Du lịch đồn điền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Du lịch đồn điền là hình thức du lịch xanh hiện đang được ưa chuộng ở nhiều quốc gia. Tại Gia Lai, người Pháp đã tạo ra những đồn điền rộng lớn từ rất sớm. Hàng thế kỷ trôi qua, đây không chỉ là mô hình đắc dụng phát triển kinh tế mà còn tạo cảnh quan tuyệt đẹp, đặc trưng cho vùng cao nguyên. Giờ đây, những đồng chè trăm tuổi trên cao nguyên hứa hẹn sẽ trở thành tour du lịch hấp dẫn trong nỗ lực xây dựng sản phẩm khác biệt, tạo đột phá cho ngành công nghiệp “không khói”.
Theo định nghĩa của Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia): “Đồn điền là một loại trang trại có quy mô lớn, thường ở vùng nhiệt đới hay bán nhiệt đới, trồng những loại cây công nghiệp như bông gòn, thuốc lá và cà phê, chè, mía, cao su, cây lấy gỗ hoặc cây ăn quả… Đồn điền chủ yếu cung cấp hàng hóa có giá trị trên thương trường chứ không phải để tiêu thụ trong phạm vi sinh hoạt hàng ngày”. Theo định nghĩa trên, Gia Lai có thể phát triển loại hình du lịch đồn điền, đặc biệt là khi “sở hữu” 2 đồn điền chè có lịch sử hình thành hàng thế kỷ. Đây là những điểm đến thu hút khách du lịch nhiều năm qua, nhưng để biến chúng thành sản phẩm du lịch, khai thác giá trị mang lại lợi nhuận cho ngành công nghiệp “không khói” và người dân địa phương thì phải đổi mới tư duy và cách làm.
Trong một vài chuyến khảo sát du lịch của giới lữ hành cả nước năm 2018, nhiều người cho rằng, du lịch Gia Lai đang để lãng phí những đồng chè trăm tuổi. Cả đồng chè ở khu vực Biển Hồ và Bàu Cạn mới chỉ được xem là điểm đến để ngắm cảnh, chụp ảnh chứ chưa có bất cứ dịch vụ nào kèm theo để có thể lấy tiền từ... du khách. “Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những tour du lịch hấp dẫn, đẳng cấp từ những đồn điền có lịch sử hàng thế kỷ nếu chính quyền có cách làm khôn khéo, phù hợp. Cần phải nâng tầm để những đồng chè trở nên hấp dẫn hơn, giá trị hơn”-ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt-nhận định.
 Gia Lai có thể phát triển loại hình du lịch đồn điền khi “sở hữu” 2 đồn điền chè có lịch sử hình thành hàng thế kỷ. Ảnh: Doãn Vinh
Gia Lai có thể phát triển loại hình du lịch đồn điền khi “sở hữu” 2 đồn điền chè có lịch sử hình thành hàng thế kỷ. Ảnh: Doãn Vinh
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết, thời gian qua ngành Du lịch đã khảo sát, làm việc với công ty TNHH một thành viên chè Bàu Cạn, Công ty cổ phần chè Biển Hồ và chính quyền các địa phương về vấn đề mở tour du lịch trà. “Thuận lợi lớn nhất là những đồng chè trăm tuổi đã tạo sẵn cảnh quan tươi đẹp, giao thông thuận lợi, chỉ cách trung tâm thành phố 15-20 phút đi xe. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này, chúng tôi đã đề xuất doanh nghiệp và địa phương nên tạo điều kiện để du khách tham quan, trải nghiệm hái chè, vào nhà máy xem quy trình chế biến để hiểu thêm giá trị của cây chè”-ông Hoàng nói.
