Gia Lai: Cảnh báo phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) vừa có thông báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm.
Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) nhận được nhiều đơn tố giác tội phạm liên quan đến sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn tuyển cộng tác viên (CTV) xử lý đơn hàng cho các sản thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể: Từ khoảng cuối tháng 2 đến đầu tháng 3-2022, chị V.T.N.H. trú tại xã Chư Ă (TP. Pleiku), chị T.N.H. trú tại phường Yên Đổ (TP. Pleiku), chị V.T.T.T. trú tại thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) vào mạng xã hội Facebook để tìm các trang tuyển dụng việc làm thì thấy các trang quảng cáo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử (như LAZADA, SHOPEE, TIKI, SENDO...) với cách thức mà các đối tượng lừa đảo đưa ra là làm tăng lượt tương tác cho các mặt hàng trên các sàn thương mại điện tử chính thống đang hoạt động tại Việt Nam và được hưởng hoa hồng từ 3% đến 20%, trong vòng từ 5 phút đến 10 phút là có tiền chuyển về tài khoản người tham gia.
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh, dễ của người dân, chúng lập các trang Facebook có tên và hình ảnh giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử nổi tiếng như: “Thương Mại Điện Tử TokyoLive”, “Tuyển dụng cộng tác viên Shopee”... và chạy quảng cáo. Sau khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên thì chúng sẽ gửi một loạt các thông tin giới thiệu về địa chỉ trụ sở công ty, số điện thoại của nhân viên chăm sóc khách hàng, quản lý, giám đốc… và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để trao đổi, tư vấn.
Cách thức làm việc rất đơn giản, nhân viên chăm sóc khách hàng coppy và gửi liên kết (đường link) giới thiệu sản phẩm trên trang thương mại điện tử chính thống của SHOPEE, LAZADA... sau đó yêu cầu CTV nhấn vào liên kết đơn hàng để kiểm tra tính chính xác đơn hàng và giá sản phẩm trên các trang SHOPEE, LAZADA... và yêu cầu không mua hàng trên các trang này với lý do “nếu mua thì anh (chị) là khách hàng mua hàng, còn CTV của công ty thì anh (chị) chỉ cần chụp lại màn hình gửi vào Zalo để kiểm tra đơn hàng rồi anh (chị) chuyển số tiền hàng cho công ty là hoàn thành nhiệm vụ, khoảng 5 đến 10 phút sau công ty sẽ tự động chuyển lại số tiền hàng cùng với 3% đến 20% hoa hồng cho anh (chị)”.
Để tạo niềm tin, ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm ngàn đồng để bị hại chọn và xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook... chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp và được đối tượng chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3%-20%. Sau một số lần tạo niềm tin cho bị hại bằng cách trả gốc và hoa hồng đúng như cam kết ban đầu, tiếp theo đối tượng viện lý do là “bạn đã được công ty nâng hạng" và gửi các đường dẫn sản phẩm trên sản LAZADA, SHOPEE… có giá trị lớn hơn như đồ trang sức, mỹ phẩm đắt tiền, điện thoại cao cấp, xe máy có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng và tiếp tục yêu cầu CTV chụp lại hình ảnh sản phẩm đồng thời chuyển tiền. Khi đã nhận được, đối tượng không chuyển lại tiền và hoa hồng nữa mà tiếp tục thông báo cho CTV phải thực hiện thêm các “nhiệm vụ khác thì mới được chuyển lại tiền và hoa hồng (thực chất là tiếp tục yêu cầu gửi đơn hàng và chuyển tiền vào tài khoản đối tượng). Cứ như vậy cho đến khi bị hại chuyển số tiền lớn không còn khả năng chuyển tiếp và nhận ra đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Với hình thức trên chị V.T.N.H. bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền hơn 765 triệu đồng; chị T.N.H. bị chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng; chị V.T.T.T. bị chiếm đoạt hơn 40 triệu đồng do đã gửi vào các tài khoản đối tượng cung cấp khi đăng ký làm cộng tác viên online đặt đơn mua hàng. Tất cả các sim số đối tượng sử dụng đều là sim rác, các tài khoản ngân hàng cũng là tài khoản rác được các đối tượng mua bán từ các hội, nhóm trên mạng xã hội. Xác định đây là hình thức lừa đảo mới, đánh vào tâm lý người dân tin tưởng vào các sàn thương mại điện tử uy tín như LAZADA, SHOPEE, SENDO... các đối tượng lợi dụng việc này để tạo trang giả mạo các trang bán hàng uy tín nhằm dẫn dụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc điểm của các trang này có tên và hình đại diện giống các trang chính thống nhưng lượt thích, theo dõi rất ít (khoảng vài trăm lượt) nên rất dễ bị nhầm lẫn. Đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại thông minh diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua, trên địa bàn Gia Lai cũng như các địa phương khác trong toàn quốc.
Đề kịp thời tuyên truyền cho người dân biết, phòng, ngừa, Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) đề nghị: Đài phát thanh truyền hình tỉnh Gia Lai, Báo Gia Lai thông bảo rộng rãi cho người dân biết để chủ động cảnh giác không bị đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản..
Công an các đơn vị địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến tận quần chúng nhân dân biết phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm nêu trên, đồng thời tăng cường công tác năm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu phát hiện các đối tượng có thủ đoạn như trên đề nghị thông báo đến Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh, số 80 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) để phối hợp, xử lý.
KIỀU PHAN

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.