(GLO)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) để lại hậu quả rất nặng nề, không thể nào bù đắp. Sau những vụ tai nạn ấy, cuộc sống của nhiều gia đình bị xáo trộn, thậm chí rơi vào bi kịch.
Bao giờ nước mắt thôi rơi?
Đã hơn 4 tháng sau ngày chồng mất, ngày nào chị Nguyễn Thị Hiền (tổ 13, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cũng khóc thầm. Mất đi trụ cột trong gia đình, mọi nỗi vất vả dồn lên đôi vai gầy của chị. Dù bản thân đang chịu sự hành hạ của bệnh tật, nhưng để lo cho 4 người con, mấy tháng nay, chị Hiền phải đi làm thuê cho các quầy bán thịt heo tại chợ đêm TP. Pleiku. Trở về nhà khi mặt trời vừa ló dạng, chưa kịp nghỉ ngơi, chị lại tiếp tục lao vào những công việc mới, ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền lo cho cuộc sống gia đình.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Chư Sê tháng 5-2017. Ảnh: L.A |
Thắp nén hương cho chồng (anh Dương Văn Hùng bị tử vong do TNGT trong lần về quê Bình Định chăm sóc cho người cha bệnh nặng vào tháng 7-2017), chị chua xót: “Nỗi mất mát này quá lớn đối với tôi và các con. Nhiều khi tôi cảm giác như mình không thể gượng dậy nổi nhưng nhìn mấy đứa con thơ, tôi dặn lòng phải cố gắng vượt qua nỗi đau để sống tiếp”.
Khác với gia cảnh của chị Hiền, vợ chồng ông Blang (làng Tao Chor A, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) vẫn còn nuôi chút hy vọng về một ngày nào đó sẽ có “phép màu” giúp cho người con trai bị TNGT nằm liệt giường 4 năm nay mạnh khỏe trở lại. Bi kịch xảy ra với Rơ Lan Tă, con trai ông bà, khi em vừa tròn 18 tuổi. Vào tối 8-12-2013, Rơ Mah Săn (trú cùng làng) điều khiển xe mô tô chở Tă đi chơi cùng nhóm bạn. Lúc đi dạo trên quốc lộ 14 đoạn qua xã Ia Hrú, thấy đường vắng, cả nhóm rú ga lao vút trên đường. Do không làm chủ tốc độ nên xe mô tô do Rơ Mah Săn điều khiển đã đâm vào xe công nông đi ngược chiều. May mắn thoát chết nhưng Săn bị gãy tay còn Tă bị đa chấn thương.
Thương con, ông bà Blang cũng đã bán đất, bán bò và vay mượn hơn 100 triệu đồng chạy chữa khắp nơi. “Vất vả mấy vợ chồng tôi cũng chịu được, nhưng mỗi lần thấy bạn bè cùng trang lứa với nó có gia đình, việc làm ổn định, còn con mình thì như vậy, vợ chồng tôi thấy đau đớn vô cùng”-ông Blang nghẹn ngào chia sẻ.
Chung tay xây dựng xã hội an toàn giao thông
Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 10 tháng năm 2017, cả nước xảy ra 16.167 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.827 người, bị thương 13.281 người. Trung bình, mỗi năm tai nạn giao thông tại Việt Nam gây thiệt hại kinh tế khoảng 2,5% GDP, tương đương 115.260 tỷ đồng/năm và 315 tỷ đồng/ngày. Còn tại Gia Lai, tính đến ngày 12-11-2017, toàn tỉnh xảy 362 vụ tai nạn giao thông, làm chết 208 người, bị thương 440 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ giảm 5,97%, số người bị thương giảm 1,12%, số người chết giảm 1,42%; trong số đó có 10 vụ rất nghiêm trọng và 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ… thì nguyên nhân chính dẫn đến TNGT vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông. Qua phân tích lỗi vi phạm thì có hơn 90% nguyên nhân dẫn đến TNGT là do người tham gia giao thông chạy quá tốc độ; vượt sai phần đường, lấn đường; qua đường không quan sát; vi phạm các quy định về biển báo, đèn báo; không đội mũ bảo hiểm; sử dụng rượu, bia hay chất kích thích khác khi tham gia giao thông…
Mất mát nào cũng đau đớn và đầy tiếc nuối, nhưng những cái chết bất ngờ vì tai nạn giao thông luôn để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi cho gia đình, người thân của họ; bên cạnh đó còn kéo theo nhiều hệ lụy khác cho xã hội như đói nghèo, bệnh tật. Vì vậy, cần chung tay xây dựng một xã hội an toàn giao thông.
Ngày 19-11, UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức “Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” năm 2017. Theo kế hoạch, chương trình sẽ được tổ chức vào lúc 19 giờ 15 phút tại Nhà Thiếu nhi tỉnh (60 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) và được truyền hình trực tiếp trên VTV1. |
Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh: “Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngoài các biện pháp của cơ quan chức năng, người tham gia giao thông cần tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cần có cách ứng xử văn hóa giữa những người tham gia giao thông với nhau, khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng..., từ đó tạo lập nên một môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện. Tuy nhiên, văn hóa giao thông chỉ có thể được xây dựng một cách bền vững khi người tham gia giao thông, người xây dựng, quản lý và điều hành giao thông cũng như toàn xã hội cùng chung tay đóng góp bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực”.
Lê Anh