Tôi vừa nghe người thân kể về một đám tang ở thôn quê một tỉnh Trung Bộ. Người cha qua đời do tuổi cao sức yếu, con cái ông đi làm ăn xa khắp nơi.
Thời gian viếng kéo dài mấy ngày. Những hôm trước khi con trai trưởng từ TP HCM về thì người ta đến viếng đông lắm, họ kháo nhau "tới sớm chứ chờ dân Sài Gòn về là mệt". Và thật vậy, sau khi anh trưởng nam từ TP HCM về chịu tang cha thì chẳng ai tới viếng nữa.
Tâm lý lo sợ là dễ hiểu nhưng không cần phải sợ hãi quá mức như vậy, bởi để được lên chuyến bay "giải cứu" của hội đồng hương từ TP HCM về, người đó phải đáp ứng các yêu cầu an toàn phòng dịch chặt chẽ: đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 (mũi 2 đã qua 14 ngày), test RT-PCR với kết quả âm tính.
Niêm phong cửa các xe đi qua địa phận Bến Tre - Ảnh: mạng xã hội |
Những điều kiện như thế này đa số người ở nông thôn chưa chắc có được, vì tỉ lệ phủ vắc-xin nhìn chung ở các vùng quê đến nay vẫn còn khá thấp. Lo sợ thái quá dẫn tới hành động không phù hợp. Điều này cũng giải thích vì sao có nhà chức trách ở Hà Nội từng đề xuất quy định treo biển "nhà có người về từ TP HCM" để biết mà tránh!
Đúng là đại dịch đã khắc họa rõ hơn chân dung đời sống và nhiều mặt khác lâu nay còn lẩn khuất của con người. Tốt - xấu, giỏi giang - kém cỏi, bản lĩnh - hèn nhát..., tất cả dường như đều hiển lộ sau khi cơn bão mang tên Covid-19 quét qua. Nghị quyết 128 là văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch Covid-19 có hiệu lực cao nhất, mới nhất hiện nay, yêu cầu thực hiện thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc, thế nhưng vẫn có nhiều tỉnh - thành chống dịch theo kiểu riêng. Có những quy định riêng của địa phương nếu nhìn nhận đa chiều thì có thể thông cảm được vì tính đặc thù, nhưng cũng có không ít cách làm chẳng giống ai, như việc dán niêm phong cửa toàn bộ ôtô ngoại tỉnh khi lưu thông qua địa phương mình.
Đọc hết Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, chẳng thấy có dòng nào bảo phải dán niêm phong cửa xe hơi để phòng dịch cả, vậy mà người ta vẫn nghĩ ra được! Rõ ràng là tư duy "zero Covid" vẫn còn, bị đẩy lên thành não trạng sợ hãi.
Trước biểu hiện "phép vua thua lệ làng" ở một số tỉnh - thành, ngày 16-10, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là những hướng dẫn quan trọng, hy vọng sẽ tiếp tục khai thông thế bế tắc hiện nay khi mà vẫn còn không ít tỉnh - thành chưa dỡ bỏ những quy định riêng rất gắt gao về xét nghiệm, tiêm vắc-xin, cách ly tập trung...
Tuy nhiên, sau hướng dẫn này, Bộ Y tế cần sớm có cách thông báo đến toàn dân về thông tin cập nhật các vùng "màu"; nếu biết người tham gia giao thông (và vận tải) liên tỉnh đến từ địa phương nào mà không nắm được nơi đó đang ở cấp độ dịch mấy thì việc thực hiện chắc chắn sẽ lại rối, sẽ có chuyện ngăn sông cấm chợ.
"Chống dịch như chống giặc", chứ không phải chống và ngăn trở lẫn nhau. Bên cạnh kẻ thù truyền kiếp Covid-19, điều mà cộng đồng cần vượt qua lúc này chính là sự sợ hãi thái quá!
Theo A.Q (NLĐO)