Đường Hồ Chí Minh trễ hẹn lần 2, chưa rõ ngày về đích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự kiến về đích vào năm nay, nhưng đường Hồ Chí Minh vẫn còn 526 km chưa hoàn thành, trong đó có 289 km chưa bố trí được vốn. Lại thêm một dự án quan trọng quốc gia nữa chưa hẹn ngày về đích.

 Đường Hồ Chí Minh trễ hẹn lần 2 - Ảnh: Thanh Lộc
Đường Hồ Chí Minh trễ hẹn lần 2 - Ảnh: Thanh Lộc


Thiếu 24.210 tỉ

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa thừa uỷ quyền của Thủ tướng ký báo cáo về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh gửi đến Quốc hội.

Theo báo cáo này, đường Hồ Chí Minh - một dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội khoá 11 thông qua chủ trương đầu tư cách đây 16 năm, lại một lần nữa chậm tiến độ; còn cần ít nhất hơn 24.000 tỉ đồng nữa mới có thể hoàn thành tuyến.

Được thông qua chủ trương đầu tư từ 2004, dự án Đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía tây dài 684 km.


Theo Nghị quyết ban đầu, dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, "để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai", dự án này đã được Quốc hội khoá 13 điều chỉnh vào năm 2013, kéo dài thời gian thông tuyến sang năm 2020.

Dù vậy, sau 7 năm được điều chỉnh, dự án vẫn không thể về đích đúng hẹn.

Theo phân kỳ đầu tư thì đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe, chiều dài khoảng 2.744 km (không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác).

Sau năm 2020 là nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Đến nay, dự án mới hoàn thành 2.218 km/2.744 km, đạt 80,8%, và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 237 km; còn lại khoảng 289 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện, với số vốn còn thiếu khoảng 24.210 tỉ đồng.

Các dự án thành phần chưa hoàn thành bao gồm: Khu vực phía bắc từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273 km, đã hoàn thành 113 km và chưa triển khai 160 km. Để nối thông khu vực phía Bắc, cần bố trí vốn để triển khai 2 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 160 km, tổng mức đầu tư 17.867 tỉ đồng.

Khu vực miền Trung từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum), chiều dài đầu tư trước đây khoảng 1.532 km, bao gồm cả nhánh tây dài 684 km, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1.350 km, đang triển khai 182 km (sau khi duyệt dự án và điều chỉnh cục bộ hướng tuyến còn 175 km).

Khu vực phía nam từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) có chiều dài khoảng 386 km, đã hoàn thành 202 km, đang thi công 55 km, chưa triển khai 129 km. Nếu nối thông khu vực phía nam cần bố trí vốn để triển khai 2 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 129 km/tổng mức đầu tư 6.343 tỉ đồng.

Riêng khu vực Tây Nguyên, từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài khoảng 553 km, đã hoàn thành toàn bộ.

Hoãn đầu tư đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến do thiếu vốn công và huy động BOT không khả thi.

Theo dự kiến trước đó, trong 24.210 tỉ đồng còn thiếu, sẽ huy động đầu tư theo hình thức BOT 16.216 tỉ đồng cho dự án đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến; phần vốn trái phiếu Chính phủ cần tiếp tục cân đối là 7.994 tỉ đồng cho 3 dự án gồm: đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) - Ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang) và phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất (Kiên Giang); Gò Quao - Vĩnh Thuận (Kiên Giang); và đoạn Chơn Thành (Bình Phước) - Đức Hòa (Long An).

Tuy vậy, Bộ GTVT cho biết, khả năng cân đối ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho 3 dự án sau "vẫn đang rất khó khăn" và tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án BOT cũng không khả thi, "do lưu lượng xe thấp, đã có các Quốc lộ 2, Quốc lộ 21A song hành". Do đó, Bộ GTVT đang giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.


Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư 3 đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (dài 30 km, tổng mức đầu tư 1.651 tỉ đồng) và phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (dài 55 km, tổng mức đầu tư 3.796 tỉ đồng); đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (dài 74 km, tổng mức đầu tư 2.547 tỉ đồng).

Đối với dự án Đoan Hùng - Chợ Bến, do nhu cầu vận tải chưa cao và thực tế các quốc lộ song hành hoàn toàn đủ năng lực đảm nhận nhu cầu vận tải trong khu vực, nên trước mắt sẽ thông tuyến trên cơ sở các quốc lộ hiện có và sẽ xem xét đầu tư theo quy mô đường cao tốc trong giai đoạn đến năm 2030.

Theo VŨ HÂN (THANHNIEN)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án cầu, đường tại TP.HCM đang chạy đua về đích mừng năm mới. Đi kèm với đó là sự thở phào nhẹ nhõm, vui mừng phấn khởi của rất nhiều người dân TP nói chung và người dân khu vực đó nói riêng.