Gặp người bắn rơi trực thăng Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày tháng tư lịch sử, tôi về thôn An Định (xã Cư An, huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai) tìm gặp ông Nguyễn Thanh Kiếm. Trong căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn ở cuối thôn, người cựu binh đã kể cho tôi nghe chuyện ông bắn hạ chiếc trực thăng HU-1A của Mỹ bằng súng AK vào sáng mùng 1 Tết năm 1971.

Trước khi kể chuyện bắn rơi trực thăng Mỹ, ông Kiếm cẩn trọng bưng chiếc hộp đựng huân-huy chương và nhiều kỷ vật một thời hoa lửa của mình ra giới thiệu với chúng tôi. Rồi ông chậm rãi kể: Ông sinh năm 1948 tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Năm 1967, quân đội Mỹ đổ bộ xuống quê hương ông. Kẻ thù đã áp dụng nhiều chính sách hà khắc để kìm kẹp, bắt bớ người dân vô tội. Không chịu nổi ách kìm kẹp của Mỹ-ngụy, nhiều người phải bỏ quê đi nơi khác. Cuối năm 1967, ông Kiếm cũng tìm lên vùng đất An Khê để “lánh nạn”. Thời điểm này, Huyện đội Khu 8 (nay là Ban Chỉ huy Quân sự thị xã An Khê) đang vận động thanh niên gia nhập Quân Giải phóng. “Tháng 8-1968, tôi viết đơn xin gia nhập Quân Giải phóng”-ông Kiếm cho biết.

 

Cựu binh Nguyễn Thanh Kiếm (thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ). Ảnh: N.M
Cựu binh Nguyễn Thanh Kiếm (thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ). Ảnh: N.M

Dù đã 47 năm trôi qua nhưng ông Kiếm vẫn nhớ như in khoảnh khắc bắn hạ chiếc trực thăng HU-1A của Mỹ. Ông kể, khoảng 5 giờ 30 phút sáng mùng 1 Tết năm 1971, trời An Khê vẫn đặc quánh mây mù. Tôi và 2 đồng chí nữa đang nằm trong hầm chữ A thì nghe tiếng động cơ trực thăng từ hướng sân bay cây Me bay tới. Theo bản năng, tôi choàng dậy tụt khỏi võng, đồng thời vơ luôn cây súng AK rồi đứng nép mình sát vách hầm. Tôi quan sát thấy chiếc HU-1A quạt thốc những tán cây, bụi le gần căn hầm mình đứng. Rồi dường như đã phát hiện ra khu căn cứ của chúng tôi, chiếc trực thăng dừng lại và hạ thấp độ cao để cho lính tụt thang dây đổ bộ xuống. Khi chiếc trực thăng cách hầm khoảng 10 m, tôi nhìn rõ một tên địch đang chĩa khẩu đại liên M60 về phía căn cứ. Lúc này, cả 3 chúng tôi đều nín thở, tim đập liên hồi. Trong lúc 2 đồng chí còn ngần ngại, tôi giương khẩu AK bắn liền 15 viên đạn về phía chiếc trực thăng. Sau khi dính đạn, chiếc HU-1A tăng dần độ cao bay về phía suối 407 (nay thuộc xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) rồi rơi xuống và bốc cháy.

Câu chuyện ông Kiếm bắn rơi trực thăng Mỹ được nhiều đồng đội nhắc đến và coi đây là niềm tự hào. Ông Vũ Văn Dự (thôn An Điền Bắc 2, xã Cửu An, thị xã An Khê), nguyên bộ đội Huyện đội Khu 8, cho biết: Tôi nhớ hôm đó, do bị động mà chỉ huy Huyện đội ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi khu căn cứ, chỉ để đồng chí Kiếm và 2 đồng chí nữa ở lại canh giữ. Đến gần trưa hôm sau, chúng tôi nghe tin báo đồng chí Kiếm bắn rơi trực thăng. Chiếc trực thăng này thuộc Sư đoàn Không vận số 1 của Mỹ đóng ở sân bay cây Me (vị trí của Sư đoàn Bộ binh 2-Quân khu 5 ngày nay), được cử đi do thám, tìm kiếm khu căn cứ hoạt động của Quân Giải phóng. Nhờ sự phán đoán chính xác của chỉ huy Huyện đội và sự lanh lẹ của đồng chí Kiếm mà quân số của ta được bảo toàn. “Sau này chúng tôi đã lấy 1 cái cánh của chiếc trực thăng làm bàn ăn cơm”-ông Dự kể.

Sau chiến công bắn rơi trực thăng Mỹ, ông Kiếm được Đảng và Nhà nước tặng Huy hiệu “Dũng sĩ bắn rơi máy bay”. Sau giải phóng, ông còn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba và nhiều huân-huy chương cao quý khác.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm