Gia Lai: Chậm thi hành án hay làm khó đương sự?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người phải thi hành án có khả năng cấn trừ nợ trong một vụ án khác nhưng chấp hành viên không thực hiện quyền báo cáo hoặc có biện pháp ngăn chặn nên dẫn đến quyền lợi của người được thi hành án bị thiệt thòi. Tuy nhiên sự việc vẫn chưa được nhìn nhận hết trách nhiệm đối với người có liên quan.
Bà Phạm Thị Hồng Hà (54 Ngô Gia Tự, TP. Pleiku, Gia Lai) và bà Lưu Thị Lựu (08 Nguyễn Trường Tộ, TP. Pleiku) là hàng xóm với nhau. Từ năm 2003 đến tháng 5-2008, bà Hà và bà Lựu tổ chức chơi họ với nhau và bà Lựu làm chủ họ. Trong quá trình chơi họ, sau nhiều lần thanh toán, bà Lựu còn nợ lại bà Hà 303.314.680 đồng (trong đó tiền gốc là 278 triệu đồng). Vì không trả nợ nên bà Hà khởi kiện bà Lựu ra tòa. Ngày 23-9-2009, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Pleiku xử sơ thẩm vụ kiện và đến ngày 8-6-2010, TAND tỉnh phúc thẩm tuyên buộc bà Lưu Thị Lựu trả cho bà Phạm Thị Hồng Hà số tiền nói trên.
Buổi đối thoại ngày 6-9. Ảnh: Lê Văn Nhung
Buổi đối thoại ngày 6-9. Ảnh: Lê Văn Nhung
Sau khi bản án có hiệu lực, từ đơn yêu cầu thi hành án của bà Phạm Thị Hồng Hà, ngày 21-3-2011 Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án (THA) TP. Pleiku đã ra Quyết định thi hành án số 922/QĐ-THA, đồng thời, giao cho chấp hành viên Diệp Tự Nhâm thực hiện. Tuy nhiên, từ đó đến nay quyền lợi của bà Phạm Thị Hồng Hà vẫn không được bảo vệ dẫn đến việc khiếu nại và Cục Thi hành án tỉnh buộc phải rút toàn bộ hồ sơ để triển khai trong thời gian tới.
Ngược lại, trong một vụ thi hành án khác giữa bà Lưu Thị Lựu và bà Phan Thị Hồng (40 Lê Hồng Phong-TP. Pleiku) thì bà Phan Thị Hồng có nghĩa vụ trả nợ cho bà Lưu Thị Lựu với tổng số tiền là 21.323.845.000 đồng (trong đó tiền gốc là 18 tỷ đồng). Ngày 16-6-2011, Cục Thi hành án tỉnh đã thi hành cho bà Lưu Thị Lựu được nhận 630 triệu đồng. Trước khi chi trả cho bà Lựu 630 triệu đồng, việc thi hành án giao cho Chi cục THA TP. Pleiku và chấp hành viên Diệp Tự Nhâm và Vũ Đình Hưng theo dõi. Lẽ ra trước khi chuyển việc thi hành án từ Chi cục THA TP. Pleiku lên Cục Thi hành án tỉnh, chấp hành viên phải có nghĩa vụ báo cáo sự việc hoặc có biện pháp ngăn chặn bà Lưu Thị Lựu nhận 630 triệu đồng để đảm bảo thi hành án cho bà Phạm Thị Hồng Hà nhưng chấp hành viên Diệp Tự Nhâm không thực hiện.
Khi bà Phạm Thị Hồng Hà khiếu nại quyền lợi của mình bị xâm hại, ngày 27-7-2011 Chi cục THA TP. Pleiku ra Quyết định giải quyết số 07/QĐ-CCTHA khẳng định mọi khiếu nại của bà Hà đều không có cơ sở. Theo đó “ngoài đơn trình báo về tài sản của bà Hà thì không có tài liệu chứng cứ nào thể hiện bà đã tiến hành xác minh tài sản và cũng không có văn bản nào thể hiện bà Hà không tiến hành xác minh được”.
Khoản 1, Điều 44 Luật Thi hành án Dân sự quy định: “Nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản…”. Song, theo trình bày của bà Phạm Thị Hồng Hà: “Tôi có thông tin về tình trạng tài sản của bà Lựu cho ông Diệp Tự Nhâm và Chi cục THA TP. Pleiku đã ra quyết định thi hành án. Theo quy định nếu không có thông tin về tài sản của bà Lựu thì Chi cục THA TP. Pleiku đã ra quyết định đình chỉ thi hành án. Họ chỉ dựa vào sự thiếu hiểu biết của người dân để ngụy biện cho việc làm của mình”.
Cũng liên quan đến nội dung trong Quyết định giải quyết khiếu nại số 07/QĐ-CCTHA của Chi cục THA TP. Pleiku, mặc dù chưa có cơ sở nào xác định trị giá số tài sản mà vợ chồng bà Lưu Thị Lựu thế chấp tại ngân hàng là trên 3,6 tỷ đồng nhưng Chi cục THA Pleiku vẫn định biên số tiền này và nếu phát mãi cũng không đủ trả nợ cho một số chủ nợ khác.
Buổi đối thoại giữa Chi cục THA TP. Pleiku và bà Phạm Thị Hồng Hà do Cục THA tỉnh tổ chức vào ngày 6-9-2011 cũng chưa giải quyết rốt ráo trách nhiệm thuộc về ai. Ông Phạm Văn Đề-quyền Trưởng phòng Kiểm tra-Giải quyết Khiếu nại tố cáo (Cục Thi hành án tỉnh) người chủ trì buổi đối thoại trả lời: “Chưa nắm rõ sự việc nên chỉ mới ghi nhận ý kiến giữa các bên để báo cáo lãnh đạo”. Trong khi đó, ông Nguyễn Thứ Trưởng-Phó Chi cục trưởng Chi cục THA lại thừa nhận: “Có sai sót trong khâu thi hành án do lỗi chủ quan của chấp hành viên”. Còn ông Nguyễn Hữu Tự-luật sư giúp đỡ về mặt pháp lý cho bà Phạm Thị Hồng Hà bức xúc: “Cuộc đối thoại lẽ ra phải làm rõ đúng sai, trong khi đó mặc dù chấp hành viên Diệp Tự Nhâm có mặt tại buổi đối thoại nhưng cũng không giải thích trình tự giải quyết vụ việc và trách nhiệm của mình trước nhiều vấn đề mà bà Hà đưa ra”.
Thiết nghĩ, Cục THA cần làm rõ trách nhiệm trong việc THA chậm, không thể để quyền lợi người dân bị thiệt hại.
Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.