chúng tôi xem một bản danh sách 20 người đang bị Lệ giam nợ (có cả tên chị Hường) với tổng số tiền gần 2,8 tỷ đồng. Số người này được nêu trong một tờ “giấy thỏa thuận” lập ngày 29-4-2010 do Huỳnh Thanh Phong- chồng Lệ- và bà Cúc ký trong đó viết: “Trong quá trình buôn bán làm ăn bị thua lỗ, hiện nay, tôi còn nợ tiền của người dân (có danh sách kèm theo) nên tôi phải giao tài sản (rẫy tiêu gồm 2.000 trụ tiêu kinh doanh tại cánh đồng Lê Thơ) để trả nợ. Nay tôi ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Kim Cúc, trú tại thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa …đứng ra để bán tài sản nói trên thanh toán nợ nần”. Vợ chồng Lệ muốn 20 “con nợ” ký tên vào giấy thỏa thuận đó như một cách “tháo trắng” khoản nợ gần 2,8 tỷ đồng. Nhưng đến nay, không ai chịu ký vì biết âm mưu của vợ chồng Lệ vì theo một người trồng tiêu lâu năm ở Nhơn Hòa, rẫy tiêu nhà Lệ có bán cũng chưa chắc được 1 tỷ.
Căn nhà của Lê Thị Lệ. Ảnh: Lê Nam |
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, Trung tá Lê Tất Thành- Trưởng Công an thị trấn Nhơn Hòa cho biết: Cách đây mấy ngày, trên 20 người đã kéo tới nhà Lê Thị Lệ để đòi nợ. Công an thị trấn đã phải cử công an viên xuống bảo vệ nhằm tránh để xảy ra tình trạng đập phá tài sản, đánh người gây thương tích. Đến nay tình hình cũng đã tạm ổn nhưng chúng tôi chưa biết bao nhiêu người đang bị Lệ nợ tiền, cũng không biết số tiền Lệ nợ là bao nhiêu.
Việc Lê Thị Lệ có vỡ nợ thực hay không, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân hay không có lẽ phải đợi đến khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới có thể trả lời được. Tuy nhiên, việc Lệ đang nợ nhiều người dân với số tiền hàng tỷ đồng là có thực. Nếu chính quyền và ngành chức năng huyện Chư Pưh không quan tâm giải quyết triệt để vụ việc này, e rằng không chỉ ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn mà còn tạo tiền đề để những kẻ bất lương tiếp tục nuôi mộng làm giàu từ tiền của người khác.
Tiến Dũng- Lê Nam