![]() |
Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Attapeu (Lào) làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đ.T |
Có thể nói, mối quan hệ giữa Gia Lai và Attapeu là mối quan hệ hợp tác và tình hữu nghị đặc biệt. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, tỉnh ta đã cử những đoàn chuyên gia sang giúp bạn Lào. Có thể tạm hình dung những đoàn chuyên gia này sang với nhiệm vụ gần giống như sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch Mùa hè xanh ngày nay, nhưng sự giúp đỡ có tính sâu rộng hơn, chuyên môn hơn, và tất nhiên hiệu quả mang tính quy mô quốc gia. Một trong số đó là anh Bùi Quang Tạo- Chánh Văn phòng Sở Giáo dục- Đào tạo, chuyên gia của tỉnh được cử sang Lào năm 1983. Có lần anh đã kể lại, những ngày ấy, đội công tác của anh dựng lán ở một bản cách khá xa thị xã Attapeu, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Đời sống của bà con nơi đây khổ lắm, cái ăn cái mặc còn chưa đủ, nói chi đến việc đi học chữ. Anh cùng những cán bộ trong đoàn đã phải tự học tiếng Lào để vận động học sinh đến lớp. Chính sự tận tụy, hết lòng ấy mà các anh đã được bà con nơi đây vô cùng quý mến.
Ngày xưa tình cảm đã gắn bó thế, ngày nay, tình cảm ấy còn thể hiện cụ thể hơn bằng những dự án kinh tế- xã hội mà cả hai bên đã hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Có thể kể tới như: Tỉnh ta đã tổ chức tập huấn cho 20 cán bộ cụm bản của dự án phát triển nông thôn; xây tặng một trường tiểu học trị giá 2,15 tỉ đồng. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tài trợ xây dựng làng VĐV SEA Games 25 cho Lào. Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tặng Chính phủ Lào 4 triệu USD không hoàn lại, 10 triệu USD còn lại được Hoàng Anh Gia Lai cho vay với thời hạn 3 năm không tính lãi. Ngược lại, Chính phủ Lào đã cấp đất trồng cao su tại tỉnh Attapeu. Trong tương lai, nhân dân Attapeu là những người được hưởng lợi khi cơ sở hạ tầng như đường nhựa, cầu cống sẽ được xây dựng; hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người dân địa phương sẽ có thêm việc làm. Hiện công trình xây cầu và làm đường nhựa giữa huyện Phu Vông và huyện Xay Sệt Thả dài 18 km đang được thi công với tổng trị giá 1,38 tỷ USD.
Cùng với Sêkông, Attapeu là một trong hai tỉnh nghèo của Lào, nhưng lại có nguồn tài nguyên sông nước, đất đai, khoáng sản, lâm nghiệp vô cùng phong phú. Trên cơ sở đó, nhiều dự án đầu tư của Việt Nam đã được triển khai tại đây như: Dự án thủy điện Xekaman 1, Xekaman 3; dự án trồng cây cao su của Công ty cổ phần Kinh doanh Công- Nông nghiệp Bình Định, Công ty Cao su Hữu nghị Việt- Lào… Một thời gian ngắn nữa, từ dòng Xekaman, ánh đèn điện sẽ ngời sáng khắp các bản làng của Attapeu và của biết bao bản làng khác, đem lại cuộc sống ấm no hơn, đủ đầy hơn cho người dân nơi đây. Các tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (và cả tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2) không lâu nữa sẽ được xây dựng để tạo ra một đất nước Triệu Voi hoàn toàn thay da đổi thịt.
Tình hữu nghị đặc biệt giữa Gia Lai- Attapeu nói riêng và Việt Nam- Lào nói chung xin được “gói” lại trong câu nhận xét của Hoàng thân Xu Pha Nu Vông: “Cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất”.