Ghi nhận từ sân chơi tiếng Anh “không khoảng cách”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn thu hẹp khoảng cách tuổi tác và nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh giao tiếp, nhiều sân chơi tiếng Anh phi lợi nhuận đã xuất hiện tại Pleiku. Hoạt động này thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ và những người có công việc ổn định.

Từ 18 giờ 30 phút tối chủ nhật hàng tuần, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) The Star English Club lại tập trung về quán Park Ha Cafe & Cake (69 Tạ Quang Bửu, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) để cùng giao lưu. Mặc dù độ tuổi và công việc khác nhau, song điểm chung của họ là đều mong muốn được sẻ chia, trau dồi và nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.

The Star English Club được thành lập vào tháng 5-2024. Chị Cao Thị Quý và chị Phạm Thị Thanh Hương (cùng là giáo viên Trung tâm Ngoại ngữ The Star) là sáng lập viên. Đến nay, CLB đã tổ chức được 6 buổi sinh hoạt. Với mong muốn tạo môi trường tiếng Anh giao tiếp cho mọi người, mỗi buổi, CLB sẽ đưa ra những chủ đề và hoạt động khác nhau để các thành viên cùng giao lưu và thảo luận. Một số giáo viên đến từ các trung tâm ngoại ngữ khác và cả giáo viên Tiếng Anh tự do trên địa bàn TP. Pleiku cũng tham gia sinh hoạt.
Chị Quý cho hay: “Sau nhiều năm dạy tiếng Anh, tôi nhận ra ở Gia Lai ít có môi trường để các bạn trẻ vượt qua trở ngại trong việc giao tiếp tiếng Anh. Chính vì thế, tôi mong muốn có thể xây dựng một môi trường giúp các bạn thoải mái giao tiếp và vượt qua nỗi sợ giao tiếp tiếng Anh của mình”

Ban đầu, anh Nguyễn Phú (giáo viên Tiếng Anh tự do) đến CLB với tư cách thành viên. Thế nhưng, chỉ sau vài lần tham gia, anh Phú đã cùng tham gia điều hành buổi sinh hoạt CLB.

“Câu lạc bộ có sự tham gia của nhiều thành viên với độ tuổi, ngành nghề và trình độ khác nhau. Điều này đòi hỏi người điều hành phải xây dựng được những chủ đề và hoạt động phù hợp để có thể kết nối được tất cả mọi người”-anh Phú chia sẻ.

Một buổi sinh hoạt của The Star English Club. Ảnh: ĐVCC

Một buổi sinh hoạt của The Star English Club. Ảnh: ĐVCC

Đến với CLB từ những ngày đầu tiên, bác sĩ Đặng Kiều Oanh (Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai) cho biết: Trong công việc, có những bệnh nhân là người ngoại quốc nên việc trau dồi kỹ năng giao tiếp tiếng Anh rất cần thiết đối với chị.
“Mặc dù Bệnh viện có bộ phận phiên dịch nhưng tôi vẫn muốn tự mình trò chuyện, trao đổi trực tiếp với bệnh nhân để có thể nắm bắt rõ nhất tình trạng sức khỏe. Ngoài học thêm các lớp tiếng Anh, việc tham gia sinh hoạt tại CLB đã giúp tôi tự tin hơn rất nhiều. Giờ đây, tôi có thể giao tiếp trực tiếp với bệnh nhân mà không cần phụ thuộc vào người phiên dịch”-chị Oanh phấn khởi nói.

Còn với em Phan Phú Khang (Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương Gia Lai) thì những buổi sinh hoạt tại CLB đã mang đến những trải nghiệm thú vị. Khang bộc bạch: “Ở trường, đối tượng giao tiếp tiếng Anh của em là bạn bè và thầy-cô giáo. Khi sinh hoạt CLB, em nói chuyện với các thành viên ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau. Qua nhiều buổi sinh hoạt, em đã có thể tự tin chia sẻ và giao tiếp bằng tiếng Anh cùng mọi người”.

Trước đó, tháng 8-2022, Pleiku English Club cũng ra đời với mục tiêu tương tự. Câu lạc bộ là “đứa con tinh thần” của chị Mai Ngọc Anh-Giáo viên Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh-VES và 2 người bạn.
Chị Ngọc Anh chia sẻ: Dù từng là học sinh chuyên Anh của Trường THPT chuyên Hùng Vương nhưng khi theo học ngành Ngôn ngữ Anh ở bậc đại học, chị vẫn bị “khớp” trong một số ít trường hợp giao tiếp bằng tiếng Anh. Rồi đến khi làm gia sư cho học sinh trường quốc tế, thỉnh thoảng, chị vẫn bị học sinh chỉnh sửa lỗi phát âm. Chị nhận ra, đó chính là hệ quả của quá trình học tiếng Anh chỉ chú trọng vào làm đề, giải đề mà ít có môi trường để thực hành kỹ năng giao tiếp.

Buổi ra mắt CLB Tiếng Anh Pleiku English Club. Ảnh: ĐVCC

Buổi ra mắt CLB Tiếng Anh Pleiku English Club. Ảnh: ĐVCC

“Đến năm thứ 3 đại học, khi có cơ hội tham gia Saigon Hotpot-đơn vị chuyên tổ chức các hoạt động làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài thì khả năng giao tiếp tiếng Anh của tôi mới dần cải thiện. Từ lâu, tôi mong muốn có thể xây dựng được một cộng đồng giao tiếp tiếng Anh cho mọi người ở Gia Lai. Pleiku English Club đã ra đời từ ấp ủ đó”-chị Ngọc Anh chia sẻ.

Ban đầu, CLB chỉ sinh hoạt ở các quán cà phê thuộc nội thành Pleiku dưới sự điều hành của một nhóm học sinh các trường THPT trên địa bàn. Sau một thời gian, được Thành Đoàn Pleiku hỗ trợ, CLB đã kết nối được với đông đảo mọi người, địa điểm tổ chức sinh hoạt cố định tại Nhà Thiếu nhi thành phố. Từ đó, những buổi sinh hoạt có quy mô lớn được tổ chức thường xuyên hơn, thu hút nhiều người tham gia, trong đó có cả du khách nước ngoài.

Chị Mai Ngọc Anh giao lưu với các thành viên tham gia chương trình. Ảnh: ĐVCC

Chị Mai Ngọc Anh giao lưu với các thành viên tham gia chương trình. Ảnh: ĐVCC

Ngoài các buổi giao lưu, sinh hoạt giữa học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố, Pleiku English Club còn tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ ở Làng trẻ em SOS Pleiku. “Sắp tới, CLB sẽ cố gắng triển khai thêm các lớp học Anh ngữ miễn phí cho trẻ em ở những vùng khó khăn”-chị Ngọc Anh nêu dự định.

Có thể bạn quan tâm

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

(GLO)- “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” là chủ đề Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai vừa được Tỉnh Đoàn tổ chức. 10 dự án tiêu biểu đến từ các trường THPT cho thấy sự am hiểu của học sinh về lịch sử-văn hóa dân tộc.

Độc đáo món ăn không gia vị của người Jrai

Độc đáo món ăn không gia vị của người Jrai

(GLO)- Từ những nguyên liệu “cây nhà lá vườn”, người Jrai khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đã chế biến thành món ăn thập cẩm đạm bạc. Dù không nêm nếm bất cứ gia vị nào, song món ăn này lại đậm đà hương vị ẩm thực đặc trưng của người Jrai.