Du lịch nhiếp ảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù tự lên kế hoạch hay đi theo tour, du lịch nhiếp ảnh đem lại những trải nghiệm đáng nhớ, thú vị và chắc chắn đó không phải là chuyến đi dành cho những người thích nhàn nhã.
Đi để bấm máy
Không chỉ đơn giản là những chuyến đi để thư giãn, nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, du lịch nhiếp ảnh ngay từ đầu đã đặt mục đích là sáng tác ảnh. Vì thế, đây là một xu hướng dịch chuyển không dành cho tất cả mọi người mà thường dành riêng cho những nhiếp ảnh gia hoặc những người thực sự có niềm đam mê với việc ngắm nhìn cuộc sống qua ống kính. Xu hướng này đã tạo nên nhiều nhiếp ảnh gia du lịch.
Đam mê nhiếp ảnh nên anh Phan Nguyên (TP. Pleiku) tranh thủ thời gian để cùng với nhóm bạn có chung sở thích chọn địa điểm, lên kế hoạch cho những chuyến du lịch sáng tác ảnh. “Với những chuyến đi như vậy, tôi vừa tham quan, ngắm cảnh đồng thời thỏa mãn niềm đam mê với nhiếp ảnh. Vừa du lịch vừa nhiếp ảnh sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị hơn so với việc chỉ đi và nhìn ngắm, chụp ảnh check-in. Chúng tôi có thể ở lại một nơi nào đó lâu hơn, tốn nhiều công sức cho một bối cảnh để nắm bắt được khoảnh khắc cho một bức ảnh đẹp. Đồng thời chúng tôi còn có cơ hội tìm hiểu rõ nét về thiên nhiên, phong tục, tập quán, cuộc sống ở những nơi mình đã đi qua”-anh Phan Nguyên chia sẻ.
 Tác phẩm “Đường về”. Ảnh: Phan Nguyên
Tác phẩm “Đường về”. Ảnh: Phan Nguyên
Anh Lê Quý Kiên (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là người “xê dịch” gần như khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Sau mỗi chuyến đi, anh không chỉ tích lũy thêm cho mình được những kinh nghiệm quý báu mà còn là những bức ảnh đậm chất nghệ thuật, mê đắm lòng người. Đó là khung cảnh yên bình của hoàng hôn đổ ánh chiều lên cánh đồng lúa chín vàng; là vẻ thanh bình, nhẹ nhàng của những thửa ruộng bậc thang hay sự lãng mạn của bầu trời đêm lấp lánh ánh sao… Nhiều bức ảnh của anh Kiên khiến không ít người mê mẩn và ao ước một lần được đặt chân đến những vùng đất trong bức ảnh mà anh thể hiện. “Mỗi nơi đi qua đều để lại những ấn tượng rất riêng. Vì công việc nên tôi thường phải sắp xếp thời gian sao cho phù hợp. Thường thì tôi hay đi vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Mỗi năm tôi cùng nhóm bạn nhiếp ảnh có kế hoạch đi các tỉnh, gần đây là miền Trung, khu vực phía Nam và vùng biển đảo của Tổ quốc. Cứ nơi nào có cảnh đẹp hay lễ hội đặc sắc là tôi đều cố gắng để đến. Tôi cũng từng ngang qua Gia Lai nhưng chưa có dịp khám phá nhiều. Hy vọng trong lần trở lại tới đây, tôi sẽ có thời gian để tìm hiểu nhiều hơn”-anh Kiên bày tỏ.
Cũng là một “tín đồ” của du lịch nhiếp ảnh nhưng không có nhiều thời gian để tự mình chuẩn bị chương trình cho chuyến đi, anh Huỳnh Minh (quận 10, TP. Hồ Chí Minh) bèn tìm đến các đơn vị tổ chức tour du lịch nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Ở đây, tùy theo điều kiện và sở thích, anh Minh có thể lựa chọn một chương trình phù hợp. Dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, anh Minh đã tham gia tour Gia Lai-Kon Tum. Trong chuyến đi này, anh đã có những bức ảnh chụp hàng thông trăm tuổi-điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) và nhận được nhiều lời khen của bạn bè. Anh Minh chia sẻ: “Du lịch nhiếp ảnh đòi hỏi mình phải hiểu rõ nơi đến, địa hình, phong cảnh, tập quán, con người thì mới có thể sáng tác được. Nhưng khi đã có nhà tổ chức tour chuẩn bị thì mình chỉ cần đi và bấm máy, dù chi phí bỏ ra cao hơn so với các tour du lịch bình thường”.
Những chuyến đi không nhàn hạ
Các chuyến du lịch nhiếp ảnh thường có hành trình ngắn hơn so với các tour du lịch thông thường, song thời gian dừng chân ở một địa điểm thường lâu hơn. Để sáng tác, người tham gia phải thiết kế, tạo bối cảnh, tìm hoặc thuê mẫu và chăm chỉ bấm máy trong suốt khoảng thời gian quý báu đó. Thế nhưng, có những khung cảnh không thể sắp xếp mà chỉ có thể canh thời gian, thời tiết và chọn địa điểm thích hợp. Anh Phan Nguyên tâm sự: “Du lịch để sáng tác ảnh thường giống một chuyến đi du lịch “bụi”. Người đi phải có thể lực tốt vì chuyến đi không phải để nghỉ dưỡng mà là đi để “săn” cảnh đẹp, tìm kiếm khoảnh khắc nên có không ít khó khăn, trở ngại. Để “săn” cảnh mặt trời mọc, chúng tôi phải dậy từ rất sớm, đến địa điểm xác định trước và chờ đợi. Trong chuyến đi Hà Giang, có lần trong lúc đang mải chụp, tôi suýt rơi xuống vực sâu. Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ, là bài học kinh nghiệm cho những chuyến đi sau này”.
Du lịch nhiếp ảnh quả thực là hành trình lao động sáng tác nghệ thuật đầy khó khăn nhưng cũng nhiều điều thú vị, hấp dẫn. Chính vì là hành trình của đam mê sáng tạo nên hành trang cho chuyến đi cũng phải công phu hơn, từ tinh thần cho đến đạo cụ. Anh Kiên nhấn mạnh: “Ngoài máy ảnh thì còn phải có hệ thống lens (ống kính), chân máy và các dụng cụ hỗ trợ chụp ảnh chuyên nghiệp khác. Ngoài ra cũng không thể quên đồ dùng cá nhân như: quần áo, túi ngủ, áo mưa, lương thực, lều, nước, các loại thuốc men…”.
Đi du lịch và chụp ảnh là hiện thực hóa mục đích “một công đôi ba việc”. Những bức ảnh đẹp ghi lại phong cảnh, con người ở mỗi nơi đến chính là điều khiến cho những chuyến du lịch nhiếp ảnh trở nên đặc biệt. Chúng trở thành “sứ giả du lịch” khi thể hiện vai trò giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người một vùng đất, một địa phương vô cùng chân thật, sinh động và hấp dẫn. 
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.