Trong khi đó, từ kinh nghiệm dẫn nhiều đoàn khách đến những điểm du lịch trà nổi tiếng như Đài Loan, Hàng Châu (Trung Quốc), ông Hải chia sẻ, du lịch trà hiện đang giúp một số quốc gia “hái ra tiền”. Ở những điểm du lịch trà nổi tiếng, họ có cách khai thác triệt để từ việc cho du khách hòa mình vào những đồng chè xanh ngút ngàn, tự tay hái những búp tươi non, thưởng thức trà và các sản phẩm từ trà, tham quan bảo tàng trà, quy trình chế biến và cuối cùng là mua các sản phẩm từ trà làm quà biếu tặng. Đó là một dịch vụ khép kín mà không khách du lịch nào muốn bỏ lỡ vì sự hấp dẫn, thú vị mà tour này mang lại. Đặc biệt, các sản phẩm từ cây chè vô cùng phong phú, từ thức ăn, thức uống đến sản phẩm làm đẹp nên du khách dễ dàng móc hầu bao chi trả.
Tại Gia Lai, Biển Hồ chè là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp, hình thành từ những năm 20 của thế kỷ trước. Cùng với đồn điền chè Bàu Cạn, các sản phẩm trà khởi đi từ vùng đất đỏ bazan có thời kỳ xuất đi nhiều nước, được cả thế giới biết đến. Theo ông Hải, nếu hình thành nên tour du lịch đồn điền hay du lịch trà ở những khu vực này, chỉ riêng lịch sử hình thành của cây chè cũng có thể được khai thác để trở thành những câu chuyện làm xiêu lòng du khách. Ông Hải chia sẻ: “Nếu tỉnh ta quyết tâm khai thác sản phẩm du lịch mới từ những đồn điền chè, cần sớm có quy hoạch cụ thể khu vực nào đưa khách đến trải nghiệm, xây dựng địa điểm cho khách thưởng trà, chụp ảnh, ngắm đồng chè từ vị trí đắc địa nhất. Đặc biệt, cần tạo ra những sản phẩm từ trà như bánh, kẹo, các loại trà gói, trà túi lọc, sản phẩm làm đẹp từ bột trà xanh… để bán cho du khách. Ở những điểm du lịch trà trên thế giới, du khách thường rất ấn tượng với công nghệ chế biến của họ. Chúng ta không thể so sánh công nghệ với người ta thì cần tạo ra điểm nhấn khác. Chẳng hạn, những câu chuyện về lịch sử ngành chè, gắn với những con người cụ thể mà ngày nay thế hệ con cháu của họ vẫn còn gắn bó với cây chè-minh chứng cho những câu chuyện vừa đời thực vừa huyền hoặc. Chúng ta không cần cố để tạo ra văn hóa trà cầu kỳ như trà đạo Nhật Bản, hay so sánh với trà sữa trứ danh của Đài Loan, nhưng hoàn toàn có thể tạo ra một văn hóa trà phù hợp, gần gũi với người Việt”.
Cũng theo ông Hải, địa điểm thưởng trà là yếu tố rất quan trọng trong tour du lịch đặc thù này. Đó phải thực sự là chốn thiên đường, yên tĩnh và lãng mạn. Ví như những điểm du lịch trà ở Hàng Châu thiết kế các quán trà chơi vơi trên đỉnh núi nhưng du khách vẫn nườm nượp kéo tới. Bởi khách du lịch mê trà thường thích những nơi xa cách với hiện đại, đưa con người vào cảnh giới khác, gần gũi thiên nhiên. “Chúng ta có thể làm những ngôi nhà sàn, nhà dài dọc hồ nước ở khu vực đồn điền chè Bàu Cạn, khách sau khi tham quan, hái trà có thể lên đây thưởng trà, bình yên ngắm hồ Ia Mua, ngắm những hàng muồng vàng rực rỡ xen giữa những gốc chè cổ. Còn ở Biển Hồ chè, có thể kết hợp tham quan theo quy trình tôi đã nói ở trên, kết thúc có thể là một bữa thưởng trà chiều trong không gian thiền tĩnh của ngôi chùa cổ Bửu Minh gần đó”-ông Hải gợi ý.
Du lịch đồn điền hiện đang là xu thế, có sức hấp dẫn riêng đối với thị trường du lịch. Đây đều là những loại hình thế mạnh của tỉnh ta, nhưng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có sản phẩm nào tạo ra sự khác biệt. Nếu thành công, mô hình du lịch trà sẽ tiếp tục mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp “không khói” khi tiếp tục khai thác cây cà phê, cao su, hồ tiêu với nhiều hình thức tour đặc thù.
 NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.